Khuynh gia bại sản vì... "lòng tốt" của người cho vay nặng lãi

Những người phải vay “lãi ngày” từ các cá nhân cho vay lãi suất cao đều phải mạo hiểm cầm cố tài sản bằng những bản hợp đồng vô cùng bất lợi, dẫn đến khuynh gia bại sản vì “lòng tốt” của người cho vay.

Khuynh gia bại sản vì... "lòng tốt" của người cho vay nặng lãi
Vấn nạn "tín dụng đen" đã đến mức báo động. Nguồn: internet
Năm 2010, vợ chồng ông Phan Viết Thuần và bà Ngô Thị Lan cần tiền để giải quyết việc kinh doanh nên đã vay tiền của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trực, Vương Tú Hồng (trú tại Long Biên, Hà Nội) theo hình thức lãi ngày với mức 2.000 đồng/triệu/ngày (tương đương lãi suất 72%/năm).

Để vay được tiền, vợ chồng ông Thuần còn phải đem tài sản là 286 m2 đất của vợ chồng ông tại thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn trị giá nhiều tỷ đồng để “cầm cố” với hình thức rất mạo hiểm là ký hợp đồng chuyển nhượng với giá rẻ mạt 250 triệu đồng.

Để đảm bảo việc trả nợ, bên cho vay cầm giấy tờ nhà đất và hợp đồng chuyển nhượng, nếu ông Thuần không trả được nợ thì coi như sẽ mất tài sản này. Đây là cách thức “đảm bảo” mà hầu hết những người cho vay lãi ngày, hình thức tín dụng đen phổ biến hiện nay áp dụng.

Theo vợ chồng ông Thuần, quá trình thực hiện, vợ chồng ông Thuần đều trả hết nợ gốc và lãi nên hai bên rất tin nhau. Đến đầu năm 2011, vợ chồng ông Thuần cần tiền và vay tiếp của vợ chồng ông Trực 1,32 tỷ đồng và tiếp tục sử dụng tài sản của gia đình ông tại Bắc Ninh để đảm bảo việc trả nợ. Đến tháng 4/2013, vợ chồng ông Thuần đã trả gốc và lãi là 1,85 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 4/2013, vợ chồng ông Thuận nhận được điện thoại của hai người lạ, yêu cầu vợ chồng ông giao nhà đất tại thị xã Từ Sơn vì họ đã mua tài sản này của ông… Nguyễn Hữu Trực và bà Vương Tú Hồng. Lúc này, vợ chồng ông Thuần mới "ngã ngửa" người khi biết ông Nguyễn Hữu Trực đã sử dụng bản hợp đồng “chuyển nhượng” đất mà vợ chồng ông ký năm 2010 (vốn chỉ sử dụng để đảm bảo việc trả nợ tiền vay, không phải mua bán thật) để “hoàn thiện hồ sơ” làm sổ đỏ sang tên ông Trực và sau đó bán cho người khác.

Theo kết quả giải quyết của Ủy ban Nhân dân xã Tương Giang thì tháng 5/2012, ông Trực đã sử dụng các hợp đồng mà vợ chồng ông Thuần ký để xin cấp sổ đỏ và đã được Ủy ban Nhân dân thị xã Từ Sơn cấp sổ đỏ mang tên Nguyễn Hữu Trực và Vương Tú Hồng. Việc này vợ chồng ông Phan Viết Thuần không hề hay biết. Ngày 17/4/2013, vợ chồng ông Trực đã bán cho anh Phan Viết Huy và Phan Viết Hồng tài sản này. Lúc này, vợ chồng ông Thuần mới biết tài sản mà vợ chồng ông chỉ “cầm cố” đã bị ông Trực chiếm đoạt nên đã tức tốc trình báo Công an để cầu cứu.

Cái bẫy “đảo nợ giúp”

Cũng giống bi kịch như vợ chồng ông Phan Viết Thuần, bà Đoàn Thị Sương Mai (trú tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cũng dính bẫy tín dụng đen với một kịch bản là “đảo nợ giúp”. Đầu năm 2012, số tiền 1,64 tỷ mà bà Mai vay của Ngân hàng Eximbank đã đến hạn trả nhưng bà Mai chưa biết xoay đâu ra tiền. Đang trong lúc rất “căng thẳng” thì bà Sương Mai được hai người phụ nữ là Huỳnh Thị Châu và Nguyễn Thị Mai đề nghị được giúp đỡ bà trả nợ.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Mai sẽ cho bà Đoàn Thị Sương Mai vay 2,3 tỷ đồng để trả tiền ngân hàng, đồng thời cam kết trong 30 ngày sẽ giúp bà Sương Mai có thể vay được 2,3 tỷ đồng của ngân hàng khác để trả lại cho bà Nguyễn Thị Mai. Nhưng, để thực hiện việc làm trên bà Sương Mai phải cầm cố tài sản nhà của gia đình bà Mai tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng trị giá khoảng 6 tỷ đồng với hình thức “ký bán” với giá chỉ có 400 triệu đồng.

Trong lúc cần tiền để “đảo nợ” ngân hàng nên bà Sương Mai cũng đồng ý với thỏa thuận trên. Tuy nhiên khi thực hiện thỏa thuận, ngoài số tiền hơn 1,64 tỷ đồng mà bà Nguyễn Thị Mai trả nợ ngân hàng giúp, bà Sương Mai không nhận được khoản tiền nào khác như cam kết ban đầu. Số tiền còn lại chỉ là một tờ giấy nhận nợ 400 triệu đồng mà bà Huỳnh Thị Châu nhận nợ với bà Sương Mai.

Theo đơn tố cáo của bà Sương Mai gửi các cơ quan chức năng thì sau khi các bên ký kết thỏa thuận như trên, những người giúp đỡ bà Sương Mai đã hiện nguyên hình là những người cho vay nặng lãi. Vì sau một tháng trả nợ “giúp” bà Sương Mai, bà Nguyễn Thị Mai đã không giúp bà Mai vay ngân hàng để trả khoản nợ 2,3 tỷ đồng. Ngược lại, bà Nguyễn Thị Mai đã yêu cầu bà Sương Mai ký giấy nhận nợ 2,45 tỷ đồng, trong đó có 2,3 tỷ tiền gốc và 145 triệu tiền lãi. Theo bà Sương Mai, với số tiền lãi này thì bà đã phải chịu lãi suất bằng 19%/tháng.

Ngày 22/6/2012, một nhóm người lạ mặt mà bà Sương Mai cho là “xã hội đen” còn đến ép bà phải ký giấy nhận nợ của bà Nguyễn Thị Mai với số tiền hơn 2,85 tỷ đồng. Hơn thế nữa, ngôi nhà của gia đình bà Sương Mai tại quận Sơn Trà mà bà đem “cầm cố” cho bà Nguyễn Thị Mai bằng hình thức “ký bán rẻ” cũng đã được bà Nguyễn Thị Mai lấy bằng việc sang tên sở hữu mà gia đình bà Sương Mai không hề hay biết gì. Vậy là bà Sương Mai vừa phải trả lãi cắt cổ, vừa mất nhà vào tay “người tốt”.

Theo Luật sư Hoàng Huy Được, vấn nạn "tín dụng đen" đã đến mức báo động. Tính từ năm 2010 đến nay, cả nước có khoảng 4.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”. Tính chất nghiêm trọng của nạn tín dụng đen thể hiện ở việc kéo theo các hoạt động tội phạm khác như cố ý gây thương tích, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…gây hoang mang cho người dân. Đặc biệt, những vụ việc như nêu trên, người vay đã bị chiếm đoạt tài sản một cách rất tinh vi. Vì thế, đã đến lúc cần phải mạnh tay dẹp nạn “tín dụng đen”.

Luật sư Trần Việt Hùng: Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giả tạo đều vô hiệu.

Trong thực tế, những người cho vay lãi ngày đều buộc người vay phải ký bán tài sản giá trị lớn (như ô tô, nhà ở) với giá rất rẻ nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vay trong việc trả nợ gốc và nợ lãi. Thực chất, những hợp đồng mua bán trên đều là giả tạo vì ý chí của cả hai bên không phải là mua bán thật, chỉ là cầm cố, thế chấp để đảm bảo việc trả nợ.

Trường hợp chuyển nhượng đất của ông Phan Viết Thuần hay bà Đoàn Thị Sương Mai là các minh chứng rõ ràng nhất. Trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng mà các bên ký kết, khối tài sản trị giá nhiều tỷ đồng chỉ được bán với giá chưa bằng 10% giá trị thật của tài sản thực chất là hợp đồng khống, nhằm giúp người cho vay “nắm đằng chuôi”. Đây là hợp đồng vô hiệu do giả tạo, không thể hiện ý chí bán của bên bán và cả ý chí mua của bên mua nên cần phải xem xét hủy bỏ các hợp đồng này khi có yêu cầu.

Hơn nữa, tình trạng cho vay nặng lãi hiệu nay diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều người cho vay, chủ yếu là những người làm dịch vụ cầm đồ đã cho vay có tính chất bóc lột, lãi suất rất cao. Do vậy, cần phải xem xét trách nhiệm hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi để ngăn chặn nạn tín dụng đen.


Theo phapluatvn.vn