Làm gì để cải thiện tình trạng khô da tay khi dùng nhiều dung dịch sát khuẩn?

Theo Hoàng Nhung/sgtiepthi.vn

Việc rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh để phòng chống virus Covid-19 làm da tay bị khô, kích ứng da tay. Do đó, người dùng cần chăm sóc da tay thường xuyên.

Bàn tay bị chàm của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh L.A
Bàn tay bị chàm của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh L.A

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 đang lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Tuy nhiên, việc này làm khô, kích ứng da tay.

Dưỡng ẩm da thường xuyên

Những ngày gần đây, phòng khám của Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận những ca bị kích ứng da do sử dụng dung dịch sát khuẩn và nước rửa tay nhiều lần trong ngày khiến làn da sần sùi, bong tróc, nứt nẻ đến chảy máu tay.

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, việc bàn tay tiếp xúc nhiều với chất tẩy rửa có thể lấy đi lớp dầu giữ ẩm trên da làm cho da khô, nứt nẻ và dễ kích ứng, dễ thúc đẩy các bệnh lý viêm da như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm bàn tay…

Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mà vẫn bảo vệ da tay không bị khô ráp, nứt nẻ…, nhất là đối với những người có bệnh lý viêm da cơ địa mãn tính, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM, khuyến cáo rằng không nên rửa tay quá lâu, không nên rửa tay với nước quá nóng, sau khi rửa tay xong nên lau tay lại với khăn mềm, không nên chà sát tay quá mạnh, bôi kem dưỡng ẩm, kem phục hồi thường xuyên, nhiều lần trong ngày, đặc biệt sau mỗi lần rửa tay.

Thời điểm tốt để bôi kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, khi xem tivi và ngay trước khi đi ngủ. Có thể đeo thêm găng tay vào ban đêm ngay sau khi bôi kem dưỡng ẩm để tránh bị dính kem vào tấm trải giường.

Da tay khô, nứt nẻ thường không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ gây cảm giác khó chịu và mất thẩm mỹ. Nếu sử dụng những biện pháp trên nhưng tình trạng da bị nứt nẻ, khô không cải thiện, người bệnh nên đến những bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị kịp thời.

Dùng găng tay hạn chế tiếp xúc hóa chất

Để giảm việc kích ứng với hóa chất làm ảnh hưởng đến da tay, mọi người nên đeo găng tay khi rửa chén, vệ sinh nhà cửa. Sử dụng găng tay khi làm việc trong môi trường ẩm ướt và khi tiếp xúc với hóa chất hoặc vật liệu có khả năng gây truyền nhiễm. Đeo găng tay trong thời gian càng ngắn càng tốt, lý tưởng là không quá 20 phút vì mồ hôi có thể làm viêm da nặng hơn.

Găng tay phải luôn sạch sẽ, khô ráo và không bị thủng rách. Sử dụng găng tay PVC hoặc găng tay nitrile dùng một lần vì chúng ít gây dị ứng. Sử dụng găng tay lót bông bên trong để giảm mồ hôi.

Làm sạch bên trong găng tay đa dụng bằng cách lộn găng từ trong ra ngoài và rửa sạch bằng nước ấm ít nhất vài lần một tuần. Tháo và thay găng tay nếu chúng bị ướt bên trong.