TS. Cấn Văn Lực:

Khuyến nghị đối với 06 kênh đầu tư tại Việt Nam (*)


Nhìn một cách khái quát thì ở Việt Nam có thể chia làm 6 kênh đầu tư gồm: Chứng khoán, bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm, khởi nghiệp và tài sản ảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư truyền thống, phổ biến trên thế giới và càng phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả trong dịch bệnh thì năm 2020, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất nhưng huy động vốn trong dân cư vẫn tăng khoảng 13%. Năm nay cũng được dự báo tăng tương ứng 11-12% để đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu của cơ quan quản lý. Lãi suất dù rơi xuống tương đối thấp nhưng vẫn hấp dẫn, vì còn thực dương so với kỳ vọng lạm phát.

Kênh đầu tư thứ 2 là chứng khoán. Năm ngoái, toàn bộ thị trường và chỉ số VN-Index đã tăng 15%. Năm nay thị trường được dự báo sẽ tăng khoảng 15-20% cho thấy dấu hiệu tích cực hơn năm 2020. Tuy nhiên, tăng giảm cụ thể như nào cũng còn phụ thuộc lớn vào từng mã cổ phiếu. 

Kênh đầu tư thứ 3 là vàng. Năm ngoái các nhà đầu tư vàng có thể nói là thắng lớn khi giá vàng đã tăng khoảng gần 30%. Sang tới năm nay, vàng lại là một kênh đầu tư tương đối rủi ro vì biến động phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và trong nước. Cùng với đó, cơ hội lướt sóng, đầu tư vàng không còn nhiều như năm ngoái vì thị trường đã ổn định hơn.

Kênh đầu tư thứ 4 là bất động sản. Đây rõ ràng là kênh đầu tư người dân Việt Nam ưa chuộng vì gắn với nhu cầu dự trữ, tích luỹ và văn hoá đầu tư, sở hữu. Tính chung cả thị trường bất động sản năm nay sẽ phục hồi tích cực hơn nhưng cũng tùy vào từng phân khúc, nhà đầu tư cũng cần tính toán kỹ lường, cân nhắc trước khi xuống tiền.

Kênh đầu tư thứ 5 là khởi nghiệp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư tư nhân, trong đó có star-up của Việt Nam tăng mạnh, trung bình 15-18%/năm (riêng năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhóm đầu tư tư nhân chỉ tăng khoảng 2%). Năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Đặc biệt nhiều mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực đầu tư mới khiến giới trẻ quan tâm đầu tư khởi nghiệp, nổi lên như Fintech, Proptech (công nghệ bất động sản), giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông hay Digital marketing.

Cuối cùng là kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số, tài sản ảo. Nói đúng hơn là kênh đầu cơ với rất nhiều rủi ro. Đây là kênh đầu tư không dành cho số đông mà chỉ dành cho nhóm nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, chấp nhận rủi ro lớn. 5 rủi ro lớn với loại tài sản này là: Chưa được coi là tiền tệ chính thống nên không có 3 chức năng chính của tiền tệ; mức độ biến động giá rất mạnh (trong một ngày có thể biến động đến 20-30%) đồng nghĩa rủi ro rất cao.

Chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin là khá mơ hồ; tiếp theo là rủi ro pháp lý; rủi ro về phục vụ các hoạt động phi pháp; cuối cùng là rủi ro kỹ thuật và mất tiền xảy ra khi sàn giao dịch bị lỗi, bị hack, bị đánh sập như sàn Mt.Gox (2011), Bitstamp (2015), Bitfinex (2016), Bitconnect (2018)..; cùng với đó, hàng trăm nhà đầu tư bị mất tiền mà không biết đòi ai vì chưa có hành lang pháp lý nêu trên.

(*) Trích lược theo bài "6 kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2021" - N. Thoan/nhadautu.vn. Tựa đề do Tapchitaichinh.vn đặt.