Kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối năm khẳng định: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 đã và đang có những dấu hiệu chuyển biến hết sức tích cực. Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2015.

 Kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Nguồn: internet

Cơ sở của khẳng định này dựa trên kết quả 9 tháng đầu năm và ước thực hiện các tháng cuối năm, khi các chỉ số như lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ước đạt 5,8%

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khi quý sau cao hơn quý trước, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Sản xuất công nghiệp tăng 6,7%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Khu vực dịch vụ tăng gần 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% (loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 6,2%).

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12-14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 11,6%, chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu. Ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11%.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ và ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh tới những kết quả quản lý nền kinh tế thị trường với giá cả một số mặt hàng thiết yếu như sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm đến 34%, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25-30%, tiếp tục thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, điện, than, nước sạch, các dịch vụ giáo dục, y tế... đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số điểm còn tồn tại của nền kinh tế vĩ mô như một số cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu và tăng trưởng tín dụng còn chậm... Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng.

Một điểm nổi bật của kết quả kinh tế-xã hội thời gian qua là trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí tăng nguồn lực từ Ngân sách Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các chương trình giảm nghèo bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Năm 2015 với những mục tiêu cao hơn

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu của năm 2015 sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

Về kinh tế, phấn đấu tăng GDP khoảng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%, Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 82%; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 85%; Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 82%.

Để đạt mục tiêu nói trên, Chính phủ xác định 9 nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết về kinh tế, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và vận hành hiệu quả các loại thị trường.

Về phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tập trung đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các chương trình quốc gia và đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông.