Kiều hối chảy mạnh

Theo Báo Đầu tư.

Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn trước bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự hồi phục sau khủng hoảng, ảnh hưởng đến đời sống của các kiều bào trên thế giới, song lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, sau 8 tháng đầu năm, kiều hối về Việt Nam qua các NHTM trên địa bàn đã bằng 72% năm 2011 (năm 2011 kiều hối về Việt Nam thông qua các NHTM trên địa bàn TP.HCM là 3,1 tỷ USD). Theo ông Minh, thông thường, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh trong quý IV. Vì thế, theo đánh giá chung, với những diễn biến hiện nay, lượng kiều hối chuyển về năm nay có thể sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với năm 2011.

Phân tích từ các công ty kiều hối cho thấy, ba yếu tố là sự trì trệ chung của nền kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng và chính sách khống chế trần lãi suất USD đã khiến các món tiền gửi về Việt Nam với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất trợ cấp sinh hoạt.

Lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho biết, doanh số kiều hối chi trả qua SBR trong 8 tháng qua đạt 1,2 tỷ USD. Kế hoạch SBR đưa ra cho năm nay dự kiến là 1,8 tỷ USD (tương đương mức của năm 2011). Theo vị lãnh đạo trên, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt và dự báo từ nay đến cuối năm 2012, tình hình kiều hồi chuyển về qua SBR sẽ khả thi. Trong đó, thị trường được kỳ vọng nhiều nhất vẫn là Mỹ.

SBR chú trọng khai thác thị trường Mỹ, Australia, Canada. Hiện phần lớn công ty kiều hối do người Việt làm chủ tại các thị trường trên đã trở thành đối tác của SBR, do Công ty có lợi thế ngân hàng mẹ Sacombank với mạng lưới rộng ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Do vậy, khi ký hợp đồng chuyển tiền với SBR, ngoài Việt Nam, các đơn vị này còn có thể chuyển tiền về toàn bộ thị trường khu vực Đông Dương.

Để thu hút lượng kiều hối chuyển về qua Công ty, SBR đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi “Kiều hối trao tay - vận may gõ cửa” dành cho khách hàng cá nhân mở tài khoản thanh toán, tiết kiệm không kỳ hạn để nhận kiều hối tại Sacombank và khách hàng nhận kiều hối qua điện chuyển tiền SWIFT, hoặc thông qua các đối tác kiều hối của Sacombank với giải thưởng là 3 chuyến du lịch châu Á có tổng giá trị 100 triệu đồng. Theo đó, khi mở mới, hoặc kích hoạt lại tài khoản nhận kiều hối, khách hàng sẽ nhận được một số dự thưởng tham gia chương trình.

Quý IV được xem là thời điểm sôi động nhất trong năm của mùa kiều hối. Vì thế, các công ty kiều hối không bỏ lỡ cơ hội đưa ra các giải pháp thu hút khách hàng.

Công ty Kiều hối Đông Á (DongA Bank) cho biết, nguồn kiều hối về Việt Nam hiện nay tương đối ổn định và Công ty kỳ vọng sẽ đạt kế hoạch đưa ra. Những thị trường kiều hối chính mà các công ty kiều hối khai thác vẫn là Mỹ, châu Âu, Australia, Canada. Bên cạnh đó, các công ty vẫn cố gắng duy trì doanh số ở những thị trường xuất khẩu lao động, như Đài Loan; Hàn Quốc; Nhật Bản.

Mặc dù có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các kiều bào trên thế giới. Tuy nhiên, do kiều hối cũng là một phần để các kiều bào gửi về cho người thân ở Việt Nam trong dịp lễ, Tết cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán hàng năm. Vì thế, lượng kiều hối năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định. Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có doanh số kiều hối đạt ở mức tương đối khả thi. Năm 2010, với 8,26 tỷ USD, Việt Nam xếp hạng 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối. Năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt mức kỷ lục 9 tỷ USD, bù đắp 92% thâm hụt trong cán cân thương mại.