Lãi suất giảm, dân vẫn “thích” gửi tiền

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Mặc dù lãi suất đã qua nhiều đợt giảm khá mạnh, tuy nhiên nguồn tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng không có nhiều thay đổi, thậm chí tổng huy động vốn của nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng tốt.

Lãi suất giảm, dân vẫn “thích” gửi tiền
Lựa chọn phổ biến nhất của người có tiền vẫn là mang gửi tiết kiệm. Nguồn: internet

Sau 1 tháng hạ trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng lớn như VietcomBank, VietinBank tiếp tục cắt giảm thêm đợt nữa.

Nhiều dự báo cho rằng lãi suất huy động sẽ còn giảm thêm vì CPI có khả năng đạt mức thấp kỷ lục trong năm nay. Dù vậy, dòng tiền vẫn chảy vào tiết kiệm và huy động vốn của nhiều ngân hàng đang tăng trưởng tốt.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiên phong trong các đợt hạ lãi suất huy động. Sau đợt hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn về 5,5%/năm của NHNN từ cuối tháng 10/2014, Vietcombank đã có đợt cắt giảm thứ hai.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiền kỳ hạn 1 tháng đã giảm thêm 0,5% xuống còn 4%/năm, và giảm 0,1% xuống còn 4,5%/năm kỳ hạn 2 tháng và 4,9%/năm kỳ hạn 3 tháng. Mức này đã xuống khá thấp so với trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Không riêng Vietcombank, "ông lớn" khác là ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng bắt đầu cắt giảm lãi suất tiền gửi thêm đợt nữa. Kể từ ngày 27/11, VietinBank cắt giảm 0,3% lãi suất huy động VND kỳ hạn 9 tháng xuống 5,5%/năm, đồng thời các mức lãi suất huy động VND đối với khách hàng cá nhân có kỳ hạn dưới 36 tháng cao nhất chỉ là 6%/năm.

Quan sát diễn biến của các đợt cắt giảm lần trước cho thấy các ngân hàng nhỏ cũng sẽ tiến hành giảm theo các ngân hàng lớn. Hiện tại, lãi suất huy động bình quân VND đang là 6,15%/năm, tức giảm 0,19% so với lãi suất huy động bình quân 6,34%/năm hồi tháng 10.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Phụ trách Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), cho rằng lãi suất tiền gửi ngắn hạn bình quân hiện đã giảm xuống dưới 5%/năm, xuống dưới mức đáy đã từng được dự báo, lý do tự nhiên nhất là do CPI sụt giảm mạnh.

Việc này mở ra cơ hội cho các ngân hàng đẩy lãi suất ngắn hạn xuống thấp hơn mặc dù các đợt giảm nhẹ đã xảy ra với hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn có thể sẽ chạm đáy vào khoảng 4,5%/năm, có khả năng cho một đợt giảm 0,4% nữa ở các kỳ hạn dưới 1 tháng.

Trong khoảng vài tháng tới, các kỳ hạn tiền gửi dài hơn cũng có thể bị cắt giảm trong khoảng 0,2-0,3%. Trong khi đó lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp bình quân hiện vào khoảng 10,23%/năm, đã giảm khoảng 0,57% kể từ cuối quý II và có khả năng giảm thêm khoảng 0,2-0,25% trong vài tháng tới.

Theo tổng cục thống kê, CPI tháng 11 đã giảm 0,27% so với tháng trước, CPI cả nước 11 tháng qua chỉ mới tăng 2,08%, đây là mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Một số dự báo còn cho rằng, CPI tháng 12 sẽ tiếp tục sụt giảm nhẹ, nên lạm phát cả năm 2014 có thể dưới 2%. Nếu điều này xảy ra thì lãi suất huy động có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trong bối cảnh lãi suất huy động ngân hàng đang có xu hướng giảm, trước câu hỏi nên gửi tiền tiết kiệm hay mua bất động sản để giữ tiền, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng gửi tiết kiệm có thanh khoản cao, lãi suất thực dương (lãi suất tiền gửi tiết kiệm lớn hơn lạm phát) dù không lớn và không bị áp lực vì có bao nhiêu gửi bấy nhiêu, còn nếu mua bất động sản thì mọi thứ lại ngược lại.

Trong điều kiện hiện nay thì bản thân ông sẽ chọn gửi tiền tiết kiệm trong ngắn hạn, nhưng sẽ luôn có ý đồ mua bất động sản tại một thời điểm thuận lợi nào đó.

Cũng theo TS. Lê Thẩm Dương, lạm phát đã nằm trong tầm kiểm soát và sự ổn định của lạm phát là một yếu tố để dự báo lãi suất, do đó nếu xét thêm nhiều yếu tố khác thì tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương.

Cùng quan điểm với TS. Dương, một chuyên gia tài chính cho biết hiện nay nhà đầu tư không có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn. Thị trường chứng khoán trong năm qua tăng trưởng mạnh tuy nhiên đây cũng là một kênh không dễ dàng cho tất cả mọi người vì rủi ro.

Kênh đầu tư quen thuộc trước đây là vàng và ngoại tệ thì đã "nguội lạnh" và không có nhiều cơ hội do vàng liên tục sụt giảm, tỷ giá ít biến động. Đối với bất động sản lại không dễ lướt sóng, còn mua tích trữ thì không hẳn là một sự lựa chọn khôn ngoan. Do đó lựa chọn phổ biến nhất của người có tiền vẫn là mang gửi tiết kiệm.

Trên thực tế, trong các đợt giảm lãi suất trước đây thì nguồn tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng không có nhiều thay đổi, thậm chí tổng huy động vốn của nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng tốt.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy tăng trưởng huy động của SacomBank lên đến 19% so với đầu năm, BIDV cũng tăng 18%, VietcomBank là 16,58%, VietinBank là 9%. Trong thời gian tới dù lãi suất có thể giảm nhưng với bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính hiện nay thì xem ra dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục đổ vào ngân hàng.