Hiện tượng thao túng kiếm lời, nhập lậu vàng được ngăn chặn và kiềm chế

Theo Thời báo Ngân hàng

Tình trạng nhập lậu vàng đã được ngăn chặn và đẩy lùi, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng như trước đây, không còn hiện tượng “làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ, hiện tượng vàng hóa đã được kiềm chế, vai trò điều tiết của Nhà nước đã được thể hiện rõ.

Hiện tượng thao túng kiếm lời, nhập lậu vàng được ngăn chặn và kiềm chế
Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Nguồn: Internet

Đẩy lùi tình trạng “vàng hóa”

Theo NHNN, mặc dù mới chính thức có hiệu lực thi hành gần một năm nay, nhưng khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đã khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Có thể nói, nếu như trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, mỗi khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có mức chênh lệch từ 400 nghìn đồng trở lên là lập tức có nhập lậu vàng với quy mô lớn, làm cho tỷ giá biến động mạnh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất - nhập khẩu, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, thì kể từ khi có Nghị định 24, mặc dù giá vàng thế giới có biến động mạnh, có những lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5-6 triệu đồng, nhưng tỷ giá, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước vẫn tăng mạnh.

Tình trạng nhập lậu vàng đã được ngăn chặn và đẩy lùi, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng như trước đây, không còn hiện tượng “làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ, hiện tượng vàng hóa đã được kiềm chế, vai trò điều tiết của Nhà nước đã được thể hiện rõ.

Cùng với đó, nhờ NHNN triển khai các giải pháp đồng bộ như xây dựng lộ trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD, giám sát chặt chẽ, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng, toàn bộ hoạt động cho vay vốn bằng vàng đã chấm dứt vào 01/5/2011 và hoạt động huy động vốn bằng vàng đã chấm dứt vào ngày 25/11/2012.

Tính đến ngày 03/5/2013, các TCTD đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn) tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống TCTD, từ đó loại trừ khả năng  đổ vỡ TCTD, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.

Đồng thời, Nghị định 24 với nghiêm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; Nghị định 95 với chế tài xử lý nghiêm các hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, cùng với việc tổ chức tuyên truyền các quy định này dưới nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp thực hiện, đến nay, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Đây là kết quả đáng kể rất đáng khích lệ.

Việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN đã đạt mục tiêu đề ra: đúng pháp luật; phù hợp với thực tiễn; tiết kiệm chi phí cho xã hội, Nhà nước và người dân. Trên cơ sở pháp luật cho phép và nhu cầu thực tế của thị trường, NHNN đã triển khai can thiệp vàng thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng.

Việc lựa chọn hình thức đấu thầu bán vàng miếng là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thông qua đó thị trường được ổn định. NHNN tham gia thị trường với tư cách người mua, bán cuối cùng, để định hướng thị trường.

Hy sinh mục tiêu tình thế

Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.

Mà để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp, và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).

Còn nếu để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc (i) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc (ii) không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện).

Khi đó, trong trường hợp (i): mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối.

Mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

Ở nước ta, trong thời gian gần đây, diễn biến thị trường vàng có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2007-2009: nét đặc trưng của giai đoạn này là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất thấp, nhưng thị trường vàng trong nước bất ổn, thường xuyên có các cơn “sốt” vàng, Chính vì vậy mà năm 2009 Chính phủ đã chính thức cấm và chấm dứt hoạt động của các sàn vàng, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Giai đoạn 2009-2012: giai đoạn này các sàn vàng đã chấm dứt hoạt động, kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài đã bị nghiêm cấm; mỗi năm ta chính thức cho nhập khẩu khoảng 40-60 tấn vàng; nhập lậu vàng cũng khoảng 40-60 tấn.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhìn chung vẫn ở mức thấp nhưng trung bình cao hơn nhiều so với giai đoạn 2007-2009; bất ổn của thị trường vàng và những tác động tiêu cực của nó đối với tỷ giá, chỉ số giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn diễn ra nhưng mức độ thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2007-2009. Giai đoạn 2012-2013: đây là giai đoạn khuôn khổ pháp lý mới đã được xây dựng và có hiệu lực thi hành và những kết quả ban đầu đã đạt được.

Phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Trước đây khi chúng ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400 nghìn đồng trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá, vì mục tiêu bình ổn tỷ giá trước mắt ta phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400 nghìn đồng và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt.

Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh, thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng lại xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc ta phải tiếp tục can thiệp – một chu kỳ mới lại diễn ra.

Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.