Kinh tế Trung Quốc qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch nước

Theo Thời báo Ngân hàng

Tờ Economist vừa có thống kê lại những yếu tố mang tính đối sánh để xem ông Hồ Cẩm Đào có xuất sắc hơn hai người tiền nhiệm trước đó của mình là Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân hay không.

Kinh tế Trung Quốc qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch nước

Khi lên nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố về một nền kinh tế cân bằng hơn nhưng có vẻ ông không thực hiện được khi tỷ lệ tiêu dùng nội địa giảm xuống còn 37% trong tỷ trọng đóng góp vào GDP. Trước đó, thời ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân, con số tương ứng là 50% và 46%.

Ngày 13/11/2012, ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước Trung Quốc đã bước xuống khỏi nấc thang quyền lực khi không còn nắm giữ chức vụ Bí thư đảng cộng sản và Chủ tịch hội đồng quân ủy trung ương nữa.

Kinh tế Trung Quốc qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch nước (1)

Những thành tựu kinh tế trong những năm ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Quốc khiến nhiều nước thèm muốn. Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào có thực sự vượt trội hơn những người tiền nhiệm của mình hay không vẫn là câu hỏi khó.

Tờ Economist vừa có thống kê lại những yếu tố mang tính đối sánh để xem ông Hồ Cẩm Đào có xuất sắc hơn hai người tiền nhiệm trước đó của mình là Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân hay không.

Lãnh đạo ngay trước ông Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân đã dẫn dắt nền kinh tế với mức tăng trưởng trung bình lên tới 9,6%, tương đương với con số thời ông Đặng Tiểu Bình. Ở điểm này ông Hồ Cẩm Đào vượt trội hơn khi đưa nền kinh tế tăng trưởng với mức trung bình khoảng 10,5%. Dù năm nay kinh tế có dấu hiệu chậm lại nhưng mức dự báo 8% vẫn là điều đáng tự hào trong bối cảnh cả thế giới lâm vào khủng hoảng.

Bên cạnh đó, ông Hồ Cẩm Đào cũng giúp người dân nước mình đạt được tăng trưởng thu nhập cao hơn 10% trong nhiệm kỳ của mình. Mức này cao hơn hẳn so với hai người tiền nhiệm trước đó chỉ đạt khoảng 8%.

Nếu xem xét tiêu chí phát triển dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì ông Đặng Tiểu Bình sử dụng công cụ này nhiều hơn so với hai người kế nhiệm. Khối DNNN thời ông Đặng Tiểu Bình tới 70% lao động thành thị, trong khi đó thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào chỉ là 29% và 19%.

Thông thường, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn hay tập trung vào phát triển vùng duyên hải phía đông còn vùng nội địa không được chăm chút bằng. Thời kỳ ông Giang Trạch Dân tại vị, vùng duyên hải chiếm tới 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Sau nhiều đầu tư, vùng nội địa Trung Quốc đã nâng tỷ trọng lên 58,5% trong GDP.

Xét về mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn thì ông Đặng Tiểu Bình làm tốt hơn. Thời đó, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn bằng gần một nửa thu nhập trung bình của người dân thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền lãnh đạo, thu nhập của họ giảm xuống chỉ còn hơn 30% so với thu nhập trung bình của người dân thành thị.

Khi lên nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố về một nền kinh tế cân bằng hơn nhưng có vẻ ông không thực hiện được khi tỷ lệ tiêu dùng nội địa giảm xuống còn 37% trong tỷ trọng đóng góp vào GDP. Trước đó, thời ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân, con số tương ứng là 50% và 46%.

Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đều nhất trí rằng, muốn tiếp tục phát triển, nước này cần dựa vào kinh tế tư nhân và tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải hạn chế tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng quan chức tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình cũng sẽ phải thi hành những chính sách giúp lực lượng người tiêu dùng mới gồm hàng chục triệu người ở khu vực thành thị, bằng cách tạo điều kiện cho người nhập cư sinh sống tốt hơn ở các đô thị.

Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng sẽ không quá vội đưa ra những thay đổi to lớn. Thống đốc ngân hàng trung ương nước này, ông Zhou Xiaochuan, một nhà tài chính có tư tưởng tự do, nói rằng: "Nếu có những cải cách lớn chắc cũng phải chờ đến tháng 10 năm sau là sớm nhất. Tân Tổng bí thư Tập Cận Bình, cho dù có đầu óc cải cách, cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhất trí trong đảng."

Trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí Trung Quốc năm 2000, TBT Tập Cận Bình nói: "Dường như ai cũng muốn làm ngay điều gì đó mới mẻ ngay trong năm đầu tiên. Nhưng cần phải dựa trên nền tảng mà những người đi trước đã xây dựng. Đây là một cuộc chạy tiếp sức. Anh phải nhận được cây gậy, rồi sau đó mới chạy bằng hết sức của bản thân mình". Ông cũng dẫn lời một triết gia cổ của Trung Quốc: "Đừng cố làm việc không thể. Đừng muốn có cái không thể có".