Kinh tế Indonesia sẽ vượt Anh và Đức

Theo CNBC/Vnexpress

Theo McKinsey, dân số trẻ, tầng lớp tiêu dùng mới và tốc độ đô thị hóa nhanh là những lực đẩy sẽ đưa nền kinh tế 850 tỷ USD này tăng từ vị trí 16 hiện nay lên thứ 7 vào năm 2030.

Kinh tế Indonesia sẽ vượt Anh và Đức

Hãng nghiên cứu McKinsey Global Institute vừa công bố một báo cáo về Indonesia có tên "The archipelago economy: Unleashing Indonesia's potential" (Khám phá tiềm năng phát triển của Indonesia). Theo đó, đến năm 2030, Indonesia có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, xếp trên cả các nước phát triển như Anh và Đức.

Bản báo cáo chỉ ra rằng dân số trẻ, tầng lớp tiêu dùng mới và tốc độ đô thị hóa nhanh tại các thành phố là những lực đẩy sẽ đưa nền kinh tế 850 tỷ USD này tăng hạng từ vị trí 16 hiện tại. Tuy nhiên, McKinsey không đưa ra dự đoán xếp hạng cho các nước khác và tiết lộ báo cáo này được thực hiện dựa trên mô hình độc quyền của hãng.

Theo McKinsey, kinh tế Indonesia sẽ được tăng cường nhờ dân số tăng nhanh và sức mua đáng kể năm 2030. Đây là "tầng lớp tiêu dùng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ".

Dân số trẻ cũng là yếu tố tăng sức sản xuất của nước này. McKinsey ước tính khoảng 70% dân số Indonesia vẫn ở độ tuổi lao động (từ 15 - 64) trong 18 năm tới. Ông Raoul Oberman, Chủ tịch McKinsey & Company Indonesia cho biết: "Indonesia có dân số tăng nhanh hơn, sức lao động tốt hơn và trẻ hơn rất nhiều so với các nước Tây Âu. Lực lượng lao động tại đó sẽ chỉ có thể đứng yên hoặc giảm đi trong tương lai”."

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại các thành phố nhỏ cũng sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Indonesia. Theo McKinsey, 86% GDP của nước này sẽ đến từ khu vực thành thị năm 2030. Oberman cho biết: "Các thành phố lớn như Jakarta hay Surabaya đang là trung tâm kinh tế của Indonesia. Nhưng chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai sẽ nằm tại các thành phố ngoài đảo Java như Pekanbaru, Pontianak, Karawang, Makassar và Balikpapan".

Bản báo cáo cũng chỉ ra các thách thức lớn đối với kinh tế Indonesia là năng suất lao động thấp, bất bình đẳng thu nhập lớn và nhu cầu tiêu dùng tăng vọt. Oberman cho biết: "Indonesia cần tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế ấn tượng để nâng năng suất lao động lên 4,6%, cao hơn 60% so với thập kỷ trước. Bất bình đẳng xã hội và nhu cầu tiêu dùng tăng cũng là những việc chính phủ cần lưu tâm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP dài hạn".