Kiếm tiền khủng nhờ bán hàng trên Facebook

Theo taichinhcuatoi.vn

(Tài chính) Bán hàng trên Facebook sẽ thu lại lợi nhuận lớn với chỉ với vài thao tác đơn giản? Tại sao họ bán hàng thành công trên Facebook mà mình ế ẩm thế? Đó luôn là những câu hỏi khó và những lời đáp cũng rất mơ hồ. Vậy làm sao để bán hàng trên Facebook hiệu quả?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Câu chuyện của Brandi Temple

Nhờ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, công ty Lolly Wolly Doodle chuyên bán quần áo trẻ em theo đơn đặt hàng kiếm được hơn 10 triệu USD hàng năm. Trong đó, 60% doanh số đến từ Facebook.

Từ khi Brandi Temple bắt đầu tự may quần áo cho 2 con gái nhỏ ở lứa 3 và 8 tuổi vào năm 2008, cô sớm nhận ra năng khiếu của mình trong lĩnh vực thiết kế. Vì vậy, cô thử đăng vài mẫu trên trực tuyến và chẳng bao lâu số lượng quần áo do cô thiết kế bán rất chạy trên website eBay. Vào thời điểm đó, cô chưa thể hình dung là chính sở thích may vá này có thể giúp cô trở thành một doanh nghiệp với khoảng 160 nhân viên.

Bước ngoặt kinh doanh đã đến khi chồng Temple mất việc trong ngành xây dựng 2 năm sau đó. Vợ chồng họ quyết định mở rộng hình thức bán hàng trực tuyến từ eBay sang Facebook. Tại mạng xã hội này, Temple cung cấp mẫu thiết kế theo mô hình ai đến trước, phục vụ trước. Cô nói: “Không thể ngờ tình hình kinh doanh vượt ngoài mong đợi và phát triển với tốc độ chóng mặt”.

Hiện tại, công ty may mặc của cô mang tên Lolly Wolly Doodle, trụ sở Lexington, North Carolina, có doanh thu hơn 10 triệu USD hàng năm. Bên cạnh đó, Lolly Wolly Doodle cũng là một trong những chủ doanh nghiệp lớn nhất ở Lexington, vừa được quỹ đầu tư của tỷ phú Steve Case rót thêm 20 triệu USD. Để được thành quả nói trên, Temple cho rằng có 2 yếu tố dẫn đến thành công: thứ nhất, áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, nghĩa là quy trình sản xuất tinh gọn, giảm tối đa những chi phí. Thứ hai là tập trung chủ yếu bán hàng trên mạng xã hội. 60% doanh số bán của Lolly Wolly Doodle đến từ Facebook và phần doanh thu còn lại thông qua website của công ty.

Những ngày đầu, Temple ít có tập trung vào mục tiêu bán hàng mà chỉ chú trọng đến việc gầy dựng mối quan hệ với khách hàng trên mạng xã hội. Temple bỏ ra nhiều công sức để chăm chút cho trang Facebook qua cách chia sẻ câu chuyện kinh doanh và những mẫu quần áo thiết kế dựa trên yêu cầu của khách hàng. Nhưng đổi lại, khách hàng sẽ gửi bức ảnh những đứa con của họ đang mặc thiết kế của cô. Cách này biến người mua hàng trở thành người truyền bá sản phẩm miễn phí.

Kết quả là sức lan tỏa qua truyền miệng rất nhanh chóng, giúp cho Lolly Wolly Doodle hiện có hơn 586.000 người theo dõi trên Facebook. "Đối với phần lớn các thương hiệu nổi tiếng thì Internet và mạng xã hội thường là yếu tố phụ, nhưng Lolly Wolly Doodle đã làm điều ngược lại khi họ biết cách sử dụng Internet để tạo tiếng vang cho thương hiệu của mình”, theo tỷ phú Case nhận xét.

Tuy nhiên, trong thời gian Lolly Wolly Doodle phát triển nhanh chóng cũng là lúc công ty gần như rơi vào tình trạng sắp đóng cửa vào mùa hè năm 2010. Nguyên nhân là do Temple không có nền tảng về kinh doanh, công nghệ hay sản xuất cũng như không có đủ tiền để mở rộng hoạt động. Do vậy cô phải rất vất vả mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng, chủ yếu là nhờ vào sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Cô nói: “Tôi đã từng nghĩ chắc phải bán công ty cho một ai đó bởi không thể tự mình kham nổi công việc nữa”.

May mắn thay, Shana Fisher, người sáng lập các đối tác quỹ đầu tư High Line tại New York, đã có mặt kịp thời để giúp Temple. Fisher đã biết đến công ty Lolly Wolly Doodle và ấn tượng bởi phương thức kinh doanh của Temple khi công ty này tự thiết kế mẫu áo và mang chúng tiếp cận với mạng xã hội. Cuối cùng, Fisher quyết định rót vốn cho Temple để duy trì công ty, nhưng không tiết lộ số tiền đầu tư. Vào tháng 9 năm 2010, nhờ vào sự hậu thuẫn nói trên, Lolly Wolly Doodle có một cơ sở may hoàn chỉnh, diện tích khoảng 743 mét vuông. Và Temple tiếp tục quảng bá những mẫu thiết kế riêng trên các mạng xã hội và website công ty, nhưng thực ra cô hoàn toàn không lưu kho bất kỳ mẫu thành phẩm nào.

Lolly Wolly Doodle dùng phương pháp giao hàng ngay, nghĩa là chỉ thực hiện may theo số lượng yêu cầu được đặt. Khi giao dịch mua bán kết thúc, người mua có 72 giờ để trả tiền và họ sẽ nhận được sản phẩm trong vòng từ 2 đến 4 tuần.

Case cho biết phương pháp sản xuất này khiến các công ty Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn với những thương hiệu khác có các nhà máy sản xuất đặt ở nước ngoài. Vào tháng 8 này, cô có kế hoạch chuyển từ xưởng sản xuất hiện tại, diện tích 1.858 mét vuông sang một cơ sở mới rộng khoảng 9.290 mét vuông. Với số tiền đầu tư 20 triệu USD từ tỷ phú Case, công ty Lolly Wolly Doodle dự định thuê thêm 100 nhân viên trong hai năm tiếp theo. Song song đó, công ty vẫn nhắm đến công nghệ số khi tháng rồi phát hành một ứng dụng di động và bắt đầu bán hàng trên Pinterest và Instagram.

“Cho dù có bao nhiêu lượng người hâm mộ hay cơ sở may có lớn như thế nào thì tôi luôn cảm giác mình đang làm việc ở xưởng may đầu tiên của mình. Vào cuối mỗi ngày, tôi vẫn giữ cho mình một tình yêu nguyên vẹn dành cho thiết kế và tập trung vào mục tiêu ban đầu đặt ra”.

Phải khẳng định rằng mô hình của công ty Lolly Wolly Doodle là thành công. Và là mô hình rất đáng để học hỏi cũng như sao chép, khi bạn bắt đầu muốn bán hàng trên Facebook một cách hiệu quả nhất.

1. Hãy tìm mặt hàng thích hợp cho thị trường

Bạn hãy nhớ công ty Lolly Wolly Doodle buôn bán quần áo trẻ em online vào năm 2008 chứ không phải năm 2013, và hãy nhớ năm 2010 họ xuýt thì phá sản. Vậy nên đừng nhắm mắt nhắm mũi sau khi đọc xong bài viết trên bạn cũng đi bán quần áo trẻ em nhé.

Bạn sẽ thành công, nếu bạn tìm hiểu thật kỹ trên Facebook họ đang thích cái gì, và muốn dùng đồ như thế nào. Để làm được điều này, bạn hãy tham gia các Groups lớn, Fanpage lớn, sau đó tìm hiểu và theo dõi xem người ta đang buôn bán gì, và luôn đặt ra những câu hỏi như, tại sao sản phẩm này nhiều người đặt hàng, tại sao sản phẩm kia tốt thế mà không ai mua, hay fanpage này làm kiểu gì mà đông khách …

Sau đó hãy đưa ra sản phẩm của bạn với một mức giá phù hợp. Hãy nhớ “Vấn đề không phải tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, mà là tạo ra sản phẩm cho thị trường đã được nghiên cứu”.

2. Phải thực sự đam mêm và hiểu rõ mặt hàng

Công ty Lolly Wolly Doodle chủ yếu bán sản quần áo trẻ em tự thiết kế và tự sản xuất. Người áng lập ra công ty Brandi Temple là một bà mẹ, chủ công ty, cũng chính là người thiết kế, và là người tạo ra những sản phẩm đầu tiên.

Nói như vậy tức là, nếu bạn thực sự thích ngồi cafe và ngắm girl-xinh thì mình nghĩ rằng bạn thích hợp với việc bán phụ kiện, đồ trang điểm, làm trắng da, hơn là bạn bán quần áo cũng như váy đầm. Đừng tạo ra những sản phẩm hời hợt. Nếu bạn biết vẽ tranh đẹp thì bạn nên tạo ra dịch vụ vẽ tranh, ký họa chắc chắn mọi người đều thích ví dụ như xu hướng tranh chibi đang rất nổi chẳng hạn.

Khi bạn chính là người tạo ra sản phẩm, những sản phẩm handmade, việc bạn bán những sản phẩm đó là việc dễ dàng, ít ra bạn bè của bạn sẽ rất ủng hộ và họ còn khen bạn khéo tay nữa.

3. Tạo website bán hàng trước khi lên facebook

Hãy nhớ rằng công ty Lolly Wolly Doodle có một gian hàng trên eBay bán hàng cực kỳ chạy. Việc phát triển Facebook của họ dường như là tự nhiên và từ nhu cầu của khách hàng, ban đầu họ có những khách hàng thân thiết thực, khách hàng của họ sử dụng facebook, và yêu thích sản phẩm của họ, vì vậy lượng like của họ thực, đây là một yếu tố mấu chốt giúp bạn thành công.

Website bán hàng của bạn ở Việt Nam, bạn có thể mở website riêng, nhưng phải chú ý đến tính năng quản lý đơn hàng, và đặt hàng cho khách hàng, sau đó, bạn có thể đưa lên những trang như, vatgia, enbac, 123mua, 5giay…

Họ bắt đầu từ những thứ có thực, không phải như hầu hết các bạn trẻ đang buôn bán trên facebook, bắt đầu bằng việc mua like ảo, và tạo ra hàng nghìn like ảo, tất cả những điều đó chỉ là quảng cáo. Quảng cáo là hình thức mở rộng và nâng tầm giá trị của thương hiệu, bạn cần 1 thương hiệu sau đó mới quảng cáo.

4. Chuẩn bị vốn và liên tục kêu gọi đầu tư

Nói về việc mở một shop online bán hàng và có thu nhập, không phải là việc bạn dùng các công cụ miễn phí thì có thể tạo ra lợi nhuận, những thứ miễn phí đó, nhiều khi chỉ làm bạn tốn thời gian và mất công tìm hiểu. Thực sự để đạt doanh thu như một cửa hàng mặt đường, có khi bạn mất vốn còn nhiều hơn như vậy. Điều quan trọng là sau khi cửa hàng online của bạn có khách hàng thân thiết thì bạn duy trì và phát triển rất dễ, quy mô rộng hơn nhiều lần so với của hàng mặt đường

Khi thấy tiềm năng ra tiền, và ra lợi nhuận, hãy kêu gọi gia đình những người thân thiết đầu tư cho bạn, để có vốn, mở rộng quy mô và phát triển thương hiệu lên cao nữa. Hàng năm công ty Lolly Wolly Doodle vẫn có doanh số bán hàng 10 triệu đô, tuy nhiên hàng năm họ vẫn liên tục nhận được những khoản đầu tư hàng triệu đô từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tất nhiên sẽ chẳng có ai dám đầu tư cho bạn, nếu bạn không có sản phẩm, không có doanh thu, không có cơ sở hạ tầng sẵn có cả.

5. Đừng mơ, hãy nhìn vào thực tế

Quay lại với bài viết trên với tiêu đề “Kiếm chục triệu đô nhờ bán quần áo trẻ em trên Facebook” khi đọc tiêu đề này chắc nhiều người sẽ khá sốc và dễ gây ra nhầm lẫn. Thứ nhất các bạn phải xác định rằng “Kiếm chục triệu đô” hoàn toàn không phải là lợi nhuận bỏ túi được trừng đó, thứ hai khẳng định lại rằng, “chục triệu đô” đó là doanh thu trong 1 năm của công ty Lolly Wolly Doodle.

Với những bài viết kiểu như thế họ sẽ tạo ra các ông thần chém gió, cũng như những người chỉ thích nhìn tiêu đề rồi thao thao trong các cuộc trà đá rằng “chúng nó kiếm hàng chục triệu đô từ facebook đấy, sao tao thấy mày làm ăn chẳng ra gì cả”. Hay tệ hơn sẽ tạo ra các hiện tượng như nhà nhà đổ xô lên facebook bán hàng, người người bỏ việc về tự tin mở shop trên facebook thu hàng trục triệu.

Nói về bài viết trên là để các bạn trở lại với thực tế rằng, nếu bạn kiếm được lợi nhuận từ 10-15 triệu/ tháng từ 1 shop bán hàng ở facebook thì bạn hãy ngẩng thật cao đầu vì bạn đang là một cao thủ.