Lãi đột biến, cơ hội cho "đội lái" đánh lên
(Tài chính) Các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh khá ấn tượng với những con số lợi nhuận vượt xa kế hoạch năm. Có những DN bán cổ phần công ty con, hoặc thanh lý tài sản, nhiều DN khác chuyển hướng đầu tư tài chính lên lãi lớn, còn hoạt động cốt lõi thì lại bị bỏ quên.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu của các DN được quan tâm đầu tư nhiều nhất hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ được xem là một tiêu chí đầu tư xác đáng cho cả nhà đầu tư (NĐT) ngắn hay trung dài hạn.
Như một lẽ tự nhiên, lúc nào cũng xuất hiện những “con sóng” đầu tư vào nhóm cổ phiếu được đồn đoán có doanh thu/lợi nhuận tăng trưởng được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Dầu khí thắng lớn
Năm 2014, với sự hậu thuẫn tốt từ vĩ mô, bức tranh kết quả kinh doanh của DN dường như đã khởi sắc hơn nhiều so với trước. Danh sách vượt kế hoạch năm liên tục tăng dần lên, kéo theo giá cổ phiếu tăng đáng kể. Một số DN còn tung tin ra thị trường để NĐT chạy đua mua vào đẩy giá tăng cao nhờ những “tin bên lề” nhưng khi tin công bố chính thức thì bị xả ồ ạt mà không biết tại sao.
Trong năm nay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có mức tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt như PVC vừa báo cáo lãi 9 tháng sau thuế 252 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ, vượt 80% kế hoạch năm.
GAS thì lãi ròng 9 tháng cũng đạt hơn 9.300 tỷ, giảm 8% so với cùng kỳ song vẫn vượt 11% kế hoạch năm. PVD có khoản lãi lớn hơn 1.920 tỷ, vượt 22% kế hoạch sau 9 tháng. Còn PVS đạt gần 1.185 tỷ, tăng 8% cùng kỳ năm trước và vượt 43% kế hoạch năm…
Nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng mạnh, kéo thị trường đi lên suốt thời gian vừa qua. Các nhóm ngành khác cũng vượt kế hoạch năm nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi như Hòa Phát, SSI, CSM…
Trong danh sách các công ty có lợi nhuận tăng trưởng vượt trội và vượt kế hoạch năm vẫn có nhiều công ty lãi lớn nhờ thanh lý tài sản, bán tàu, thoái vốn tại công ty con… mà không nhờ hoạt động kinh doanh chính.
Đứng đầu trong nhóm này là các DN vận tải thủy lãi đột biến nhờ bán tàu, như PVT. Trong 9 tháng lãi ròng gần 240 tỷ, tăng 35% cùng kỳ năm trước, gấp đôi kế hoạch lợi nhuận nhờ thanh lý tàu PVT Kamari; VOS thanh lý tàu Silver Star, VHC lãi ròng gấp 4 cùng kỳ nhờ bán Vĩnh Hoàn 1.
HTL Trường Long 9 tháng vượt 33% kế hoạch năm nhờ doanh số bán hàng vượt trội cùng với việc ghi nhận khoản tiền thưởng xấp xỉ 3,7 tỷ đồng của công ty LD Hino Motor VN, VIPCO thu về 150 tỷ đồng nhờ bán tài sản trên đất thuê tại cảng Đình Vũ.
Các DN nhiệt điện lãi lớn nhờ tỷ giá như PPC, NT2, BTP… Hoàng Anh Gia Lai riêng quý III lãi 971 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu tài chính 925 tỷ (gấp 3 lần cùng kỳ 2013), do chuyển nhượng một phần quyền sở hữu tại 3 công ty con là Công ty CP Phát triển nhà Hoàng Anh, Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar và Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai - Bangkok và bán Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Đăk Bia.
Cơ hội lũng đoạn cổ phiếu
Sau thông tin một số DN thông báo lãi lớn so với cùng kỳ, nhìn vào con số tăng đột biến nhờ đầu tư tài chính thì giá cổ phiếu tăng cao. Nếu NĐT chỉ nhìn vào bức tranh lợi nhuận sau thuế thì đã bị bóp méo đáng kể.
Thông tin lãi đột biến là “mảnh đất vàng” cho đội lái hoạt động. Các thông tin rò rỉ về kết quả kinh doanh đột biến có thể kéo cổ phiếu tăng trần 1 - 2 phiên, thậm chí hàng chục phiên liên tiếp.
Sau khi các NĐT cá nhân nhận được thông tin chính thức về “tin tốt” mua vào thì đấy là lúc đội lái đã kéo cổ phiếu lên cao trào và “tin ra là bán”. Thực tế các thông tin này đã được rò rỉ ở một ngõ ngách nào đó và khi thông tin đến được với NĐT cá nhân là lúc đội lái xả hàng.
Giai đoạn này, thị trường cũng xuất hiện một số cổ phiếu tăng trần với dư mua hàng triệu cổ phiếu. Nhiều NĐT bán tín bán nghi về việc DN này có thông tin tốt rò rỉ để mua theo nhưng thực tế khi công bố kết quả kinh doanh thì lãi rất bèo bọt nhưng khi NĐT nhận ra thì đã "ôm quả đắng".
Một công ty tăng trưởng tốt phải dựa vào kết quả kinh doanh cốt lõi, còn với các DN lãi đột biến nhờ hoạt động khác, đà tăng giá chỉ trong ngắn hạn. Ai biết được khi nào giá cổ phiếu đã trở nên quá đắt so với thông tin được đưa ra, do đó, NĐT cần tỉnh táo và phân tích kỹ lưỡng trước khi bỏ tiền mua một cổ phiếu đã “nằm sẵn” trong danh mục của các đội lái.
NĐT cần cẩn trọng xem xét kỹ khi ra quyết định đầu tư vào những DN có lãi ròng thay vì thu được từ mảng hoạt động chính lại chủ yếu đến từ hoạt động tài chính hay bán tài sản.
Còn đối với DN có lợi nhuận cao nhờ biến động tỷ giá hay chuyển nhượng vốn công ty con thì chỉ mang tính ngắn hạn mà thôi. Chưa kể đến trường hợp DN tìm đến con đường bán tài sản để xoay dòng tiền cho hoạt động kinh doanh chính đang trên đà gặp khó. Cho nên lợi nhuận của DN đến từ hoạt động kinh doanh chính như lượng sản xuất, tiêu thụ tăng lên, chi phí bán hàng giảm, kết quả đó mới bền vững.