Kiểm soát chặt giá cả dịp Tết
(Tài chính) Ngày 24/12/2013, Tổ điều hành thị trường trong nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013, đồng thời dự báo, đưa ra những giải pháp điều hành thị trường năm 2014.
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2013, Tổ điều hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, lưu thông thông suốt; tạo điều kiện cho thị trường trong nước tiếp tục phát triển.
Thị trường hàng hóa năm 2013 diễn biến theo quy luật thông thường, giá nhiều loại thực phẩm, hàng tiêu dùng chủ yếu tăng trong dịp lễ, tết, mùa vụ, nhưng không tăng không đột biến do nguồn cung luôn được chuẩn bị kịp thời từ các chương trình bình ổn thị trường hoặc do doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động dự trữ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - đánh giá: CPI tăng thấp là thành công trong chính sách của Chính phủ và sự phối hợp các bộ, ngành trong việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế sự tăng đột biến của thị trường. Đây được coi là điểm sáng của công tác điều hành thị trường.
Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng 11 và tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, thấp hơn cả những năm có chỉ số thấp như năm 2006 (6,6%), 2009 (6.52%) và 2012 (6,81%).
Tuy nhiên, mức tăng CPI thấp cũng cho thấy sự sụt giảm đáng lo ngại của tổng cầu. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 5,6%, thấp hơn so với năm 2012 (tăng 6,2%). Thực tế đó cho thấy kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, sức tiêu thụ yếu tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất.
Dự báo, năm 2014, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm, những khó khăn năm 2013 có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2014. “Khi Hiệp định TPP được ký kết, nếu hàng nông sản, thực phẩm không chuyển đổi sớm và kích thích sản xuất thì sẽ gặp nhiều khó khăn”- đại diện Tổng cục Hải quan cảnh báo.
Đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp, tránh điều chỉnh dồn dập giá nhiều loại hàng hóa trong cùng thời gian, nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại.
Bảo đảm nguồn cung, hạn chế tăng giá
Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Tới ngày 18/12/2013, đã có 16 địa phương thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết với tổng số tiền khoảng 1.166 tỷ đồng.
Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay, thành phố đã triển khai 4 chương trình bình ổn đi vào chiều sâu, trong đó nhiều doanh nghiệp không ứng vốn từ ngân sách nhà nước. Tổng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường là 7.581 nghìn tỷ đồng.
Những tháng cận Tết, các thành viên trong Tổ điều hành lo ngại về lương thực, thực phẩm tăng cao và các công ty bia, nước giải khát tăng giá dẫn đến sức ép tăng giá rất cao. Chẳng hạn, trong thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, giá bia Heineiken tăng cao, mỗi nơi bán một giá, chênh nhau từ 5.000- 20.000 đồng/thùng, mặc dù giá bán của nhà máy không tăng.
Về vấn đề này, theo bà Lê Ngọc Đào, dù bia, rượu, nước giải khát không thuộc nhóm hàng bình ổn thị trường nhưng là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nên cũng được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm từ nay đến Tết không có hiện tượng tăng giá cao đột biến như mọi năm, chỉ tăng khoảng 20- 30%.
Ngoài ra, “các điểm phân phối hàng hóa cũng được phát triển để phục vụ sức mua cho người tiêu dùng trong dịp Tết. Tăng cường quản lý chợ cóc, chợ tạm về an toàn thực phẩm mà không cản trở nguồn hàng từ ngoại thành, các tỉnh thành khác”- bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết.