Khuyến khích nông dân vay vốn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Không chỉ bổ sung đối tượng áp dụng, nâng mức cho vay tín chấp, Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý) còn khuyến khích vay và cho vay bằng những cơ chế đặc thù.

Khuyến khích nông dân vay vốn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nông hộ được vay tín chấp tới 100 triệu đồng

Một trong những sửa đổi quan trọng tại Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn - thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP, là mở rộng đối tượng áp dụng. Theo Dự thảo Nghị định, sẽ không có sự phân biệt đối tượng theo địa giới hành chính. Thay vào đó, tất cả người dân dù ven đô, phường thuộc thị xã, thành phố nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh chính là nông nghiệp đều thuộc đối tượng được điều chỉnh tại Nghị định này. Để tăng tính liên kết các sản phẩm nông nghiệp, Dự thảo cũng bổ sung đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp phục vụ các sản phẩm thiết yếu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Một thay đổi lớn khác là hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo (cho vay tín chấp) được nâng lên đáng kể. Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn được vay tối đa 50 triệu đồng nếu có hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; được vay tối đa 100 triệu đồng nếu có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Tổ hợp tác và hộ kinh doanh được vay tối đa 300 triệu đồng. Hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cơ sở chế biến và xuất khẩu trực tiếp được vay tối đa 500 triệu đồng. Dự thảo cũng quy định: cho vay tín chấp tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có trường hợp được vay tín chấp lên tới 3 tỷ đồng.

Để khuyến khích các mô hình sản xuất lớn, theo chuỗi liên kết, Dự thảo quy định các trường hợp này sẽ được cấp tín dụng tối đa 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết và 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao… tạo động lực cho người nông dân mạnh dạn vay vốn làm ăn trên quy mô lớn hơn.

Những điều chỉnh này được dư luận đánh giá cao. Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho biết, khi thực hiện Nghị định 41 đã xảy ra trường hợp: ở những nơi bỗng dưng trở thành thành thị vì được nâng cấp về mặt hành chính, nông dân lại không được vay vốn. Quy định như Dự thảo Nghị định - cho phép các hộ chỉ cần tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp là chính có thể được cấp tín dụng mà không cần tại địa bàn nông nghiệp – sẽ khắc phục được điều này. Việc tăng hạn mức cho vay cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nông dân. Việc nâng hạn mức cho vay thêm 50 triệu đồng có thể không nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp nhưng với nông dân lại là nguồn lực rất lớn.

Khuyến khích vay, cho vay bằng cơ chế đặc thù

Dòng vốn chảy vào nông nghiệp thường bị tắc bởi rủi ro trong ngành này quá cao. Ngân hàng không dám cho vay đã đành, nhiều khi nông dân cũng không dám vay.

Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định: nếu khoản nợ gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn cho người dân vay vốn thì UBND tỉnh, thành phố xem xét đánh giá và đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Việc thu lại một đầu mối đánh giá là UBND tỉnh, thay vì qua cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế như hiện nay, được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm thiểu các thủ tục hành chính để chính sách ưu đãi nhanh chóng đến tay người dân bị thiệt hại.

Để giải quyết băn khoăn lớn nhất của các ngân hàng khi tham gia Nghị định 41 là tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro quá cao, Dự thảo Nghị định quy định: tổ chức tín dụng được áp dụng việc xác định tài sản có rủi ro trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu như đối với khoản vay có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của khách hàng với giá trị khấu trừ khi xác định mức trích lập dự phòng cụ thể tối đa bằng 50% giá trị khoản vay. 

Những điều chỉnh phù hợp và cần thiết nêu trên sẽ một lần nữa đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.