Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào

Nguyễn Viết Tôn (Báo Mới)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là một trong những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào là thành quả cách mạng và tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các lực lượng vũ trang và nhân dân mặt trận Đường 9 cùng sự phối hợp chiến đấu của quân và dân nước bạn Lào. Nó có tầm vóc, ý nghĩa to lớn và đi vào lịch sử như một minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Đường 9 - Nam Lào trong hồi ức cựu chiến binh

Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Bởi đây là nơi đầu cầu giới tuyến, có Đường 9 đi sang nước bạn Lào, tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh đi qua. Nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược, hủy diệt cơ sở hậu cần và làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào Đường 9 - Nam Lào.

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào  - Ảnh 1

Đại tá Hoàng Xiển

Mái đầu đã bạc theo thời gian, nhưng những ký ức của một thời khói lửa hào hùng chiến đấu trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào vẫn còn in sâu trong ký ức của Đại tá Hoàng Xiển. Ông nguyên là cán bộ Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559, cán bộ Ban liên lạc chuyên gia tình nguyện giúp cách mạng Lào, kể lại: Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, các quân, binh chủng, đơn vị chủ lực, Đoàn 559 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trên địa bàn chiến dịch khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị các mặt. Cơ động lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến, đảm bảo hậu cần - kỹ thuật, thông tin liên lạc, mở đường... Toát lên từ những hoạt động chuẩn bị đó là không khí sôi sục, quyết tâm cao độ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các địa phương Việt Nam - Lào, vì sự toàn thắng của chiến dịch.

“Trong chiến dịch, tình quân dân và quân đội hai nước Việt Nam - Lào thật gắn bó. Chúng tôi thấy quân và dân Lào, đặc biệt là du kích và bộ đội địa phương của nước bạn Lào ở Sê Pôn, Mường Phìn giúp ta nhiệt tình, dẫn đường cho bộ đội, cấp cứu thương binh, gùi cõng đạn, gạo tiếp tế cho bộ đội ta. Nhiều du kích, bộ đội Lào với anh em quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh tôi không sao quên được” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Chót rưng rưng kể lại. Nay đã qua tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng với Đại tá Hoàng Xiển hay Thiếu tướng Nguyễn Văn Chót thì chiến thắng Đường 9 - Nam Lào còn mới như vừa xảy ra. Là những nhân chứng, hôm nay các ông may mắn được gặp lại những bạn chiến đấu năm xưa trên đất nước Lào, ai cũng thật xúc động.

40 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng lịch sử Đường 9 - Nam Lào 1971 mãi đi vào lịch sử như một minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Mối quan hệ đặc biệt này do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh gian khổ vì độc lập tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới đưa hai nước cùng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Những dân quân du kích Việt - Lào

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào  - Ảnh 2

Bà Xỉ Nhon

Đã 73 tuổi nhưng bà Xỉ Nhon, nữ du kích bản Sê Pôn, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa Vẳn Na Khệt (CHDCND Lào) vẫn còn khỏe lắm. Trong bộ váy áo của các bộ tộc Lào hoa văn sặc sỡ, bà Nhon là khách mời của cuộc hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử” tại Quảng Trị vừa qua khiến nhiều phóng viên báo chí có mặt chú ý. Không nói được tiếng Việt, nên bà Nhon rất e dè khi gặp người lạ. Nhờ cô phiên dịch dịch từ tiếng Lào ra tiếng Việt, tôi mới biết, chính bà là nữ dân quân du kích đầu tiên ở Sê Pôn bắn rơi máy bay địch trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào.

Bà Nhon kể lại: “Đó là một buổi chiều tối mà tôi không nhớ nó là ngày nào. Đội dân quân du kích bản Sê Pôn với 12 người thì 11 người đã rút về căn cứ, khi ấy trời bắt đầu dần tối. Tôi đang đứng trên đỉnh núi Ta Pang quan sát trận địa thì phát hiện một chiếc máy bay tầm thấp đang tiến vào Sê Pôn. Chờ nó bay tới gần, tôi giương súng K44 và nhả đạn. “Cục sắt” chao liệng mấy vòng và bổ nhào bốc cháy”. Ghi nhận những thành tích của bà Nhon, Đảng và Nhà nước, quân đội Lào đã tặng bà Huân chương Dũng cảm hạng Nhất và là tấm gương để đội nữ du kích tóc dài các bộ tộc Lào noi gương học tập. Nay tuy tuổi đã cao, nhưng bà vẫn còn minh mẫn cùng con cháu chăm sóc 4 sào ruộng vui thú tuổi già ở bản Sê Pôn.

Khác với bà Nhon, già làng Hồ Mun, 84 tuổi, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến mọi người xúc động khi nghe già kể về những năm tháng hào hùng gùi lương, tải đạn tham gia chiến dịch. Già làng Hồ Mun chậm rãi kể: “Chuyện gùi đạn dược, tham gia chiến đấu trên tuyến Đường 9 – Nam Lào dù đã qua 40 năm nhưng già làm sao quên được. Đó là niềm vinh dự, là kỷ niệm thiêng liêng của một đời người được tham gia vào chiến dịch lịch sử này”. Vào thời điểm này, Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh phá rất ác liệt. Hơn hai tháng trời bám trụ giữa rừng, đội gùi đạn dược của già làng Mun và bộ đội đã làm việc, chiến đấu với kẻ thù không mệt mỏi.

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào  - Ảnh 3

Cầu Sa-ky trên Đường 9, tỉnh Xavanakhét - nơi đã chứng kiến nhiều trận đánh

Nói về thành tích của bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích…, Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4, cho biết: Song song với chiến thắng liên tiếp của lực lượng chủ lực cơ động, lực lượng tại chỗ đã tích cực hoạt động tiêu hao, tiêu diệt địch. Thi đua với tiền tuyến, ở hậu phương, các lực lượng vũ trang Quân khu 4 thường xuyên cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc địa bàn, bảo vệ các tuyến đường hành lang vận chuyển

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, những dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các chiến sĩ gùi thồ của Việt Nam – Lào tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng cùng lực lượng bộ đội chủ lực cơ động, bộ đội địa phương làm nên chiến thắng. 

Bộ đội Lào trong chiến dịch

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào  - Ảnh 4

Quân giải phóng mặt trận Đường

Đặc biệt, từ ngày 4 - 17/2/1971, địch sử dụng 3 tiểu đoàn ngụy Lào tiến công rất mạnh nhằm chiếm mường Pha Lan. Trên hướng này, địch đã bị Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 18 Quân khu Nam Lào và các lực lượng tại chỗ cùng quân tình nguyện Việt Nam đánh trả quyết liệt, địch bị thiệt hại nặng và bị giam chân tại chỗ. Hình ảnh sống động về tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ luôn khắc sâu mãi mãi trong trái tim, trong trí nhớ, trong tâm khảm của mỗi người chúng ta.

Điều đó cũng chứng tỏ quân đội hai nước có đủ khả năng để bảo vệ giữ vững được địa bàn chiến lược quân sự.