Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 02-07/04/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 30/3 dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là xuất khẩu tăng trưởng nhanh, tiêu dùng nội địa và hoạt động đầu tư tăng mạnh. Trong khi đó, lạm phát sẽ tăng khoảng 3,5%, do giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định làm giảm tác động của việc tăng mạnh cầu nội địa và cho vay ngân hàng lên lạm phát.

Moody’s ngày 03/4 dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, đạt 6,7% trong năm 2018, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân 3,6% của các nền kinh tế được Moody's định mức tín nhiệm ngưỡng B, do kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi tiêu dùng nội địa và đầu tư tăng trưởng mạnh.

quý I/2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản tăng 4,05% - mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, nông nghiệp đạt 143,86 nghìn tỷ đồng, tăng 3,92%; lâm nghiệp đạt hơn 7.065 tỷ đồng, tăng 5,15%; thủy sản đạt 38.569,9 tỷ đồng, tăng 4,96%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2018 đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 21,4% mục tiêu năm 2018. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 03/4)

Sản xuất công nghiệp

Sản lượng điện sản xuất tháng 3 đạt khoảng 17.190 triệu kWh, tăng 8,4% so với tháng 2. Tính chung quý I/2018, sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 46.286,5 triệu kWh, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng 9,4% của năm 2017.

Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2018 đạt khoảng 14.190 triệu kWh, tăng 10,7% so với tháng 2. Trong quý I/2018, đạt khoảng 42.306,9 triệu kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017, do điện thương phẩm cung cấp cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 25,6%; thương nghiệp, khách sạn tăng 15,14%.

Dự báo quý II/2018, điện sản xuất và mua đạt 54.394 triệu kWh, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm 2017, do nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao vì là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất để trả các đơn hàng, đồng thời cũng là đầu mùa hè.

(Theo Bộ Công Thương ngày 02/4)

Nhà máyThủy điện ĐaKrông 1 (Quảng Trị) đã được khánh thành ngày 05/4/2018. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 01/2009, trên diện tích hơn 18 ha, công suất thiết kế 12MW, với tổng mức đầu tư gần 378 tỷ đồng, gồm có các hạng mục chính:

Hồ chứa có diện tích 0,13km2, dung tích 0,629 triệu m3; đáy lớn rộng 19,5m và cao 22m… Nhà máy được nghiệm thu ngày 31/12/2017, dự kiến sản xuất lượng điện khoảng 45,8 triệu kWh/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 8 tỷ đồng. (Theo TTXVN ngày 05/4)

PMI

PMI của Việt Nam tháng 3/2017 đã giảm từ 53,5 điểm trong tháng 2 (mức cao nhất 10 tháng) xuống 51,6 điểm, làm cho Việt Nam giảm xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng ngành sản xuất ASEAN, do sản lượng và số đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn.

Tuy vậy, các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục cải thiện vào cuối quý I/2018, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại nên giá cả đầu ra cũng tăng chậm hơn trong tháng 3. (Theo báo cáo PMI của Nikkei ngày 02/4)

Doanh nghiệp

Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 6,34 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; sản xuất điện đạt 5,72 tỷ kWh, vượt 8,1% kế hoạch, sản xuất đạm đạt 431,2 nghìn tấn, vượt 9,3% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 1,69 triệu tấn, vượt 5,7% kế hoạch.

Tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 136,3 nghìn tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 23,8 nghìn tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch đề ra. (Theo PVN ngày 03/4)

Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng HSBC cho thấy, 90% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh quốc tế và kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng trong 12 năm tới, cao hơn đáng kể so với mức trung bình trên thế giới là (77%).

Các nhân tố chính tác động đến sự lạc quan này bao gồm: (i) Nhu cầu của người tiêu dùng tăng (40%), điều kiện kinh tế thuận lợi (42%), chi phí vận chuyển, hậu cần và kho bãi giảm. Về kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, 88% doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu cho tài trợ thương mại tăng và 86% kỳ vọng khả năng tiếp cận nguồn vốn tăng. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 05/4)

Công ty thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản Itochu đã chi khoảng 5 tỷ JPY (46,9 triệu USD) để nâng cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từ 5% lên 15%, trở thành cổ đông lớn thứ hai và hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu dệt may của châu Âu do chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc.

Itochu xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam trị giá trên 60 tỷ JPY/năm (12.840 tỷ đồng), trong đó một nửa do Vinatex sản xuất. Trong 3 năm qua, Vinatex đã đầu tư gần 200 triệu USD để bổ sung cơ sở vật chất sản xuất sợi và vải sợi, mục tiêu tăng sản xuất gia công và xuất khẩu lên 100 tỷ JPY vào năm 2021. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 03/4)

Tổng cầu


Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong quý I/2018 đạt 331.200 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 32,2% GDP. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 104.600 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 138.800 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 87.800 tỷ đồng, tăng tương ứng 4,4%, 4,4% và 8,1% so với cùng kỳ.

Để đạt được những kết quả này, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm đối với nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/3)

Xuất - nhập khẩu

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng, Hàn Quốc tăng cường thắt chặt quan hệ thương mại với Việt Nam khi Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các công ty Hàn Quốc vào năm 2020. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng khoảng 50%.

Nếu tính trong 3 năm trở lại đây đã tăng hơn 200%. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với số vốn đầu tư trực tiếp đạt 7,4 tỷ USD (11 tháng năm 2017). Năm 2017, Hàn Quốc đã vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. (Theo Bloomberg ngày 02/4)

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may quý I/2018 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ tay nghề của công nhân ngày một nâng cao; năng suất được cải thiện, chất lượng hàng hóa cao hơn và uy tín của doanh nghiệp với các đối tác mua hàng khá tốt.

Đây là khởi đầu tốt giúp dệt may Việt Nam thực hiện mục tiêu 35 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018. Mỗi năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu trên 3 tỷ USD sợi, gần 1 tỷ USD vải, 400 triệu USD phụ liệu may. (Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam ngày 05/4)

Tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép 2 tháng đầu năm 2018 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giầy dép, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong nhóm 10 nước xuất khẩu giầy dép lớn nhất thế giới.

Năm 2017, Việt Nam có 863 doanh nghiệp xuất khẩu giầy dép, tăng 15% so với năm 2016, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với tổng kim ngạch 5.113,1 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016; Trung Quốc đứng thứ hai với 1.140,6 triệu USD, tăng 26%; tiếp theo là Bỉ với 907,5 triệu USD, tăng 10%... (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/4)

Trong tháng 3/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 800 triệu USD xăng dầu các loại, đưa kim ngạch nhập khẩu xăng dầu quý I/2018 đạt hơn 2,1 tỷ USD, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn, tăng 20,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường cung cấp lượng xăng dầu lớn cho Việt Nam gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… (Theo Bộ Công Thương ngày 05/4)

Từ đầu năm 2018 đến ngày 15/3/2018, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3 triệu tấn than, với trị giá 384 triệu USD. Trong năm 2017,Việt Nam nhập khẩu 14,5 triệu tấn than đá, trị giá khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 9,8% về khối lượng và 58,4% về giá trị so với năm 2016. Giá nhập khẩu than bình quân năm 2017 là 105 USD/tấn, tăng 44,2% so với năm 2016.

Ba thị trường nhập khẩu than lớn của Việt Nam là Indonesia, Australia và Nga, chiếm 83% (tương đương 12 triệu tấn) tổng lượng nhập khẩu than của cả nước trong năm 2017. Trong khi đó, lượng than xuất khẩu chỉ bằng một phần nhỏ so với nhập khẩu, đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 79% về lượng và 107% về trị giá so với năm 2016. (Theo Bộ Công Thương ngày 04/4)

Indonesia vừa mở thầu mua tổng số 500.000 tấn gạo, Việt Nam trúng thầu 300.000 tấn. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Indonesia đã nhập khẩu từ Việt Nam trên 440.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo 15% tấm, thời gian giao hàng từ tháng 5 - 7/2018. (Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA ngày 02/4)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng, 2 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 07/4, so với ngày 06/4, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,62 - 36,84 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji và PNJ: 36,70 - 36,77 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 21 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 07/4, tỷ giá trung tâm là 22.477 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 06/4; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 06/4 như sau:

- Vietcombank: 22.765 - 22.835 VND/USD, giảm 15 đồng.

- BIDV: 22.750 - 22.820 VND/USD, giảm 20 đồng.

- Viettinbank: 22.765 - 22.835 VND/USD, giảm 5 đồng.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Thị trường chứng khoán phái sinh quý I/2018 đạt tổng khối lượng giao dịch 1.350.182 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) hơn 146.127,15 tỷ đồng; bình khối lượng giao dịch đạt 22.884 hợp đồng/phiên, tăng 63% so với quý IV/2017 và gấp 2,1 lần so với khối lượng giao dịch bình quân phiên của năm 2017.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở đạt 25.072 tài khoản, gấp 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và bằng 1,27% tổng số tài khoản giao dịch của cả thị trường chứng khoán nói chung; trung bình mỗi ngày có 135 tài khoản mới. (Theo HNX ngày 05/4)

Trong tháng 3/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 2 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO tại Viện Dệt may và Công ty mẹ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và 2 phiên thoái vốn tại Công ty Công nghiệp Hapulico và Công ty Điện cơ Thống nhất.

Khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá đạt hơn 85 triệu cổ phần (gấp gần 2 lần so với tháng 2/2018), khối lượng đặt mua gấp 1,35 lần khối lượng chào bán. Kết quả có 99,7% số cổ phần chào bán thành công, với tổng giá trị 1.314 tỷ đồng (cao hơn 29,7 tỷ đồng so với giá trị ở mức giá khởi điểm). (Theo HNX ngày 02/4)

Trong tháng 3/2018:

- Trên thị trường sơ cấp: HNX đã tổ chức 11 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ và huy động được tổng cộng 11.028 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng 2/2018. Các lô trái phiếu trúng thầu trong tháng 3/2018 đều do Kho bạc Nhà nước phát hành với tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 62,5%. So với tháng 2, lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm 0,08%/năm (kỳ hạn 5 năm), giảm 0,12%/năm (kỳ hạn 15 năm) và giữ nguyên (kỳ hạn 7 năm).

- Trên thị trường thứ cấp: Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường đạt hơn 1 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 122.000 tỷ đồng, tăng 65% về giá trị so với tháng 2. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch mua bán lại đạt hơn 1,42 tỷ trái phiếu, giá trị tương đương 148.800 tỷ đồng, tăng 77,5%.

(Theo HNX ngày 02/4)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 02/4 - 06/4/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,79 điểm (0,57%) lên 1.199,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt246,01 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 7.664,59 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,26 điểm (0,92%) lên 138,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt55,98triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 999,25 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,22 điểm (0,36%) lên 60,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt19,86triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 408 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,52 triệu đơn vị, trị giá 465,08 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng, tổng cộng khối lượng bán ròng 4,25 triệu đơn vị, trị giá 249 tỷ đồng (tuần trước bán ròng hơn 5,33 triệu đơn vị, trị giá 189 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng, với khối lượng 6,46 triệu đơn vị, trị giá 89,91 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 5,84 triệu đơn vị, trị giá 116 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngàu bán ròng, tổng khối lượng bán ròng 2,81 triệu đơn vị, trị giá 126,17 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 39,58 triệu đơn vị, trị giá 730,22 tỷ đồng).

Bất động sản

Hiện phân khúc chung cư trung cấp tiếp tục được các chủ đầu tư chú trọng mở rộng, chiếm khoảng 3/4 nguồn cung chung cư mở bán mới trên thị trường. quý I/2018, đã có 8.800 căn hộ mở bán từ 39 dự án, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017; tuy nhiên, phân khúc trung cấp tiếp tục mở rộng, chiếm ưu thế về nguồn cung chung cư mở bán mới, với giá giao dịch khoảng 800 - 1.500 USD/m2. Doanh số bán hàng đạt khoảng 6.600 căn hộ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Công ty TNHH CBRE Việt Nam ngày 03/4)

Đàm phán - Ký kết

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 đã kết thúc thành công với việc thông qua nhiều văn kiện quan trọng, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022, trong đó có việc thúc đẩy mở rộng hành lang kinh tế.

Bên cạnh đó, khung đầu tư khu vực GMS năm 2022 cũng đã được các nước đồng thuận với danh sách hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD. Ngoài ra, tầm nhìn hợp tác GMS cũng là một nội dung lớn được thông qua nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, thúc đẩy, đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ. (Theo TTXVN ngày 31/3)

Chính sách

Nghị định số 34/2018/NĐ-CP

Ngày 08/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này.

- Các đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả; có khả năng hoàn trả vốn vay; dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ một năm trở lên theo Luật Quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 08/3/2018 và thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013.

Quyết định số 370/QĐ-TTg

Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2018 đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Các đối tượng đáp ứng yêu cầu theo quy định được vay tối thiểu là 15 năm, kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên…

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 03/4/2018.

Nhận định

chuyên gia

Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (03/4):

Sức mạnh nền kinh tế Việt Nam được Moody's đánh giá ở mức “cao (-)” và sức mạnh tài khóa ở mức “vừa phải (-)”, hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (mức B1, triển vọng tích cực) phản ánh các xu hướng tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế, được hỗ trợ bởi sự cạnh tranh ngày càng lớn, sự dịch chuyển nhanh của nền kinh tế khỏi các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp sang chế tạo, hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao trong những lĩnh vực này.

Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh sẽ tiếp tục giúp đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam và củng cố sức tăng trưởng so với các nước có cùng mức tín nhiệm, qua đó hỗ trợ nợ chính phủ ổn định.

Ngân hàng Thế giới (WB, 05/4/2018):

Việt Nam đã đạt được những kết quả lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Trong giai đoạn 2014 - 2016, tỷ lệ nghèo hằng năm đạt 1,85 điểm phần trăm, cao hơn mức giảm mục tiêu trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số (chiếm 72% người nghèo ở Việt Nam) trong giai đoạn này giảm 13 điểm phần trăm, mức cao nhất trong các năm gần đây, tỷ lệ nghèo nói chung giảm xuống dưới 10% vào năm 2016.

70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Nhóm này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.

WB (05/4):

Cả hai hệ thống tiền lương và bảo hiểm xã hội Việt Nam đều có nhiều lỗ hổng. Hệ thống hưu trí của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ già hoá dân số nhanh; cơ cấu, tỷ lệ thanh toán cao hơn mức người lao động đóng; người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sớm, nghỉ hưu sớm và tuổi nghỉ hưu cuối cùng thấp...

Nếu không có cải cách hệ thống hưu trí thì sự mất cân đối thu - chi sẽ tăng lên do số người được hưởng tăng. Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2030 và mức thâm hụt đạt 25 - 30% GDP giai đoạn 2060 - 2070.

Do vậy, WB đề xuất 4 nhóm giải pháp cải cách hệ thống hưu trí: (i) Tỷ lệ điều chỉnh lương hưu sẽ theo chỉ số lạm phát và thấp hơn mức tăng tiền lương; (ii) Độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau và tăng dần tuổi nghỉ hưu; (iii) Giảm tỷ lệ tích lũy và khoảng cách lương hưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân để tạo sự công bằng; (iv) Xem xét lại phương pháp điều chỉnh mức hưởng theo chỉ số lương.