Kỳ vọng… nới “room”

TUẤN SƠN

(Tài chính) Kỳ vọng về dòng vốn ngoại mới đến với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở nên khả thi hơn khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định trình Chính phủ về việc nới “room” cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Kỳ vọng… nới “room”
Cơ hội khối ngoại đầu tư thêm vốn vào ngân hàng thương mại Việt Nam là rất lớn. Nguồn: Internet
S gi nhp ca khi ngoi

Dù không còn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng như những năm 2006 - 2007 nhưng vốn ngoại vẫn có vị trí quan trọng đối với TTCK Việt Nam (“nôm na” như các NĐT gọi là khối ngoại vẫn có tiếng nói trọng lượng trên thị trường, kể cả những thời điểm khó khăn nhất). Do phần lớn NĐT nước ngoài tập trung chủ yếu ở các tổ chức chuyên nghiệp nên động thái mua bán của nhóm này cũng có tác động nhất định đến tâm lý và xu hướng giao dịch đối với NĐT trong nước.

Điều này thể hiện rõ qua việc TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm mạnh mẽ tới 28% kể từ đầu năm đến nay có vai trò dẫn dắt của khối ngoại. Không chỉ giữ nhịp cho chu kỳ tăng bền bỉ này, mỗi khi TTCK điều chỉnh là lực mua của khối ngoại lại mạnh lên. Đơn cử như chỉ riêng trong tháng 5/2013, khi TTCK về mốc điểm xung quanh 480, khối ngoại đã mua ròng tới 1.355 tỷ đồng, giúp VN - Index phục hồi, chinh phục và trụ vững ở mốc trên 500 điểm. Tính cả 5 tháng đầu năm 2013, khối ngoại đã mua ròng 5.892 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ thời điểm kinh tế thế giới suy thoái.

Tại các doanh nghiệp (DN) lớn có tiềm lực kinh doanh tốt, bất chấp những thời điểm khó khăn nhất với thị trường (như năm 2011, 2012), “room” dành cho các NĐT nước ngoài luôn kín. Có thể kể ra những tên tuổi đang niêm yết, từ lâu đã kín “room” nước ngoài đó là Tập đoàn FPT, Dược Hậu Giang, Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Imexpharm, Vinamilk, Dược phẩm Domesco, Cơ điện lạnh REE, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Ngân hàng Á Châu, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận…

Tại những DN này, cứ mỗi khi một NĐT nước ngoài nào đó thoái vốn, lập tức sẽ có ngay một tổ chức khác thế chân. Điều đó cho thấy ở một khía cạnh nào đó, TTCK Việt Nam vẫn duy trì được niềm tin dài hạn với các NĐT nước ngoài.

Ni room - Thi đim kh thi

Tại một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí đầu tháng 6/2013, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã khẳng định, trong tháng 7/2013, cơ quan này sẽ trình Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ nâng “room” cho NĐT nước ngoài với các DN niêm yết trên thị trường. Hiện tại, “room” của khối ngoại tại TTCK Việt Nam là 49% (trừ DN tài chính, bảo hiểm, ngân hàng). Dự kiến, nếu đề xuất tăng được thông qua, thì tỷ lệ sở hữu tối đa của các NĐT nước ngoài sẽ được nâng lên trên mức này.

Không ít NĐT chuyên nghiệp nước ngoài không muốn nguồn vốn “rất quốc tế” của mình lại phó mặc cho người điều hành và quản lý “rất Việt Nam”, bởi giới hạn sở hữu chỉ tối đa 20% mỗi NĐT và 30% tổng thể tại các ngân hàng như hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Hưởng
Phó Chủ tịch HĐQT
LienVietPost Bank

Theo TS. Vũ Bằng, thực tế trong mấy năm trước, đã có những đề xuất mở “room” nêu ra nhưng có nhiều ý kiến cũng cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp.

Về phía cơ quan quản lý, UBCKNN đã có những cuộc bàn thảo chính thức và nhận thấy đây là lúc rất cần những cải cách mạnh mẽ nhằm thu hút thêm nguồn vốn ngoại tham gia vào phát triển nền kinh tế Việt Nam. UBCKNN đã tham vấn cho các cơ quan hữu quan đề xuất nâng “room” cho khối ngoại bao gồm việc cho phép các NĐT nước ngoài mua cổ phần không có quyền tham gia biểu quyết để tăng tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại có thể được tăng theo từng nhóm ngành nhất định.

Cụ thể, tại dự thảo Quyết định mở “room” cho NĐT nước ngoài, có thể tóm gọn lại vào 3 vấn đề: Thứ nhất, cho phép công ty đại chúng được phát hành thêm 10% số cổ phần không có quyền biểu quyết cho khối ngoại; Thứ hai, cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tới 100% vốn tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Thứ ba, đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại từ mức giới hạn 49% hiện nay lên mức 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại một số công ty niêm yết quy mô lớn, không thuộc ngành nghề cần hạn chế. Phần tăng thêm này được dự kiến bán cho NĐT tổ chức nước ngoài.

Cùng với đề xuất trên, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa trình Chính phủ ký ban hành nghị định thay thế quy định về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam. Một nội dung trình bổ sung đáng chú ý là trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.

Nhiều tín hiệu cho thấy, Chính phủ đang xem xét cho phép nới mức trần tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại Việt Nam cho mỗi NĐT chiến lược nước ngoài lên trên 20% và tổng hạn mức dành cho khối ngoại lên 49%, áp dụng với một số tổ chức tín dụng.

Mặc dù vấn đề này không mới nhưng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc và giải quyết nợ xấu thì cơ hội khối ngoại đầu tư thêm vốn vào ngân hàng thương mại Việt Nam là rất lớn, nếu Chính phủ mở “room” cho NĐT nước ngoài.

Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Dragon Capital thì kỳ vọng đang ở mức cao và các NĐT nước ngoài đang bám sát các động thái nói trên. “Chúng tôi cần biết đích xác điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn thị trường sẽ có cơ hội được hưởng những hiệu ứng tích cực” - ông Dominic Scriven nhận xét.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để quyết định việc nới “room”, kể cả với các ngân hàng thương mại. TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) cho rằng, với các tổ chức tín dụng yếu kém, Chính phủ nên mạnh dạn cho phép “room” của các NĐT nước ngoài lên tới 100%. Điều này có nghĩa là khối ngoại được phép mua lại các ngân hàng thương mại cổ phần đang gặp khó khăn lớn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tận dụng được nguồn ngoại lực tái cơ cấu hiệu quả khu vực quan trọng này…

Với xu hướng phục hồi rõ hơn, TTCK Việt Nam cho thấy vẫn nằm trong nhóm thị trường hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài. Cùng với các yếu tố vĩ mô đang phát đi tín hiệu tích cực và những cam kết cải cách của Chính phủ, cụ thể là việc sẽ xem xét nới “room” trong một ngày gần đây, kỳ vọng vốn ngoại sẽ chảy mạnh hơn vào TTCK Việt Nam là điều không quá xa vời.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2013