"Khủng hoảng thanh khoản Trung Quốc mới bắt đầu"

Theo VnExpress.net

Các chuyên gia cho rằng cơn khát tiền mặt đe dọa hệ thống ngân hàng Trung Quốc những tuần qua chỉ là bước khởi đầu cho sự bất ổn lớn hơn, nếu giới lãnh đạo nước này đẩy mạnh thả nổi lãi suất và nới lỏng kiểm soát vốn.

"Khủng hoảng thanh khoản Trung Quốc mới bắt đầu"
Trung Quốc có ý định tự do hóa lãi suất và thả lỏng kiểm soát vốn. Nguồn: Internet

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt tháng trước đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nhà đầu tư thì lo ngại ngân hàng cạn tiền khi nhiều trường hợp ATM rỗng được ghi nhận và hệ thống thanh toán điện tử không thể hoạt động.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc dự định thả nổi lãi suất và tỷ giá sẽ còn khiến ngân hàng gặp nhiều thách thức hơn nữa trong quản lý rủi ro. Yukon Huang, cựu giám đốc World Bank khu vực Trung Quốc cho biết: "Sự bất ổn gần đây đã phản ánh rủi ro của "cởi trói" lãi suất quá nhanh, hoặc chính xác hơn là việc quá dựa dẫm vào lãi suất để đạt mục tiêu".

Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố muốn đẩy nhanh tốc độ thả nổi lãi suất. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tháng trước cũng cho phép các nhà băng linh hoạt định lãi suất tiền gửi trong giới hạn cho trước.

Tuy vậy, việc cởi trói này có thể khiến các tổ chức tín dụng cạnh tranh gay gắt để giành tiền gửi của khách hàng. Markus Rodlauer, Phó giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: "Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ thật kỹ về khả năng các ngân hàng phải cạnh tranh quá gay gắt và tự dìm nhau vào thua lỗ?'".

Cuộc khủng hoảng tháng trước gây ra bởi chính PBOC, khi họ từ chối bơm thêm tiền vào thị trường để kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) do ngân hàng chào mời, thay thế dịch vụ gửi tiền lãi suất cao truyền thống, cũng làm tăng rủi ro thanh khoản. Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt một phần cũng do nhà băng phải đi vay để chi trả các khoản WMP đáo hạn.

Huang Jinlao - Phó chủ tịch Ngân hàng Hua Xin cho biết trên tạp chí tài chính nổi tiếng Trung Quốc - Caixin: "Thả nổi lãi suất chắc chắn sẽ khiến lãi tiền gửi tăng vọt. Các tổ chức tín dụng có thể gặp rủi ro lớn khi chênh lệch lãi suất vay - huy động giảm xuống. Việc này có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính".

Tuy vậy, một số nhà phân tích lại nhìn nhận vấn đề này tương đối lạc quan. Jimmy Leung tại PwC Trung Quốc cho biết: "Nếu thả nổi lãi suất, hệ thống ngân hàng sẽ hút được nhiều tiền hơn từ các tổ chức tín dụng đen, hoặc từ cả người dân. Vì lãi suất tăng lên sẽ hấp dẫn người gửi".

Còn Richard Jerram, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Singapore cho biết việc thả nổi có thể đe dọa các ngân hàng. Nhưng một khi vẫn được kiểm soát chặt, vốn sẽ bị giữ lại Trung Quốc và khủng hoảng toàn hệ thống là không thể xảy ra.

Tuy nhiên, kể cả khi được kiểm soát, vốn đầu tư vào Trung Quốc vẫn bị rút một phần năm 2012, khi thế giới lo ngại nước này hạ cánh cứng và tăng trưởng GDP năm ngoái thấp nhất kể từ 1999. Sheng Songcheng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và thống kê của PBOC cho biết: "Trong dài hạn, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là áp lực có vốn ngoại chảy vào, chứ không phải rút ra".

Tuyên bố như vậy nhưng các chính sách gần đây lại cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được nguy cơ dòng vốn rút ra đột ngột. Và kể cả khi không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, Sheng cũng cho biết Trung Quốc sẽ duy trì kiểm soát cần thiết để chống rút vốn quy mô lớn.

Ông tiết lộ: "Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ khuyến khích các công ty mở rộng ra nước ngoài. Về trung hạn thì có thể nới lỏng kiểm soát tín dụng thương mại, dựa trên việc kinh doanh thực sản phẩm và dịch vụ. Chỉ trong dài hạn, chúng tôi mới cân nhắc mở cửa thận trọng thị trường bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu. Còn đối với sản phẩm nợ ngắn hạn vốn thu hút giới đầu cơ, Trung Quốc sẽ không nới kiểm soát trong thời gian tương đối dài".

Ngoài việc khiến lãi suất tăng cao và dòng vốn rút chạy, cạn kiệt tiền mặt còn làm nổi lên rủi ro từ các tổ chức tài chính yếu kém tại Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho biết các nhà điều tiết cần tập trung vào đây để giảm nguy cơ xảy ra một cú sốc khác.

Lu Ting, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America-Merrill Lynch Hong Kong (Trung Quốc) nói: "Giải quyết các ngân hàng vi phạm quy định nên được thực hiện bằng các điều luật thận trọng, hơn là gây ra khủng hoảng tín dụng trên thị trường liên ngân hàng. Vì việc này có thể phản tác dụng".