Kinh tế Trung Quốc đang lệ thuộc Mỹ
(Tài chính) Theo Tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam ngày 29/7, việc Trung Quốc nắm giữ 1.271 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ lẫn trái phiếu ngắn hạn, tương đương 10,6% tổng giá trị số trái phiếu của Mỹ khiến nhiều người lầm tưởng Bắc Kinh đang “nắm dao đằng chuôi".Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Để thấy được nghịch lý kinh tế Trung Quốc đang lệ thuộc vào Mỹ dù đang nắm một lượng không nhỏ trái phiếu Mỹ, cần tìm hiểu qua hai lĩnh vực tài chính và thương mại.
Về mặt tài chính, từ Đại hội 18, Trung Quốc nhấn mạnh tái cân bằng cơ chế kinh tế, cụ thể là nâng sức tiêu thụ nội địa và giảm dần sự lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Tuy vậy, khi chưa đạt được mục tiêu này thì Trung Quốc vẫn cố bán hàng nhiều hơn với giá rẻ hơn, đồng thời kích thích xuất khẩu bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng việc mua vào đồng USD và bán ra đồng nhân dân tệ.
Khi mua đồng USD, để tiền khỏi mất giá, thì Trung Quốc lại mua trái phiếu chính phủ - loại tài sản có mức an toàn nhất. Nói cách khác, Bắc Kinh ép doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng rẻ và thu về một lượng dự trữ ngoại tệ hiện đã lên tới 4.000 tỷ USD, rồi đem cho Mỹ vay vì đó là nơi an toàn nhất.
Là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, liệu Trung Quốc có bất ngờ tẩy chay thị trường trái phiếu Mỹ, tức là không cho Mỹ vay tiền nữa? Chắc chắn là không! Thị trường trái phiếu Mỹ có ưu điểm là sâu rộng và an toàn hơn hẳn mọi thị trường khác trên thế giới. Sâu rộng vì nó lớn hơn tổng thị trường của năm nước lớn nhất sau Mỹ; an toàn vì nó có tính thanh khoản cao, tức là khi cần rút ra để lấy về tiền mặt thì rất nhanh và dễ dàng.
Khách hàng có thể lựa chọn cất giữ tài sản dưới dạng đồng euro, đồng yên, đồng bảng hay đồng franc Thụy Sĩ, cũng là những đồng tiền mạnh, nhưng những đồng tiền này có thị trường hẹp hơn nhiều so với đồng USD, do vậy chỉ cần rút 100 tỷ đơn vị tiền là có thể gây chấn động thị trường tiền tệ và có khi bị lỗ nặng. Điều này giải thích tại sao Trung Quốc không ưa gì Mỹ nhưng lại thích mua trái phiếu của nước này.
Về thương mại, các con số thống kê cũng cho thấy Mỹ nhập siêu, tức nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu khi mua bán với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại nhìn thấy nơi đây mối lo của Bắc Kinh khi nền kinh tế Trung Quốc mắc “bệnh nghiện xuất khẩu”.
Vấn đề ở chỗ, Mỹ là đất nước tiêu thụ, mức mua sắm của người dân Mỹ chiếm đến 70% GDP. Thói quen này đã trở thành một nhược điểm của kinh tế Mỹ, song lại là một ưu điểm về mặt xã hội, trong khi người Trung Quốc không có được thế mạnh này do tiêu thụ nội địa kém. Người dân Mỹ chủ yếu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đến 80% là nội địa, chỉ khoảng 12% hàng hóa, dịch vụ là nhập từ bên ngoài (trong đó chỉ khoảng 3% là đến từ Trung Quốc), trong số này nhiều sản phẩm lại do doanh nghiệp Mỹ góp phần làm ra và xuất ngược về Mỹ. Nghĩa là, chỉ 12% thị trường tiêu thụ của Mỹ mà lại là nguồn sống cho nhiều nước trên thế giới.
Ví dụ, một khách hàng bỏ ra 500 USD để mua tại Mỹ một cái iPhone lắp ráp bên Trung Quốc. Để có món hàng “Made in China” này, doanh nghiệp Trung Quốc phải chi 11 USD mua bộ nhớ và xử lí âm thanh của Mỹ; chi 162 USD mua linh kiện xử lí hình ảnh của các nước khác; tổng “đầu vào” là 173 USD, cộng 7 USD công lắp ráp trước khi bán qua Mỹ với giá 180 USD.
Doanh nghiệp Mỹ chi 180 USD để mua một iPhone lắp ráp bên Trung Quốc, cùng một số chi phí khác rồi bán cho người tiêu dùng với giá 500 USD. Cái gọi là “nhập siêu” là như thế.
Sức nặng ngoại thương của Trung Quốc với Mỹ thật ra không lớn như người ta thường nghĩ. Trung Quốc tự hào là “công xưởng của thế giới”, nhưng phải bán hai chục triệu cái áo hay chục triệu đôi giày mới đủ tiền mua một chiếc máy bay Boeing. Mà quần áo, giày dép, hay cả điện thoại thông minh thì nước Mỹ có thể làm ra hoặc mua của nước khác, còn Trung Quốc không có nhiều lựa chọn khi phải mua máy bay.
Với cái danh hão là chủ nợ của Mỹ nhưng thực tế Trung Quốc sẽ rất lo sợ khối tài sản đó mất giá. Kinh tế Mỹ có nội lực riêng nên ít lệ thuộc vào xuất nhập khẩu, tức ít lệ thuộc vào nước khác, còn Trung Quốc lệ thuộc vào xuất khẩu đến gần một nửa. Tóm lại, kinh tế Trung Quốc vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của Mỹ.