Kiên Giang báo cáo Thủ tướng vụ ‘tham nhũng đất đai’
Sáng 8-11, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang gửi báo cáo kết quả xác minh xung quanh vụ “Nhiều dấu hiệu tham nhũng đất đai ở Phú Quốc” đăng trên Tiền Phong số ra ngày 6-9.
Theo đó, khu vực đồi Ra Đa là đất quốc phòng, trước do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quản lý, sử dụng; đến năm 2009 bàn giao cho Tỉnh Kiên Giang, biên bản ghi 63 lô nhưng không ghi diện tích cụ thể.
Tháng 5-2011, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, bàn giao cho UBND huyện Phú Quốc quản lý, diện tích 8.692m2, kèm sơ đồ bản vẽ 58 lô. Trong số 58 lô này đã có 9 hộ bao chiếm đất để cất nhà, diện tích 1.171m2.
Đối tượng sử dụng chủ yếu là sỹ quan quân đội và cán bộ địa phương. UBND tỉnh đã có chủ trương xử lý cho số hộ này tiếp tục sử dụng nhưng phải đóng tiền sử dụng đất.
Năm lô còn lại là đất do địa phương quản lý, trong số này ông Trần Văn Ứng (đại tá quân đội về hưu) chiếm 216m2 xây dựng nhà.
UBND huyện Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt 12 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình.
Các vụ ở xã Cửa Cạn, điển hình như vụ ông Ngô Hải Lực có diện tích đất 26.545m2 đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sau đó ông Lực tiếp tục xin hợp thức hoá thêm 11.248m2 đất rừng, được ông Nhan Văn Truyền (Bí thư kiêm Chủ tịch xã Cửa Cạn) lập hồ sơ giả qua mặt chính quyền và đã được cấp sổ đỏ.Sau đó, ông Lực đã bán 2 lô đất này, thu 3,9 tỷ đồng.
Sau khi Tiền Phong phanh phui vụ việc, ông Nhan Văn Truyền bị cách chức Huyện ủy viên, buộc thôi các chức vụ ở xã Cửa Cạn. Việc làm giả hồ sơ được chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Đất thu hồi trong vụ án 2005 tại đồi Ra Đa, nay đã được xây nhà .
Việc ông Trần Kiều Hưng thuê người chặt trên 4.000m2 đất rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc tại Tiểu khu 81, ông Hưng đã bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng…
Báo cáo trên của tỉnh Kiên Giang được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc, sau khi Tiền Phong đăng bài “Nhiều dấu hiệu tham nhũng đất đai trên đảo Phú Quốc”.
Kết quả xác minh trên cho thấy dấu hiệu tham nhũng đất đai khá rõ ràng, quy mô lớn, kéo dài, liên quan nhiều cán bộ địa phương. Tuy nhiên, báo cáo trên lại nhận xét việc báo Tiền Phong phản ánh là “có hiện tượng, tuy nhiên chưa phản ánh chính xác hoàn toàn.
Đối với 10 trường hợp Báo nêu “thâu tóm” đất công (ở Cửa Cạn), trong đó phản ánh đúng hoàn toàn 4 trường hợp; phản ánh có đúng, có sai 2 trường hợp; còn lại 4 trường hợp báo đưa tin chưa chính xác”.
Trên cơ sở tư liệu điều tra của mình, Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin, góp phần làm rõ các vụ tái chiếm, thâu tóm đất công, đất rừng trên đảo Phú Quốc.