Kinh nghiệm cay đắng từ những sai lầm chi tiêu

Theo vnexpress.net

Không chuẩn bị tiền cho đứa con đầu lòng, không biết tiền của mình đi đâu, tiêu nhiều hơn kiếm được... từng khiến tôi và gia đình rơi vào cảnh sống chật vật.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trent Hamm là người sáng lập của blogThe Simple Dollarvới những bài viết hữu ích cho những người đang sống trong nợ nần và có thói quen chi tiêu xấu, giúp người đọc những cách đơn giản để quản lý tài chính cũng như tiết kiệm tiền.

Dưới đây là những chia sẻ củaTrent Hamm về những sai lầm tài chính trong quá khứ của mình và những bài học rút ra từ đó.

1. Không biết tiền của mình đã đi đâu

Mỗi lần nhìn vào số dư khi kiểm tra tài khoản, tôi thường thất vọng vì nghĩ mình còn nhiều tiền hơn thế. Có vẻ như những đồng tiền đã tan biến và tôi không biết chúng đi đâu.

Tôi cần khắc phục sai lầm này vì tôi đã chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.Tôi bắt đầu ghi chép chi tiết các khoản chi tiêu của mình. Tôi cũng lưu lại các hóa đơn mà tôi nhận được. Sau đó, cứ vài ngày, tôi xem lại các biên lai, và tôi bắt đầu nhận ra tôi đã tiêu phí rất nhiều tiền vào những khoản lặt vặt, không cần thiết và dễ bị lãng quên.

2. Khi mới đi làm, không để dành tiền cho lúc nghỉ hưu một cách tương xứng

Hồi mới đi làm tôi cũng bỏ ra một phần nhỏ để dành cho lúc về hưu dù lương của tôi rất khá. Một người đàn anh trong công việc khuyên tôi, tiết kiệm tiền cho về hưu là nhu cầu cơ bản cần phải làm. Tuy nhiên, thay vì xem đó như một việc hữu ích cho tương lai, tôi chỉ coi đó một phần phụ trong danh sách những việc cần làm.

Bây giờ, tôi đã sửa chữa sai lầm này, tôi để dành ít nhất 10% thu nhập cho lương hưu. Sự thật là khi tăng tiền bảo hiểm cho hưu trí, bạn chỉ cắt giảm những chi tiêu vô nghĩa và vớ vẩn chứ chất lượng cuộc sống của bạn gần như không đổi.

3. Tốn quá nhiều tiền cho ăn uống

Khi chưa có con, mỗi tuần vợ chồng tôi ra ngoài ăn nhiều lần, trong đó có ít nhất hai bữa tại một nhà hàng sang trọng. Chúng tôi không bao giờ ăn mà không gọi thêm đồ uống.

Khi chuẩn bị bữa ăn tại nhà, chúng tôi thường mua những thực phẩm đắt tiền. Trong tủ lạnh luôn có sẵn đồ uống và đương nhiên bữa ăn nào chúng tôi cũng cụng ly.

Sau đó, chúng tôi nhận thấy đi ăn hiệu thường xuyên khiến những dịp đó thực sự không còn nhiều ý nghĩa. Rất nhiều món ăn đắt tiền chúng tôi gọi ở nhà hàng thực ra rất đơn giản mà chúng tôi có thể tự làm ở nhà. Chúng tôi ít nấu ăn vì thiếu tự tin khi làm bếp, chỉ cần nấu nướng nhiều, tay nghề của chúng tôi sẽ lên.

Chúng tôi cũng nhận ra nhiều thực phẩm đắt tiền chúng tôi mua về là không cần thiết, chúng tôi chỉ dùng rất ít. Chúng tôi bắt đầu sử dụng nhiều nguyên liệu bình thường cho các bữa ăn của mình. Chúng tôi cắt giảm phần lớn nước ngọt và rượu.

Kết quả, ngân sách dành cho ăn uống của gia đình đã giảm đáng kể, chỉ bằng một nửa lúc trước, dù giờ đây, số thành viên đã tăng lên 5 người.

4. Không chuẩn bị tài chính cho sự ra đời của đứa con đầu lòng

Đầu tháng 2/2005, vợ chồng tôi có tin vui. Chúng tôi hạnh phúc mơ đến ngày được lên chức cha mẹ. Chúng tôi biết có con, chúng tôi sẽ tiêu tốn thêm rất nhiều tiền: tã, bỉm, sữa công thức, nôi, quần áo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe... nhưng chúng tôi không thay đổi cách tiêu tiền hiện tại của mình để chuẩn bị đón chào bé. Kết quả, vợ chồng tôi vô cùng khó khăn, thường xuyên tranh cãi về tiền bạc khi con ra đời.

Giờ đây, chúng tôi nhận ra rằng, con cái xuất hiện sẽ khiến cuộc đời bạn thay đổi: sẽ ở nhà nhiều hơn, có nghĩa là sẽ ăn ở nhà nhiều hơn, nên rất may việc này đã giúp chúng tôi tiết kiệm được phần nào. Sau này, khi phát hiện vợ tôi mang bầu, chúng tôi mỗi tuần đềubỏ riêng một khoản tiền để chuẩn bị cho sự ra đời của bé.

5. Thói quen xấu khi mua sách

Hồi đó, khoảng 2 lần mỗi tuần, trên đường đi làm, tôi ghé vào nhà sách, mua 2-3 cuốn. Tôi thích đọc sách, một tuần tôi đọc được 1-2 cuốn. Như vậy, một tuần tôi vẫn còn vài ba cuốn chưa đọc. Trên kệ sách nhà tôi chất đầy những cuốn sách chưa đọc, cũng như trong tủ quần áo chứa đầy những bộ không được mặc đến.

Sách tiêu tốn của tôi vài trăm đôla mỗi tháng nhưng tôi chỉ sử dụng được một phần trong số đó.Thói quen mua sách thay đổi khi tôi chuyển chỗ làm, tôi không đi qua hiệu sách đó nữa. Tôi cũng dừng việc mua sách khi trên kệ sách trong nhà còn nhiều cuốn chưa đọc.

Giờ đây, muốn đọc một cuốn sách mới, thay vì đi mua, tôi vào thư viện mượn. Tôi cũng đọc một số sách trên mạng. Có rất nhiều sách tôi có thể đọc miễn phí.

6. Một thời gian rất dài, tôi không có quỹ dự phòng khẩn cấp

Trong nhiều năm đầu mới đi làm, tôi hiếm khi có tiền trong tài khoản tiết kiệm, một phần do tôi tiêu tiền rất nhanh, một phần tôi cho rằng tiết kiệm không quan trọng.

Vấn đề là khi có một việc gì đó xảy ra bất ngờ, ví dụ xe bỗng dưng hỏng, mất ví... tôi không có tiền để chi tiêu. Tôi phụ thuộc hoàn toàn vào thẻ tín dụng, muốn rút tiền, tôi sẽ phải trả lãi rất cao.

Giải pháp hiện nay của tôi khá đơn giản: Tự động chuyển một phần tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Nếu tôi không dùng thì tài khoản tiết kiệm của tôi ngày càng lớn, Quan trọng là khi có việc gì khẩn cấp xảy ra, tôi biết chắc mình có tiền để chi tiêu.

7. Không lập ngân sách vì nghĩ rằng đó là việc lãng phí thời gian

Mỗi khi nghĩ tới việc lập một danh sách các việc cần chi tiêu và số tiền ước lượng cho từng món, sao cho phù hợp với thu nhập của mình, tôi cảm thấy nhàm chán và vô nghĩa.

Tuy nhiên, giờ đây tôi có cách tiếp cận thông minh hơn. Tôi theo dõi quá trình chi tiêu của mình trong hai tháng, từ đó xây dựng kế hoạch sử dụng tiền phù hợp. Tôi phân loại các chi tiêu của mình vào nhóm linh hoạt và cố định, sau đó cố gắng thắt chặt chi tiêu với từng nhóm. Việc này không chỉ giúp tôi có cái nhìn thực tế về việc mình đã sử dụng tiền như thế nào mà còn giúp tôi làm sao để tiết kiệm.

8. Không chia sẻ mục tiêu của mình với vợ

Những năm đầu hôn nhân, hầu như chúng tôi không chia sẻ bất kỳ mục tiêu tài chính cụ thể nào, vì thế chúng tôi không tích lũy được nhiều.

Giờ đây, chúng tôi trò chuyện nhiều và chi tiết về những gì chúng tôi muốn trong tương lai. Chúng tôi nói chính xác về những gì cần để mua nhà, để thành công trong công việc, để nuôi dạy con cái... Chúng tôi đặt ra các mốc thời gian để đạt mục tiêu. Bây giờ vợ chồng tôi đã trở thành những người cổ vũ cho nhau để cùng có những bước đi tích cực.

9. Tin rằng đầu tư vào hình thức sẽ được mọi người coi trọng

Tôi mua đồng hồ, quần áo đắt tiền, xe xịn, điện thoại thông minh. Tôi nghĩ rằng với sự đầu tư như vậy, tôi sẽ được đồng nghiệp đánh giá cao.Tuy nhiên, qua thời gian, tôi nhận thấy những thứ thực sự quan trọng là những gì tôi đạt được trong công việc, tôi không nhất thiết phải ăn vận bảnh bao.

Tất nhiên, hình thức cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là khả năng làm việc của bạn, bạn có chăm chỉ không, bạn có kỹ năng tốt không... Đây mới là những điều đồng nghiệp đánh giá cao ở bạn.

10. Mua những thứ đắt tiền bằng thẻ tín dụng và không có tiền tiết kiệm

Khi tôi muốn một thứ nào đó,dù trong tài khoản thanh toán có tiền hay không,tôi vẫn dễ dàng mua bằng thẻ tín dụng. Quan điểm của tôi hồi đó rất đơn giản: Tôi kiếm được nhiều tiền, ít nhất là so với những gì mà bố mẹ tôi đã làm được khi bằng tuổi tôi, và tôi dự đoán mình sẽ kiếm được nhiều hơn trong tương lai. Tại sao tôi lại không thể mua được những món đồ mình thích? Tôi sẽ nhận lương trong vài ngày nữa và tôi sẽ có tiền thanh toán thẻ tín dụng.

Vấn đề xảy ra khi tôi tiêu nhiều hơn kiếm được. Nợ tín dụng của tôi gia tăng và tôi không có cách nào trả tiền. Tôi chôn vùi tương lai của mình vào một đống nợ. Giải pháp hiện nay của tôi: Lập một danh sách những thứ cần mua sắm, cắt bỏ những thứ không cần thiết, suy nghĩ thông minh hơn về những thứ tôi vẫn đang mua. Đặc biệt, tôi đặt thẻ tín dụng sang một bên để bớt hẳn những khoản mua trước trả tiền sau.

11. Đi chơi với một nhóm chi tiêu cao trong xã hội

Tôi đi chơi với những người tiêu xài nhiều tiền. Họ ra ngoài, gọi những món ăn đồ uống tốn kém, chơi golf, sở hữu nhiều món đồ và quần áo đắt tiền. Tôi luôn chịu áp lực mạnh mẽ làm sao theo kịp họ, tôi đã tiêu tiền một cách nhanh chóng. Tôi cũng phải có những bữa ăn đắt tiền, những quần áo, xe cộ đắt tiền cho tương xứng.

Cuối cùng, tôi nhận ra mình không thực sự cần những món đồ này để "phù hợp" với nhóm này. Không lâu sau đó, tôi cũng nhận ra mình không có nhiều điểm chung với họ. Tôi đã phải trải qua một thời gian xây dựng những tình bạn khác, cả mới và cũ. Ngày hôm nay, tôi có những mối quan hệ mà ở đấy, tôi không buộc phải tiêu tiền liên tục và tôi cảm thấy mình thật may mắn.

12. Từng nghĩ tiết kiệm là dấu hiệu của sự nghèo đói

Tôi từng nghĩ không có gì buồn tẻ hơn cuộc sống thanh đạm. Sống mà lúc nào cũng nghĩ đến cắt giảm chi tiêu thì còn gì thú vị. Tôi từng thích thứ gì thì mua mà không suy nghĩ quá nhiều về nó. Và tôi đã phải chịu hậu quả từ việc bội chi.

Giờ, tôi đã thay đổi và đang thực hiện một số chiến lược tiết kiệm. Tôi học được rằng những thứ đơn giản như bỏng ngô cũng có giá thay đổi theo thương hiệu. Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nhưng làm giảm đáng kể hóa đơn tiền điện mỗi tháng.

Tiết kiệm thức ăn thừa có thể biến thành một bữa ăn ngon và rẻ cho bữa trưa ngày hôm sau. Việc tiết kiệm không khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn mà chỉ giúp tôi dư ra một khoản tiền.

13. Không có kế hoạch cho một cuộc sống bất ngờ thay đổi

Tôi sẽ làm gì nếu bị mất việc làm, bị bệnh tật... vào ngày mai? Hôm nay, tôi đã có kế hoạch cho chúng còn trước đây tôi cứ nghĩ những việc này sẽ chẳng bao giờ xảy ra với mình.

Tôi thay đổi kể từ khi nhận ra rằng những bất trắc có thể xảy ra với tôi và những người mà tôi yêu. Nếu tôi lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó, tác động tiêu cực của sự việc sẽ giảm đi đáng kể.Tôi viết kế hoạch ra giấy, tôi mua bảo hiểm. Nó không hoàn hảo nhưng dù sao vẫn tốt hơn nếu tôi không có gì.

Nói thẳng ra, trước đây tôi thật ngốc, bây giờ vẫn ngốc. Sự khác biệt là bây giờ tôi đã nhận ra cuộc đời không hoàn hảo, và tôi cần đưa ra các giả định để có thể làm tốt hơn. Chìa khóa để xây dựng một cuộc sống tốt hơn là phải tỉnh táo khi làm việc. Đừng ngại hỏi bản thân, rằng những điều bạn đang làm thực sự có ý nghĩa? Đừng ngại thay đổi nếu bạn nhận ra rằng cách bạn đang làm là ngốc nghếch.