Kinh doanh trong “thế cờ” mới năm 2015 - 2016

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tại Hội thảo “Cơ hội 2015 – 2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” vừa diễn ra, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng 2 năm 2015 – 2016 được xem là giai đoạn bước ngoặt đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam khi mà các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với ASEAN, EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi. Đây là cuộc cạnh tranh giữa quốc gia với quốc gia chứ không chỉ là giữa các DN.

Kinh doanh trong “thế cờ” mới năm 2015 - 2016
Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì chiến lược kinh doanh đó là tốc độ và nắm bắt được thời cơ nhanh. Nguồn: internet
Giai đoạn bứt phá

Phát biểu tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận Việt Nam và khu vực đang ở thời khắc quan trọng, đánh dấu bước quá độ của cách làm ăn mới, luật chơi mới. Tư tưởng về phát triển thay đổi tóm gọn trong 3 định hướng “Minh bạch, sáng tạo và xanh” hay nói chung là bền vững. Nếu DN đi chệch ra ngoài thì sẽ bị đào thải. Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì chiến lược kinh doanh đó là tốc độ và nắm bắt được thời cơ nhanh.

“Chỉ cần chậm một chút không chỉ đánh mất cơ hội của mình mà còn để dành cơ hội cho người khác. Các DN đừng quá chủ quan khi chỉ nhìn vào lợi thế của mình trong hiện tại bởi mọi thứ sẽ thay đổi. Ví dụ DN dệt may không thể chỉ dựa vào nhân công giá rẻ mà phải sáng tạo, cạnh tranh bằng công nghệ”, TS Võ Trí Thành khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện cơ chế đang dành nhiều ưu đãi cho DN FDI để có danh nghĩa Việt Nam xuất khẩu được nhiều mặt hàng ra thế giới. Khối FDI đang chiếm khoảng 65% XK của Việt Nam hiện nay và con số này khá “đáng sợ”.  Câu hỏi đặt ra là thế cờ này mang lại lợi thế lớn nhất cho ai, DN Việt hay FDI? Những DN trong nước có ý định như thế nào nếu việc DN nước ngoài vào làm thay đổi rất nhiều thứ của thị trường?

“Lo nhất là Nhà nước ưu đãi quá nhiều cho việc thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế nhưng thực tế có khi chúng ta đã trói tay người nhà để nhường sân cho nước ngoài. Nền kinh tế có Việt Nam có lớn thêm nhưng phần nhiều là nhờ vào đầu tư nước ngoài. Hội nhập là để mình mượn thế vươn lên chứ không thể là càng lúc càng bé đi” – bà Phạm Chi Lan nhận định.

Doanh nghiệp cần chủ động

Ở góc độ DN, ông Trần Việt - Trưởng Ban thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhìn nhận ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn chung cuộc cuối cùng để bứt phá. Theo đó, ngành dệt may khai cuộc từ những năm 2000 - 2001 nhờ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Vượt qua được giai đoạn khai cuộc cho đến 2006 - 2007 đi vào trung cuộc. Năm 2007, cuộc suy thoái kinh tế thế giới nổ ra, mức độ tiêu dùng giảm đến 2 năm trở lại đây mới phục hồi. Sắp tới sẽ là thời điểm quyết định thắng – thua khi Việt Nam gia nhập TPP. Hiện mức thuế suất hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 17-18%, khi giảm xuống 0% thì cơ hội mở ra là vô cùng lớn. Vấn đề là chúng ra cần gấp rút xây dựng một chuỗi cung ứng, từ may chuyển sang sợi, dệt, nhuộm nếu không sẽ mất cơ hội vào nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc.

Ở một lĩnh vực khác, ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam nhìn nhận ngành thép phải đi vào thế phòng ngự khi tham gia cuộc chơi toàn cầu này. Công nghệ của Nga, Trung Quốc sản xuất được phôi thép từ quặng sắt nhưng chúng ta chưa làm được nên vẫn phải nhập khẩu phôi của họ để luyện thép. Theo ông Khải, vấn đề nữa cần cải thiện sớm là năng lực cạnh tranh của chúng ta còn quá kém. Sản xuất 1 tấn phôi thép, DN trong nước phải tốn gấp 3 lần chi phí điện so với Nga. Vì vậy, Hiệp hội Thép đề xuất Chính phủ bảo hộ một số mặt hàng để DN nội có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh.

Nhận định về cơ hội thu hút nguồn vốn tài chính quốc tế, ông Phan Quốc Công - Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (ICP), cho rằng thế giới đang dư thừa rất nhiều tiền, lãi suất tại các nước phát triển đang ở mức rất thấp, gần như bằng 0. Luồng vốn quốc tế di chuyển theo nhu cầu, tức là khi nào ở đâu giới tài chính thấy hấp dẫn thì đổ tiền đầu tư. Năm 2006 - 2007 Việt Nam thu hút tiền đầu tư rất nhiều tuy nhiên hiện nay Thái Lan, Indonesia, Myanma... đang là điểm nóng hút nguồn tiền đầu tư.

“Để giành lại vị thế, Việt Nam cần xây dựng lòng tin của giới tài chính quốc tế bằng chính sách minh bạch, hợp tác, tăng trưởng bền vững. Chúng ta sẽ đứng trước cơ hội rất lớn trong 20 năm tới và đang đứng trước cuộc cách mạng thứ 3. Thách thức là rất lớn trong tương lai và nếu chúng ta không nắm bắt được thì sẽ bị thụt lùi”, ông Phan Quốc Công nói.