Kinh doanh vàng miếng: Quyết định mới có dễ triển khai?

Theo Thời báo Kinh doanh

Thực trạng phức tạp của thị trường vàng và những ảnh hưởng khó lường của vàng, nhất là trong thời gian gần đây, cho thấy khung khổ pháp lý đầy đủ cho lĩnh vực này càng cần hơn bao giờ hết.

Kinh doanh vàng miếng: Quyết định mới có dễ triển khai?
Giá vàng trong nước vẫn chênh khá xa so với thế giới

Tiếp sau Nghị định 24 ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngày 4/3/2013, Thủ tướng vừa ban hành quyết định về việc mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

Song, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể khiến việc triển khai gặp khó khăn.

Theo đó, không chỉ Ngân hàng Nhà nước được tham gia mua bán vàng miếng mà còn có các doanh nghiệp được cấp phép cũng tham gia thị trường vàng. Được biết, đây là quyết định được trông chờ từ lâu, đáng lẽ ngay sau khi Nghị định 24 được ban hành, nhất là trong bối cảnh thị trường vàng trong nước "không giống ai", giá vàng trong nước vênh xa so với thế giới, có thời điểm lên đến 4 - 5 triệu đồng/lượng.

Không kịp chuẩn bị…

Có lẽ chính vì vậy mà Quyết định mới có hiệu lực thi hành ngay lập tức một cách bất ngờ, cụ thể là từ ngày 5/3/2013. Phản ứng đầu tiên với quyết định này là các tổ chức, ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng không thể kịp chuẩn bị để thực hiện theo hiệu lực thi hành này.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là nhiều nội dung của Quyết định còn chung chung, vì thế rất khó triển khai, dù Quyết định có hiệu lực ngay. Do đó, tất cả lại phụ thuộc vào hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, có rất nhiều nội dung cần quy định cụ thể, như: việc xác định giá mua, giá bán vàng miếng là những nguyên tắc nào; phương án mua, bán vàng miếng trong từng thời kỳ là thời gian nào; các loại tỷ giá và giá mua, giá bán được Ngân hàng Nhà nước quyết định theo nguyên tắc nào, trong trường hợp nào; khi nào thì Ngân hàng Nhà nước chọn hình thức mua bán trực tiếp, khi nào thì thông qua đấu thầu, loại vàng được giao dịch là loại vàng nào… Đáng lẽ, nếu Quyết định trên theo thẩm quyền Thủ tướng mà cụ thể hơn thì việc giao quyền tiếp cho Ngân hàng Nhà nước quy định các chính sách triển khai là không cần thiết.

Hiện nay, có một số ý kiến băn khoăn việc Ngân hàng Nhà nước có quá nhiều quyền với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, vừa phê duyệt phương án mua bán vàng miếng đối với từng lần giao dịch, vừa là đối tượng trong các giao dịch này. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định từ hình thức giao dịch, thời điểm, mức giá cụ thể, đối tượng mua bán, khối lượng mua bán. Như thế, các chính sách mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước vẫn bị thiên về thực hiện theo cách thức hành chính hơn là theo cơ chế thị trường. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn bị áp đặt của cơ quan quản lý, không có một sự lựa chọn, đề xuất nào trong khi tiến hành các giao dịch vàng miếng.

Nhiều lo ngại

Các quy định không cụ thể sẽ dẫn đến những lo ngại, thắc mắc là cơ quan được giao quyền quy định chi tiết cuối cùng sẽ quy định như thế nào, có phù hợp với chủ trương, chính sách về mua bán vàng miếng của Chính phủ không, hay ngày càng khó khăn hơn? Lo ngại này là có cơ sở vì bản dự thảo Quyết định này được đưa ra lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, còn dự kiến muốn giao dịch vàng miếng, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dù đã được cấp phép theo quy định của Nghị định 24/2012 vẫn phải làm thủ tục đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước, và vẫn có thể bị Ngân hàng Nhà nước từ chối chứ không phải thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh, bình đẳng giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng.

Theo nội dung quyết định mới được ban hành thì quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép theo phương án mua bán vàng miếng trong từng thời kỳ, nhưng nội dung của phương án này có lẽ hoàn toàn do Ngân hàng Nhà nước quyết định, và cũng chưa biết phương án dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí nào…

Được biết Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt được phần nào các lo ngại trên và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.