Kinh tế Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực cùng với các tín hiệu tốt trong sản xuất, xuất khẩu và thị trường chứng khoán nên Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra những nhận định khá lạc quan về nền kinh tế những tháng cuối năm.

Kinh tế Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực cùng với các tín hiệu tốt trong sản xuất, xuất khẩu và thị trường chứng khoán. Nguồn: internet
Nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm

Nếu như hết quý III/2013, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã lo ngại và cẩn trọng khi đưa ra mức dự báo GDP năm nay sẽ chỉ tăng trong khoảng 5,3% thì đến hết tháng 10/2013, cơ quan này đã tin tưởng hơn vào các chỉ tiêu tăng trưởng. GDP quý IV/2013 dự báo sẽ tăng ở mức 6%. Do vậy, “tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu”- Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia khẳng định.

Theo Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có chuyển biến tích cực trong tháng 10 như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát, vốn đầu tư FDI và chỉ số chứng khoán-chỉ báo sớm của nền kinh tế cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung, dài hạn. Cụ thể: Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn, tính chung 10 tháng, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) đã tăng 5,4%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn khá tích cực, tính đến tháng 10 FDI thu hút đạt trên 19 tỷ USD, tăng 65,6%, vốn FDI thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2013 ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu tháng 10 ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch NK 10 tháng đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Nhập siêu 10 tháng đạt 187 triệu USD- mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất tăng khá cho thấy, triển vọng phục hồi sản xuất trong nước sáng sủa hơn.

Tránh gây tác động lạm phát tâm lý

Mặc dù có được những yếu tố thuận lợi nhưng Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cũng tỏ ra lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cũng như việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức.

Vì thế, cơ quan này cho rằng, cần đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong vòng 2- 3 năm tới nhằm nâng cao năng suất, cải thiện tốc độ tăng trưởng dài hạn.

Riêng trong quý IV/2013, phân tích yếu tố chu kỳ cho thấy đây là quý có mức tăng cao nhất trong năm, tuy nhiên sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas.

Dự báo lạm phát bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng 0,6-0,8%, nếu không có điều chỉnh đột biến về giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Lạm phát cả năm 2013 được Ủy ban giám sát dự báo vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7%.

Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đã đưa ra một số kiến nghị về chính sách điều hành trong thời gian tới: Cần có giải pháp chung từ tổng vốn đầu tư xã hội ở mức cần thiết (30-32% GDP), bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý, nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý.