Gian lận thuế là việc người nộp thuế dùng các thủ đoạn bất hợp pháp để không phải nộp thuế hoặc làm giảm số thuế phải nộp. Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), gian lận thuế chủ yếu thông qua việc khai báo giảm thuế GTGT đầu ra, tăng thuế GTGT đầu vào, cơ chế hoàn thuế GTGT… Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gian lận thuế thông qua các hành vi kê khai sai doanh thu, thu nhập chịu thuế hoặc khai tăng chi phí được trừ, chuyển giá… Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), gian lận thuế chủ yếu thông qua hành vi kê khai sai thu nhập chịu thuế. Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gian lận thuế với các hành vi như khai thấp trị giá tính thuế, khai sai mã số hàng hoá, khai sai xuất xứ hàng hoá, lợi dụng cơ chế miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất…
Gian lận thuế làm thất thu ngân sách nhà nước, không đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Mức độ gian lận thuế ở các nước khác nhau phụ thuộc vào chính sách thuế (có kẽ hở dễ bị lợi dụng), hiệu quả của công tác quản lý thuế, các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế và ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Để phòng chống gian lận thuế, cùng với việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý thuế, thì tăng cường các chế tài xử phạt các hành vi gian lận thuế. Bên cạnh đó, cần các nước cũng hoàn thiện chính sách thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, chặt chẽ, hạn chế các kẽ hở có thể bị lợi dụng, gian lận thuế.
Bài viết giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về: (1) Phòng chống gian lận thuế GTGT thông qua công tác quản lý hoàn thuế GTGT; (2) Phòng chống gian lận thuế TNDN bằng quy định khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu được tính vào chi được trừ; (3) Phòng chống gian lận thuế TNDN thông qua hành vi chuyển giá bằng cơ chế Thỏa thuận trước về giá; (4) Phòng chống gian lận thuế nhập khẩu bằng chính sách đảm bảo bằng tiền hoặc bảo lãnh của ngân hàng đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
Phòng chống gian lận thuế GTGT thông qua công tác quản lý hoàn thuế GTGT
Thuế GTGT có ưu điểm là đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ ở từng khâu sản xuất và lưu thông cho đến tiêu dùng, cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế ở các giai đoạn trước và người nộp thuế được hoàn lại số thuế đã nộp mà chưa được khấu trừ hết, do đó tránh được trùng lặp thuế. Tuy nhiên, thuế GTGT cũng có nhược điểm là dễ bị gian lận, nhất là ở khâu hoàn thuế. Vì vậy, để quản lý và hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT, các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều phương thức khác nhau. Một số phương thức chủ yếu là:
Chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết sang các kỳ tiếp theo
Một số nước có quy định là số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong một kỳ bắt buộc phải được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo (ví dụ, Thái Lan, Bungari, Ba Lan, Chi Lê). Tuy nhiên, hầu hết các nước có quy định này thường không được áp dụng đối với DN xuất khẩu. Theo phương thức đó, người nộp thuế chỉ được hoàn thuế GTGT khi vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết vào cuối kỳ, kỳ chuyển có thể từ 30 ngày đến hơn 1 năm, tuy nhiên thường là sau từ 3 đến 6 tháng. Thậm một số nước (Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Panama) còn không cho phép hoàn thuế GTGT bằng tiền mà chỉ cho phép chuyển sang bù trừ ở các kỳ tiếp theo (trừ trường hợp xuất khẩu).
Bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác
Một số nước đưa ra quy định cho phép số thuế GTGT không được khấu trừ hết sẽ dùng để bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, cũng có quốc gia cho phép được bù trừ vào các nghĩa vụ thuế chưa đến hạn phải nộp. Một số quốc gia (các nước thuộc Liên Xô cũ) cho phép người nộp thuế được bù trừ vào các khoản nợ ngân sách khác. Việc bù trừ này có thể được quy định trong luật hoặc theo quyết định của cơ quan thuế.
Yêu cầu kiểm toán trước khi hoàn thuế:
Indonesia chỉ thực hiện hoàn thuế GTGT sau khi kiểm toán. Bungari áp dụng cơ chế tài khoản thuế GTGT để quản lý việc nộp và hoàn thuế GTGT. Tại Kenya, yêu cầu hoàn thuế khi vượt một ngưỡng nhất định phải được một công ty kiểm toán độc lập có đăng ký hành nghề xác nhận.
Kiểm tra chéo hóa đơn, phân loại đối tượng nộp thuế
Một số quốc gia (Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc) chống gian lận trong hoàn thuế GTGT bằng cơ chế kiểm tra chéo đối với các giao dịch hàng hóa có quy mô lớn và phân loại đối tượng nộp thuế. Cơ chế kiểm tra chéo hóa đơn ở Hàn Quốc và Trung Quốc được áp dụng khá triệt để, theo đó hóa đơn bán hàng của những người nộp thuế sẽ được soát xét và đối chiếu thông qua hệ thống máy tính, nhằm phát hiện các sai sót, mâu thuẫn giữa doanh số mua vào và bán ra.
Quy định ngưỡng thuế GTGT đầu vào để được hoàn thuế
Để hạn chế gian lận thuế GTGT cũng như giảm thiểu công việc cho cơ quan thuế trong việc xử lý các quyết định hoàn thuế, một số nước quy định để được hoàn thuế, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết (sau khi đã bù trừ với nghĩa vụ thuế phải nộp) phải vượt một ngưỡng nhất định trong kỳ hoàn thuế thì mới được hoàn (trường hợp Singapore, Pháp, Ba Lan hay Nam Phi).
Hoàn thuế ở mức thấp hơn
Trung Quốc quy định tỷ lệ số thuế GTGT đầu ra được hoàn thấp hơn số thuế GTGT đầu vào và tỷ lệ này được xác định theo từng nhóm hàng hóa khác nhau. Đây là một trong những đặc thù trong chính sách thuế GTGT của Trung Quốc. Chẳng hạn, một số nhóm hàng nông sản có mức thuế suất áp dụng đầu vào là 17%, song chỉ được khấu trừ ở mức 13%. Trung Quốc đã sử dụng chính sách này như một công cụ để điều tiết hoạt động thương mại (tăng tỷ lệ khấu trừ trong trường hợp xuất khẩu khó khăn) cũng như tăng chủ động trong điều hành ngân sách.
Chính sách hoàn thuế GTGT đối với DN kê khai theo quý
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định về kỳ kê khai thuế ở các nước rất khác nhau: một số nước quy định chỉ kê khai theo tháng, một số nước quy định kê khai theo tháng, theo quý, theo năm tùy theo doanh thu và lĩnh vực hoạt động (cung cấp hàng hóa hay dịch vụ); Trung Quốc quy định ngoài theo quý, tháng còn có các thời hạn 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày. Thời hạn yêu cầu hoàn thuế ở các nước cũng rất khác nhau nhưng đối với người nộp thuế kê khai theo quý thì thời hạn được yêu cầu hoàn thuế tối thiểu bằng thời hạn kê khai nộp thuế.
Phòng, chống gian lận thuế TNDN bằng quy định vốn mỏng
Những năm gần đây, nhiều nước lo ngại việc các DN chủ yếu sử dụng vốn vay hơn là sử dụng vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn của DN nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp (do được khấu trừ chi phí lãi vay trước khi xác định thu nhập tính thuế), nhất là từ việc vay vốn của các chủ thể có liên quan dẫn đến giảm thu ngân sách.
Vì vậy, để phòng chống gian lận thuế TNDN thông qua việc sở hữu chéo của các DN, nhất là các công ty đa quốc gia, một số nước quy định phần lãi mà DN phải trả đối với vốn vay của các công ty liên quan (có thể là cổ đông có cổ phần chi phối, bên thứ ba được công ty mẹ hoặc công ty liên kết bảo lãnh) vượt quá tỷ lệ nhất định (về vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế. Tỷ lệ này ở các nước rất khác nhau.
Trên thực tế, đa số các nước quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 (trừ trường hợp DN là tổ chức tài chính thì tỷ lệ này ở Trung Quốc là 5:1, Hàn Quốc là 6:1) thì được coi là vốn mỏng và phần lãi phải trả vượt quá tỷ lệ này được coi là cổ tức và không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Một số nước quy định tỷ lệ này thấp hơn (Venezuela là 1:1, Canada, Trung Quốc là 2:1; Pháp, Mỹ là 1,5:1). OECD khuyến nghị áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1.
Phòng, chống gian lận thuế TNDN thông qua hành vi chuyển giá bằng cơ chế thỏa thuận trước về giá
Chuyển giá là hành vi gian lận thuế do các tập đoàn, tổng công ty, các công ty liên doanh liên kết lợi dụng sự khác nhau về chính sách thuế giữa các nước để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. Nghiên cứu thực tế ở các nước cho thấy, các hình thức gian lận thuế thông qua chuyển giá gồm: (i) thông qua chuyển giá tài sản hữu hình; (ii) thông qua chuyển giá tài sản vô hình; (iii) thông qua việc cung cấp dịch vụ trong tập đoàn kinh tế; (iv) thông qua hoạt động cho vay trong nội bộ tập đoàn kinh tế; (v) thông qua hoạt động góp vốn ẩn, sở hữu chéo; (vi) thông qua xóa nợ, chuyển nợ trong nội bộ tập đoàn kinh tế; (vii) thông qua việc nâng phí bảo lãnh tiền vay của công ty mẹ cho công ty con.
Hành vi gian lận thuế thông qua chuyển giá gây thất thu cho ngân sách, làm tăng chi phí quản lý thuế và tác động xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh (cạnh tranh không bình đẳng). Do đó, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi chuyển giá, một trong các biện pháp chống chuyển giá hữu hiệu được các nước thực hiện là cơ chế thỏa thuận trước về giá.
Theo đó, cơ quan thuế, DN đầu tư vào nước sở tại và có mối quan hệ liên kết với các DN khác thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết. Hoạt động này thường có giá trị trong thời gian từ 3 - 5 năm. Thỏa thuận trước về giá có thể là đơn phương, song phương hoặc đa phương. Thỏa thuận trước về giá đơn phương là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, theo đó, cơ quan thuế sẽ không tiến hành thanh tra, kiểm tra các giao dịch trong phạm vi thỏa thuận trước về giá. Thỏa thuận trước về giá song phương là thỏa thuận giữa các cơ quan thuế của các nước khác nhau để chống chuyển giá xuyên quốc gia. Thỏa thuận trước về giá đa phương là thỏa thuận giữa các cơ quan thuế và giữa nhiều người nộp thuế. Kinh nghiệm cụ thể tại Singapore là áp dụng cả ba hình thức thỏa thuận trước về giá đơn phương, song phương và đa phương.
Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương và đa phương thường gắn với Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa Singapore và quốc gia liên quan. Hoặc tại Trung Quốc bắt đầu áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về giá vào cuối những năm 1990. Năm 1998, Thỏa thuận trước về giá đơn phương đầu tiên đã được ký giữa cơ quan thuế và DN. Năm 2002, cơ chế Thỏa thuận trước về giá được luật hóa và áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Từ năm 2005 - 2008, Cơ quan thuế Trung Quốc đã ký 41 Thỏa thuận trước về giá, bao gồm 36 Thỏa thuận trước về giá đơn phương và 5 Thỏa thuận trước về giá song phương. Trong năm 2009, Cơ quan thuế Trung Quốc đã ký đạt được 12 Thỏa thuận trước về giá, bao gồm 5 Thỏa thuận trước về giá đơn phương và 7 Thỏa thuận trước về giá song phương.
Phòng, chống gian lận thuế nhập khẩu bằng chính sách đảm bảo bằng tiền hoặc bảo lãnh của ngân hàng đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất
Để khuyến khích xuất khẩu nhiều nước đã áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa sau đó xuất khẩu. Đồng thời, để phòng chống gian lận thuế nhập khẩu thông qua tạm nhập, tái xuất, nhiều nước quy định người nhập khẩu phải ký thỏa thuận, cam kết với cơ quan hải quan về việc tái xuất khẩu hàng hóa khi hết thời hạn tạm nhập và đảm bảo dưới hình thức đặt cọc, ký quỹ bằng một khoản tiền nhất định tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp (Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Anh), bảo lãnh của ngân hàng tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp (Singapore) hoặc bằng trái phiếu hàng tạm nhập gấp hai lần nghĩa vụ thuế phải nộp (Mỹ).
Người nhập khẩu sẽ được hoàn trả khoản tiền đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng sẽ được bãi bỏ sau khi hàng hóa đó được tái xuất trong thời hạn đã quy định hoặc thỏa thuận, cam kết. Trường hợp người nhập khẩu không tái xuất mà bán, chuyển nhượng hàng hóa tạm nhập trên lãnh thổ quốc gia nhập khẩu thì phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác đối với hàng hóa nhập khẩu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt).
Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống gian lận thuế
(Tài chính) Để phòng, chống gian lận thuế, các nước đều hướng đến nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý thuế, tăng cường chế tài xử phạt các hành vi gian lận thế, hoàn thiện chính sách thuế để hạn chế các kẽ hở có thể bị lợi dụng gian lận thuế.
Xem thêm