Cơ quan giám sát vốn nhà nước tại một số nước hiện nay
Để thực hiện giám sát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), nhiều nước đã sử dụng phương thức giám sát thông qua các cơ quan như: Cơ quan Tư vấn giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của New Zealand, Hội đồng Đánh giá quản lý DNNN của Hàn Quốc, Văn phòng Kiểm toán nhà nước ở Phần Lan, Văn phòng Kiểm toán DN ở Hungary và Singapore, Vụ DN công và tư nhân hóa Maroc hoặc Uỷ ban Quản lý, Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc.
Trung Quốc: Tháng 3/2003, Trung Quốc đã thành lập Uỷ ban Quản lý, Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) - trực thuộc Quốc Vụ viện nhằm đảm nhận việc quản lý giám sát tài sản nhà nước mang tính kinh doanh trong các DNNN thuộc trung ương. Sau đó, các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc… trong cả nước cũng thành lập Ủy ban Quản lý, Giám sát tài sản nhà nước để giám sát, quản lý tài sản nhà nước trong các DN trực thuộc địa phương.
SASAC là một tổ chức có thẩm quyền đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý, giám sát tài sản thuộc sở hữu nhà nước và ban hành các cơ chế chính sách liên quan, thực hiện bổ nhiệm và miễn nhiệm các vị trí chủ chốt trong các DNNN. Toàn bộ trách nhiệm quản lý tài sản của Nhà nước trước đây thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính được chuyển cho SASAC thực hiện. Một số chức năng, nhiệm vụ về hướng dẫn cải cách DNNN và các hình thức quản lý nhà nước thuộc Ủy ban Thương mại và Kinh tế (SETC) trước đây cũng được chuyển cho SASAC.
SASAC thực hiện các chức năng, nhiệm vụ:
Thứ nhất, theo sự uỷ quyền của Quốc Vụ viện và căn cứ vào các văn bản pháp quy như Luật Công ty, Luật DN, thực hiện chức năng của người xuất vốn, chỉ đạo việc cải cách và sắp xếp lại các DNNN; giám sát việc bảo toàn và làm tăng giá trị tài sản nhà nước trong các DN, tăng cường công tác quản lý tài sản nhà nước, thúc đẩy các DNNN cải cách theo hướng xây dựng cơ chế DN hiện đại, hoàn thiện cơ cấu quản lý của DN; đẩy mạnh những điều chỉnh mang tính chiến lược đối với việc sắp xếp, cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước;
Thứ hai, thay mặt Nhà nước cử ra Hội đồng giám sát trong các tập đoàn DN lớn ở cả trung ương và địa phương, thực hiện việc quản lý thường xuyên đối với các hội đồng giám sát. Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức Hội đồng giám sát thực hiện theo quy định của Điều lệ thi hành tạm thời của Hội đồng giám sát DNNN;
Thứ ba, tiến hành giám sát sự vận hành, bảo toàn và làm tăng giá trị của tài sản nhà nước thông qua các chỉ tiêu thống kê, hạch toán; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu bảo toàn và làm tăng giá trị của tài sản nhà nước; bảo đảm quyền lợi của người góp vốn;
Thứ tư, trên cơ sở các văn bản pháp quy đã có về quản lý tài sản nhà nước, hoạch định chế độ văn bản pháp quy có liên quan, thực hiện chỉ đạo giám sát đối với việc quản lý tài sản nhà nước ở địa phương.
SASAC được thành lập và hoạt động theo Luật Công ty và Điều lệ giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại các DN. Việc thành lập SASAC giúp cho hệ thống giám sát và quản lý tài sản của Nhà nước được quy về một mối, tương đối độc lập và trực thuộc Quốc hội, giúp Quốc hội thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thúc đẩy cải cách DNNN, giám sát quản lý trực tiếp việc bảo toàn và tăng vốn nhà nước trong DN.
Tuy nhiên, do mô hình này đặt Nhà nước vào vị trí “Hội đồng quản trị” của DN để tiến hành quản lý giám sát, nên có thể dẫn đến việc Ủy ban Quản lý, Giám sát tài sản nhà nước trở thành “Hội đồng quản trị” chung của các ngành nghề khác nhau và của các DN quy mô lớn dẫn đến hiệu quả quản lý, giám sát khó đảm bảo. Mối quan hệ đại diện giữa toàn dân, Chính phủ, SASAC không rõ ràng.
Hungary: Năm 1992, sau khi ban hành Luật Quản lý tài sản DN, Hungary đã thành lập Công ty tư nhân hóa và quản lý tài sản nhà nước (AV Rt) để nắm giữ và quản lý số vốn nhà nước trong các công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Sau khi ban hành Luật Tư nhân hóa (1995), Cơ quan Quản lý tài sản nhà nước (AVU) và AV Rt được sáp nhập lại thành Công ty tư nhân hóa và quản lý tài sản nhà nước(APV Rt) và nắm giữ đến 90% tổng số vốn nhà nước tại các DN.
Nhiệm vụ của APV Rt được xác định:
Một là, tổ chức thực hiện việc tư nhân hóa các DNNN (bán các tài sản nhà nước);
Hai là, quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước ở các DN chưa thực hiện tư nhân hóa;
Ba là, đại diện chủ sở hữu nhà nước ở các DN có vốn đầu tư của Nhà nước;
Về tổ chức và nhân sự, Bộ trưởng phụ trách tư nhân hóa nắm quyền chủ sở hữu đối với APV Rt. Hội đồng quản trị của APV Rt có 11 thành viên được Chính phủ bổ nhiệm, nhiệm kỳ không quá 3 năm. Bộ trưởng phụ trách tư nhân hóa là người đề nghị bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị sau khi tham khảo ý kiến tư vấn của Bộ trưởng Tài chính. Một ủy ban của Quốc hội sẽ xem xét, thẩm tra việc bổ nhiệm này.
Hội đồng giám sát của APV Rt có 11 thành viên, nhiệm kỳ tối thiểu là 3 năm. Trong các thành viên của Hội đồng giám sát, Chủ tịch Hội đồng được bổ nhiệm theo đề nghị của Văn phòng Kiểm toán nhà nước, 6 thành viên do Quốc hội đề cử, 1 thành viên là đại diện cho những người sử dụng lao động và 1 thành viên còn lại là người lao động. Hội đồng giám sát có chức năng giám sát đảm bảo cho hoạt động của DN đúng theo khung khổ pháp lý quy định, không có chức năng điều hành DN.
APV Rt thực hiện giám sát trực tiếp tại các DN có phần vốn nhà nước, thông qua việc cử người tham gia Hội đồng quản trị, quyết định các vấn đề quan trọng, tham gia hoạch định các chiến lược phát triển. Đối với các DN và số vốn của Nhà nước có quy mô nhỏ thì APV Rt chỉ thực hiện quyền cổ đông bình thường.
Singapore: Temasek - một Tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính Singapore, được thành lập từ năm 1974, có chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và quản lý phần vốn thuộc sở hữu của Chính phủ đầu tư tại các DN - cũng rất chú trọng việc bổ nhiệm nhân sự của mình tại Hội đồng quản trị các công ty có vốn góp của Chính phủ nhằm tăng cường khả năng quản trị hoặc giám sát hoạt động của các công ty thành viên, hướng hoạt động của các công ty này phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn. Tùy thuộc tỷ lệ đầu tư nắm vốn, Temasek thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản trị và giám sát hoạt động công ty, quyết định nhân sự chủ chốt, phê duyệt phương án đầu tư hoặc kinh doanh khác nhau với tư cách là một cổ động hoặc người góp vốn vào công ty.
Maroc: Vụ DN công và tư nhân hoá của Maroc thực hiện quản lý, giám sát và đầu tư trực tiếp của tất cả các DN công và đơn vị sự nghiệp công của nước này. Trong đó, các DN công bao gồm:
- 104 DN công hoạt động ở địa phương;
- 32 DN chính quyền địa phương tham gia một phần hoạt động;
- 9 tập đoàn kinh tế lớn;
- 14 DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán;
- 52 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngoài nhiệm vụ quản lý, giám sát và đầu tư trực tiếp đối với DN công, cơ quan này còn có một số chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán, kế toán. Đối với các DN công, chức năng và nhiệm vụ của Vụ DN công và tư nhân hoá bao gồm:
Thứ nhất, giám sát và quản lý trực tiếp tất cả các DN công, bao gồm DNNN và đơn vị sự nghiệp công. Cử người của Vụ tham gia vào hội đồng quản trị của tất cả các DN công nhằm thực hiện quản lý, giám sát và theo dõi tiến độ đầu tư của DN công;
Thứ hai, tham gia các hoạt động tái cơ cấu các đơn vị hành chính sự nghiệp công và các DN công;
Thứ ba, tư nhân hóa các DN công;
Thứ tư, duyệt phương án đầu tư và giám sát đầu tư đối với các DN công, trong đó bao gồm theo dõi tiến độ đầu tư, giám sát quy trình ngân sách đầu tư theo tiến độ đầu tư;
Thứ năm, hỗ trợ các DN công vay vốn nước ngoài;
Thứ sáu, hỗ trợ DN công trong việc nâng cao năng lực tài chính DN và hiệu quả quản lý và đầu tư.
Mô hình của Maroc mặc dù chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước nhưng đã và đang thực hiện quản lý và giám sát rất chặt chẽ đối với các DN công thông qua việc cử người tham gia vào hội đồng quản trị của các DN công, đồng thời thực hiện cả việc duyệt phương án đầu tư và giám sát đầu tư đối với các DN công, trong đó bao gồm theo dõi tiến độ đầu tư, giám sát quy trình sử dụng ngân sách nhà nước theo tiến độ đầu tư.
Giám sát vốn nhà nước thông qua chế độ báo cáo và minh bạch hóa thông tin
Các cơ quan thực hiện giám sát vốn nhà nước làm đầu mối tiếp nhận, xử lý và tổ chức đánh giá thông tin. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu tại DNNN. Hệ thống thông tin của hội đồng quản trị cung cấp cho chủ sở hữu được hình thành từ chế độ báo cáo định kỳ, hoạt động kiểm toán bao gồm kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước và từ cơ chế thực thi quyền của chủ sở hữu đối với việc cung cấp thông tin.
Canada: Văn phòng Tổng kiểm toán Canada có trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thông tin giữa Bộ Tài chính và các tổng công ty. Xem xét tình hình hoạt động, doanh thu, lợi nhuận cũng như tình hình sử dụng vốn nhà nước của các tổng công ty hàng năm. Báo cáo đặc biệt này sẽ được trình Chính phủ xem xét và công bố rộng rãi trên website của các tổng công ty cũng như website của Văn phòng Tổng kiểm toán Canada.
Thuỵ Điển: Chính phủ tổng hợp và trình Quốc hội một bản báo cáo chung về tình hình các DNNN cùng báo cáo tài chính hợp nhất theo quý, năm về vốn nhà nước tại các DN và báo cáo định kỳ của từng DNNN mà Hội đồng quản trị trình lên Bộ chủ quản. Cục DNNN thuộc Bộ Công nghiệp tiến hành đánh giá hoạt động hàng năm của Hội đồng quản trị của DNNN thuộc Bộ Công nghiệp và kết quả hoạt động kinh doanh của DN so với mục tiêu đã đề ra đầu năm và trình Quốc hội xem xét.
Phần Lan: Việc giám sát và đánh giá DNNN do Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thực hiện. Báo cáo kiểm toán được lập vào thời điểm cuối năm tài chính và tập trung vào các vấn đề như: việc thực hiện mục tiêu hoạt động và cung ứng sản phẩm, dịch vụ; chất lượng công tác quản lý tài chính của DNNN; kết quả và hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị. Báo cáo này được đánh giá dưới góc độ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN chứ không phải với tư cách kiểm toán độc lập.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về quản lý và đầu tư vốn nhà nước, có thể rút ra một số kết luận và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Một là, việc quản lý giám sát phần vốn nhà nước đối với DNNN cần xem xét trên giác độ chủ sở hữu, tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN;
Hai là, mức độ quản lý, giám sát của Nhà nước phụ thuộc vào mức độ đầu tư vốn nhà nước nhiều hay ít, tính chất hoạt động của DN là công ích hay kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận;
Ba là, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ... là các chủ thể thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước ở các mức độ khác nhau và có sự phân cấp. Cơ chế giám sát chủ yếu thông qua thực hiện chế độ báo cáo và minh bạch hoá thông tin;
Bốn là, để đảm bảo việc giám sát có hiệu quả phần vốn nhà nước tại DN và nâng cao quyền tự chủ của DN, Chính phủ cần xây dựng một khung khổ pháp lý với các quy định rõ ràng, minh bạch, làm cơ sở cho quản lý và giám sát phần vốn nhà nước tại các DN được hiệu quả, xây dựng các chỉ tiêu để quản lý kết quả hoạt động kinh doanh của DN và phù hợp với nhiều loại hình DN khác nhau;
Năm là, việc thành lập một cơ quan giám sát và quản lý phần vốn nhà nước tại DN là cần thiết, nhằm giúp cho chủ sở hữu nhà nước giám sát tình hình hoạt động của DN liên quan đến phần vốn của Nhà nước đầu tư vào DN và tách bạch với chức năng quản lý của Nhà nước;
Sáu là, thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN để đảm bảo phát huy được năng lực, hiệu quả của người đại diện, bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước trong các DN.
__________________
Tài liệu tham khảo:
1. Temasek Report 2010;
2. Temasek Review 2009;3. Summary of Corporate Plan for 2010 – 2014 and Capital Budget for 2010 – CDIC – Canada;
3. Summary of Corporate Plan for 2010 – 2014 and Capital Budget for 2010 – CDIC – Canada;
4. Investissements des Etablissements et Entreprises Publics – M. Samir Mohammed TAZI - Rabat, le 03 Mars 2011;
5. Tài chính Việt Nam 2011 - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính;
6. “Giải pháp nâng cao năng lực giám sát hoạt động tài chính của các DN sau CPH DNNN”, Đề tài cấp Bộ, TS. Nguyễn Tuấn Phương.
Kinh nghiệm các nước về quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp
TCTC Online - Ở hầu hết các nước, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng và quản lý doanh nghiệp nhà nước nói chung rất được chú trọng. Mỗi nước có cách quản lý, giám sát riêng nhưng chủ yếu vẫn thông qua các đầu mối là cơ quan chức năng có thẩm quyền (bộ, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ) và có sự tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu.
Xem thêm