Kinh tế - Tài chính thế giới tuần từ 9-14/10/2017
KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI |
Nội dung |
Tăng trưởng - Lạm phát |
Tăng trưởng - Toàn cầu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,6% trong năm 2017, 3,7% trong năm 2018, cao hơn mức tăng tương ứng là 3,5% và 3,6% (dự báo tháng 7/2017). Trong đó: + Hoa Kỳ: Tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,3% trong năm 2018, cao hơn mức tăng 2,1% (dự báo tháng 7/2017 cho cả hai năm 2017, 2018), do lĩnh vực năng lượng phục hồi và đầu tư doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong vài năm tới do Chính phủ thiếu chính sách định hướng cho tăng trưởng. + Canada: Kinh tế tăng trưởng 3% trong năm 2017, cao hơn mức tăng 2,5% (dự báo tháng 7/2017) và cao nhất trong Nhóm G-7; sau đó giảm xuống còn 2,1% trong năm 2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 1,9% (dự báo tháng 7/2017), do Ngân hàng Trung ương Canada đã đưa ra được các chính sách phù hợp và Chính phủ cũng có chính sách chi tiêu hiệu quả. + Eurozone: Kinh tế tăng trưởng 2,1% trong năm 2017 và 1,9% trong năm 2018, cao hơn mức tăng tương ứng 1,9% và 1,7% (dự báo tháng 7/2017), do xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa của khu vực này tăng mạnh nhờ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, lạm phát thấp, nợ công cao và dân số già hóa có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế này trong tương lai. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 10/10) - MENA: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông - Bắc Phi (MENA), gồm Iran, Iraq, Algeria và 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đạt khoảng 2% trong năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 5,6% của năm 2016, do kinh tế Iran giảm tốc sau khi tăng mạnh (12,5%) trong năm 2016, cũng như việc cắt giảm sản lượng tại các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực. Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của MENA đạt 3,2%, cao hơn so với 3% (dự báo tháng 7/2017), do nhu cầu tiêu dùng trong nước tại các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và sản lượng dầu tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tăng. (Theo IMF ngày 10/10) - Đức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức dự báo đạt 2% trong năm 2017, 1,9% trong năm 2018, cao hơn các mức tương ứng là 1,5% và 1,6% (dự báo đưa ra trước đó), do nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài tăng mạnh. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries, hiện nay kinh tế Đức đang tăng trưởng tốt và có thể duy trì được đà tăng trưởng này trong những năm tới. Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa có thể chậm lại trong năm 2018 và 2019, do đó xuất khẩu sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Theo Chính phủ Đức ngày 11/10) - Hàn Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong quý 3/2017 đạt khoảng 0,5 - 0,7%, tương đương với mức tăng 0,6% của quý II/2017. Đây là quý thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đạt dưới 1%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Hàn Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2017. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 09/10)- - Singapore: Trong quý III/2017, kinh tế Singapore tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 2,9% của quý II/2017 và dự báo 3,8% , do lĩnh vực sản xuất tăng mạnh (15,5%). (Theo Bộ Công Thương Singapore ngày 13/10) Lạm phát - Toàn cầu: Chỉ số lạm phát toàn cầu tăng liên tục trong 2 tháng đầu quý III/2017, từ 3,2% (tháng 6) lên 3,3% (tháng 7) và 3,4% (tháng 8). Sự gia tăng diễn ra chủ yếu tại nhóm các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ (chỉ số lạm phát toàn phần tháng 8/2017 là 1,9%, cao hơn so với 1,6% của tháng 6/2017) và EU (chỉ số lạm phát chung toàn khu vực cũng như lạm phát tại các nước thành viên như Đức, Pháp, Italy đều tăng hướng đến ngưỡng 2%). (Theo Focus Economics ngày 10/10) |
Chứng khoán |
- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ tăng. Tính chung cả tuần (09/10 - 13/10/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,43%; 0,15%; 0,24% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (06/10/2017). Trong ngày giao dịch ngày 13/10/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: + Chỉ số Nasdaq tăng 14,92 điểm (0,22%) lên 6.605,8 điểm. + Chỉ số S&P 500 tăng 2,24 điểm (0,09%) lên 2.553,17 điểm. + Chỉ số Dow Jones tăng 30,71 điểm (0,13%) lên 22.871,72 điểm. - Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,36 điểm (2,04%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (13/10/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: + Hang Seng (Hong Kong) tăng 17,4 điểm (0,1%) lên 28.476,43 điểm. + S&P/ASX 200 (Australia) tăng 19,7 điểm (0,3%) lên 5.814,2 điểm. + Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 200,5 điểm (1%) lên 21.155,18 điểm. + Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,42 điểm (0,1%) lên 3.390,52 điểm. + Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,14 điểm (-0,1%) xuống 2.473,62 điểm. |
Dầu mỏ |
Trong tháng 9/2017, sản lượng khai thác dầu thô của các nước thành viên OPEC đạt 32,784 triệu thùng/ngày, tăng so với 32,659 triệu thùng/ngày của tháng 8/2017, cho thấy quy định về giới hạn sản lượng khai thác dầu tiếp tục bị vi phạm khi sản lượng khai thác thực tế cao hơn 32,5 triệu thùng/ngày (giới hạn sản lượng được OPEC ấn định vào cuối năm 2016). Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2017 tăng 1,5 triệu thùng/ngày; năm 2018 tăng 1,4 triệu thùng/ngày, nhờ triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện, do đó thị trường dầu mỏ đang dần cân bằng trở lại. (Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 11/10) |
Tuần từ 09/10 - 13/10/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 4,38% và 2,79%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (13/10/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017: - WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,85 USD (1,65%) lên 51,45 USD/thùng. - Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,92 USD (1,61%) lên 57,17 USD/thùng. |
|
Châu Âu |
Eurozone Trong tháng 8/2017, sản lượng công nghiệp của Eurozone tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 3,6% của tháng 7/2017 và 2,5% theo dự báo của thị trường, trong đó sản lượng công nghiệp tại các nước Đức, Italy, Tây Ban Nha tăng mạnh. Điều này cho thấy kinh tế Eurozone đang tăng trưởng vững chắc. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 12/10) Anh - Mặc dù các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã đạt được những tiến triển thực sự, song Anh vẫn cần chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Theo đó có hai Đề xuất Trắng về các thỏa thuận thương mại và hải quan trong tương lai, liên quan tới các kịch bản khác nhau cho việc thực thi các cơ chế thuế, thuế giá trị gia tăng và hải quan sau Brexit, cả trong trường hợp nước Anh không đạt được thỏa thuận nào. (Theo Thủ tướng AnhTheresa Mayngày 09/10) - Chính phủ Anh đang nghiên cứu khả năng tham gia Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về giai đoạn hậu Brexit. Tham gia NAFTA có thể giúp Anh thúc đẩy thương mại với 3 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng GDP khoảng 17.200 tỷ GBP (22.000 tỷ USD), so với GDP 12.700 tỷ bảng (17.000 tỷ USD) của EU. Nếu có sự tham gia của Anh, NAFTA sẽ chiếm hơn 30% nền kinh tế toàn cầu. (Theo TTXVN ngày 10/10) - Trong tháng 8/2017, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Anh là 5,63 tỷ GBP, cao hơn mức thâm hụt 4,24 tỷ GBP của tháng 7/2017 và 2,8 tỷ GBP theo dự báo của thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 0,6% so với tháng 7/2017 lên 50,15 tỷ GBP, kim ngạch nhập khẩu tăng 3,2% lên mức cao kỷ lục 55,78 tỷ GBP. Trong ba tháng 6 - 8/2017, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang EU tăng 4,1% so với ba tháng trước đó (3 - 5/2017), chủ yếu nhờ doanh số bán máy móc và thiết bị vận tải tăng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang các nước ngoài EU giảm 8,8%. (Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh ngày 10/10) Đức Trong tháng 8/2017, thặng dư thương mại của Đức đạt 20 tỷ EUR, cao hơn mức thặng dư 19,6 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016 lên 103,1 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 8,5% lên 83 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 10/10) - Trong tháng 8/2017, sản lượng công nghiệp của Đức tăng 2,6%, sau khi giảm 0,1% trong tháng 7/2017 và cao hơn mức tăng 0,7% theo dự báo của Reuters. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2011. Các chuyên gia kinh tế nhận định, số liệu trên cho thấy kinh tế Đức tăng trưởng vững chắc trong quý III/2017 (ước tăng khoảng 0,6%). (Theo Bộ Kinh tế Đức ngày 09/10) Nga Trong tháng 8/2017, thặng dư thương mại của Nga tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6,61 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 5,6 tỷ USD (dự báo của thị trường). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 28,97 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 21% lên 22,36 tỷ USD. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 12/10) |
Hoa Kỳ |
Hạ viện Hoa Kỳ (05/10) thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2018 trị giá 4.100 tỷ USD, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu hơn 5.000 tỷ USD trong thập kỷ tới, bao gồm cắt giảm khoảng 1.000 tỷ USD đối với chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người có thu nhập thấp Medicaid, cũng như cắt giảm các chương trình chăm sóc sức khỏe khác và cắt giảm lớn các chương trình được Quốc hội bảo trợ. |
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần (02 - 07/10) giảm 15 nghìn đơn xuống 243 nghìn đơn, thấp hơn so với 251 nghìn đơn (dự báo của Reuters) và là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp dưới ngưỡng 300 nghìn đơn (ngưỡng cho thấy thị trường lao động tăng trưởng mạnh) trong 136 tuần liên tiếp. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/10) |
|
Trong tháng 9/2017, chỉ số giá sản xuất - PPI tại Hoa Kỳ tăng 0,4% so với tháng 8/2017 (cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 8), tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/2012, do giá xăng tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 12/10) |
|
Trung Quốc |
Tổng tài sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Trung Quốc - CIC, còn được gọi là quỹ đầu tư quốc gia, tính tới cuối tháng 8/2017 đã vượt mốc 900 tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với 249 tỷ USD tại thời điểm thành lập CIC (2007) và trở thành quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ hai trên thế giới (sau Quỹ lương hưu chính phủ của Na Uy với trị giá 1.000 tỷ USD tính tới cuối tháng 9/2017). Lợi nhuận hằng năm của CIC đạt 14,35%, trong đó hoạt động đầu tư ở nước ngoài đóng góp 5,51%. (Theo CIC ngày 07/10) |
Trong tháng 9/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 17 tỷ USD lên 3.109 tỷ USD, cao hơn so với 3.100 tỷ USD (ước tính của Bloomberg) và là tháng tăng thứ 8 liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ giữa năm 2014. Vị thế dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã ổn định sau nhiều năm suy giảm, nhờ sự tăng trưởng kinh tế , các biện pháp kiểm soát để ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài, đặc biệt là sự lên giá của đồng NDT trong thời gian qua. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 10/10) |
|
Trong tháng 9/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc là 4,83%, thấp nhất kể từ năm 2012, cho thấy thị trường việc làm đang dần mở rộng. Lũy kế 8 tháng đầu năm có khoảng 9,74 triệu việc làm mới được tạo ra ở khu vực thành thị, đạt 88,5% mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm mới trong năm 2011 của Chính phủ Trung Quốc. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 10/10) |
|
Nhật Bản |
Trong tháng 8/2017, chỉ số kinh tế trùng hợp của Nhật Bản đạt 117,6 điểm, tăng 1,9 điểm so với tháng 7/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 3/2014. Nền kinh tế Nhật Bản mở rộng bình quân 1,2% trong 57 tháng liên tiếp. Chỉ số kinh tế trùng hợp, bao gồm nhiều dữ liệu (trong đó có sản lượng của các nhà máy, việc làm và doanh số bán lẻ), được dùng để đo lường tình hình nền kinh tế và thuộc nhóm các chỉ số Chính phủ Nhật Bản sử dụng để đánh giá nền kinh tế đang mở rộng hay suy thoái. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 09/10) |
Trong tháng 8/2017,thặng dư tài khoản vãng laicủa Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục 2.380 tỷ JPY (21 tỷ USD), tháng thặng dư thứ 38 liên tiếp. Thương mại hàng hóa (một trong những thành phần chủ chốt của tài khoản vãng lai) đạt thặng dư 320 tỷ JPY, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,3% lên 6.170 tỷ JPY, kim ngạch nhập khẩu tăng 15,1% lên 5.850 tỷ JPY.(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 10/10) |
|
Trong tháng 9/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Nhật Bản tăng 0,2% so với tháng 8/2017 (so với mức không đổi của tháng 8) và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016 (cao hơn mức tăng 2,9% của tháng 8 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014), do giá sản xuất kim loại màu và các sản phẩm dầu mỏ, than đá tăng mạnh. (Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày 12/10) |
|
Nhận định |
Báo cáo đánh giá về Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20 (06/10) của IMF: Các nước thành viên G20 đã phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2009 với tốc độ tăng trưởng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, G20 đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: Tốc độ tăng trưởng của hơn một nửa số nước thành viên được dự báo chỉ ở mức 2% hoặc thấp hơn; sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Anh và Hoa Kỳ - những quốc gia có thể theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nhằm giảm thâm hụt thương mại; tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn khá thấp, đe dọa sự tăng trưởng ổn định nói chung. Do đó, G20 cần tiếp tục thực hiện các cải cách nhằm tái cân bằng nền kinh tế và tăng trưởng bền vững. Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên (09/10): Cần đẩy nhanh việc mở cửa khu vực tài chính của Trung Quốc, nếu không công cuộc cải cách kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Có 3 yếu tố cần đẩy nhanh trong tiến trình mở cửa nền kinh tế, đó là thương mại và đầu tư nước ngoài ngày càng lớn, cơ chế tỷ giá hối đoái trên cơ sở thị trường với mức tỷ giá đồng NDT “hợp lý và cân bằng”, nới lỏng kiểm soát vốn để cho phép đồng NDT được tự do hóa dần. Tổng thống Nga Vladimir Putin (11/10): Hoạt động kinh tế giữa các nước thành viênCộng đồng các quốc gia độc lập(SNG) đang được hồi phục. Khối lượng chu chuyển hàng hóa từ đầu năm tăng 25% và đạt 75 tỷ USD. Để việc trao đổi hàng hóa giữa các nước thành viên SNG tiếp tục tăng trưởng bền vững, cần hoàn thiện cơ chế thương mại tự do, xóa bỏ những rào cản trong lưu thông, đơn giản hóa các thủ tục thuế quan, trong đó có phối hợp hành động với Ủy ban Kinh tế Á - Âu. |