Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu bên “vực” suy thoái?
Khu vực đồng tiền chung châu Âu, được thành lập vào năm 1999, sẽ có thể phải kỷ niệm ngày lễ đặc biệt trong năm 2019 này trong nỗi buồn khi đợt suy giảm mới đang bắt đầu.
Cách đây không lâu, dòng hashtag #euroboom đã được gắn vào bất kỳ tin tức nào dù thực ra kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng phục hồi chẳng mấy ấn tượng.
Thế nhưng đến năm 2017, khi mà kinh tế Pháp, Đức và thậm chí cả Tây Ban Nha cũng tăng trưởng hơn 2%, dường như nó đã trở thành một hiện tượng.
Và thật đáng buồn, trong thời gian ngắn, mọi chuyện đã đảo chiều quá nhanh. Châu Âu tăng trưởng bùng nổ giờ đã trở thành châu Âu tăng trưởng kém.
Theo báo Economist, số liệu GDP dự kiến công bố trong tháng này cho thấy trong 3 tháng cuối cùng của năm 2018, kinh tế Italy nhiều khả năng suy giảm đến quý thứ 2 liên tiếp, như vậy đã khớp với định nghĩa về suy thoái kinh tế.
Kinh tế Đức thoát khỏi suy thoái, nhưng cũng không thể tăng trưởng cao. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, được thành lập vào năm 1999, sẽ có thể phải kỷ niệm ngày lễ đặc biệt trong năm 2019 này trong nỗi buồn khi mà châu Âu đang bên bờ vực của một đợt suy giảm mới.
Đồng euro có thể coi như một thất bại kinh tế. Tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu tụt lại so với phần lớn các nền kinh tế phát triển và so với toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) ở mọi thời điểm: trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái và thậm chí cả trong thời gian gần đây khi kinh tế châu Âu có nhiều khởi sắc.
Có thể ngay cả nếu không có đồng tiền chung này, kinh tế khu vực cũng xấu tương đương. Thế nhưng khi người ta so sánh một khu vực không có đồng tiền chung với chính khu vực ấy khi có đồng tiền chung, câu chuyện lại không phải như vậy. Thập kỷ qua, mọi chuyện đã vô cùng khó khăn.
Một số nước có GDP bình quân đầu người sụt giảm từ năm 2008 đến nay và tụt lại so với nước khác có thể kể đến Hy Lạp bị Sudan và Ukraine vượt qua; Síp và Italy bị Brazil và Iran vượt mặt còn Pháp và Hà Lan bị Anh “chiến thắng”.
Khi mà khu vực đồng tiền chung châu Âu bắt đầu thập kỷ thứ 3, một đợt suy giảm mới bắt đầu. Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hoạt động sản xuất xe ô tô tại Đức chững lại khi mà các doanh nghiệp cố gắng đáp ứng chuẩn khí thải mới.
Kinh tế Italy khó khăn khi nước này đối diện với nhiều rắc rối chính trị. Các cuộc biểu tình làm khó kinh tế Pháp. Cách đây 3 năm, người ta không thể tưởng tượng về nhiều nguyên nhân đang kéo lùi kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu, và cuối cùng mọi chuyện vẫn xảy đến.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đối diện với nhiều rủi ro cấu trúc để có thể tăng trưởng được. Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, thách thức quan trọng chính ở nhu cầu yếu. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng có lúc hồi phục một chút, nhưng rồi lại đi xuống do nhiều yếu điểm căn bản.
Giới đầu tư lo ngại về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không còn đứng sau hỗ trợ cho các trái phiếu quốc gia được phát hành hoặc tiền gửi tại các ngân hàng và vì vậy họ cảm thấy lo lắng.
Nỗi sợ giảm đi chút ít khi mà các nhà lãnh đạo châu Âu miễn cưỡng tạo ra các cơ chế bình ổn liên quốc gia, cho phép ECB hỗ trợ trái phiếu quốc gia và ngân hàng quốc gia. Vào năm 2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mở chương trình mua trái phiếu, thế nhưng ngay cả biện pháp này cũng không cứu được tăng trưởng.
Chính phủ nhiều nước châu Âu không có khả năng sử dụng ngân sách để kích cầu. Các trở ngại về tài khóa sẽ đỡ đáng lo ngại hơn nếu ECB có thể sử dụng chính sách tiền tệ để khuyến khích chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên lãi suất thực của EB hiện đã ở mức âm. Kinh tế châu Âu vẫn chững lại trong năm 2018 bất chấp việc ECB tung ra chương trình mua tài sản, dù tốc độ chững lại có giảm bớt so với năm 2016 và 2017.
Giải pháp nào cho tình trạng hiện tại? Châu Âu có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát tài khóa. Châu Âu có thể tận dụng tốt tiềm năng tài khóa bằng việc tạo ra ngân sách đủ lớn để có thể kích cầu phù hợp. Các biện pháp cải cách trên sẽ cần đến việc thay đổi cán cân quyền lực và quan điểm bên trong châu Âu. Trong nhiều giai đoạn khủng hoảng trước đây, thay đổi kiểu như vậy từng diễn ra.