Làm gì để ngăn chặn nhập khẩu chất thải nguy hại?
Hầu hết các nhân viên hải quan ở các nước đang phát triển đã quá quen với việc khi họ mở một container hàng hóa ra, trước mắt họ là cả một container chứa rác thải độc hại cũng như những thiết bị, linh kiện điện tử được nhập từ các nước phát triển.
Việt Nam đã tham gia các nghị định thư và công ước quốc tế về bảo vệ môi trường như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Nghị định thư Kyoto; Công ước viên về bảo vệ tầng ozone; Nghị định thư Montreal về các chất suy giảm tầng ozone...
Để làm được điều này, ngành Hải quan và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật của Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tham gia.
Tại hội thảo “Hải quan xanh” diễn ra từ 23-25/08/2010 tại Hà Nội do Tổng Cục Hải quan phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức, ông Liu Ning - Điều phối viên UNEP khu vực Châu Á TBD cho biết trên thế giới có khoảng 500 thỏa thuận về môi trường đã được ký kết. Do vậy, với khối lượng công việc vốn đã quá bận rộn, làm thế nào để các cán bộ hải quan có thể nắm bắt được những thông tin về các thỏa thuận đó đòi hỏi ngành Hải quan cần có rất nhiều những đợt tập huấn khác nhau để giúp cán bộ của mình cập nhật được những thông tin cần thiết. Dự án “Hải quan xanh” với sự phối hợp thực hiện của Interpol, UNEP, và các cơ quan hải quan quốc tế ra đời năm 2005 cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Giật mình với rác thải công nghiệp
“Hầu như các nhân viên Hải quan ở các nước đang phát triển đã quá quen thuộc với việc khi họ mở một container hàng hóa ra, trước mắt họ là cả một container chứa rác thải độc hại cũng như những thiết bị, linh kiện điện tử được nhập từ các nước phát triển.” – ông Liu Ning cho biết.
Theo ban thư ký Công ước Basel, hàng năm thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác thải độc hại được tạo ra và có khoảng 8 triệu tấn được vận chuyển giữa các nước với nhau. Đó là con số có thể thống kê từ những phi vụ vận chuyển hợp pháp, còn trên thực tế chúng ta chẳng thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Hầu hết chúng được chở từ Châu Âu đến các nước Châu Phi và một số các nước Châu Á.
Còn theo thống kê của Mạng lưới thực thi công ước Basel, một số lượng lớn tivi và đồ điện tử cũ do Nhật Bản thải ra đã được chuyển đến Trung Quốc và Việt Nam. Riêng năm 2007, có hơn 830.000 tivi cũ đã được chuyển từ Nhật Bản sang Việt Nam.
Ngoài ra, hàng năm có khoảng 2,5 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật đã được người nông dân sử dụng cho các loại cây trồng trên thế giới, và cũng có khoảng 500.000 người hàng năm bị ngộ độc bởi các chất bảo vệ thực vật đó, trong đó có khoảng14.000 người thiệt mạng. Theo một thống kê khác, 50% các hoạt động mua bán gỗ là bất hợp pháp. Tiếp theo đó là hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp hàng năm có trị giá lên tới 50 tỷ USD.
Đâu là giải pháp?
Làm thế nào để Hải quan Việt Nam phát hiện và xử lý những đơn vị và cá nhân vi phạm, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, đối với các loại hàng hóa là chất thải công nghiệp được phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam, hướng xử lý như thế nào cũng là những khó khăn của các cán bộ hải quan.
Một vụ nhập khẩu hóa chất độc hại bị cảnh sát môi trường triệt phá. Ảnh: Vnexpress.
Trong khi đó, đại diện của Chi cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện tại hải quan Hải phòng cũng gặp không ít những vướng mắc đối với một số loại hàng hóa như rác thải công nghiệp, vỉ mạch điện tử, ắc quy chì… vi phạm công ước Basel được chuyển đến Hồng Kông sau đó nhập về Cảng Hải phòng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào hải quan cũng có thể xử lý bởi các đơn vị đứng tên nhận hàng của Việt Nam đều phủ nhận sự liên quan đến các lô hàng đó sau khi bị phát hiện.
“Gặp những trường hợp như vậy chúng tôi cũng không thể tái xuất trở lại Hồng Kông vì biết chắc là họ không nhận, hơn nữa cũng khó có thể xác minh được người gửi hàng từ Hồng Kông, trong khi bản thân hải quan chẳng biết sẽ phải xử phạt ai. Do vậy, cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức có liên quan để giúp ngành Hải quan xác minh được đúng đối tượng gửi và nhận hàng. Nếu không, nên chăng chúng ta cũng cần có chế tài xử phạt các đơn vị vận tải do hành vi vận chuyển chất thải độc hại vào Việt Nam.”
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng khi hải quan của một quốc gia phát hiện có sự vi phạm trong việc nhập khẩu chất thải nguy hại vào lãnh thổ quốc gia mình thì nhất định các bên liên quan như đơn vị xuất khẩu, hoặc đơn vị trung chuyển phải có trách nhiệm cùng giải quyết.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên Môi trường), cho rằng trong bối cảnh hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loại hàng hóa gây tổn hại đến môi trường ngày càng gia tăng và phức tạp, các biện pháp phòng chống cần phải được xem xét phối hợp một cách đồng bộ. Một số biện pháp được ông Nguyễn Khắc Hiếu nêu ra như:
Cần có một hệ thống văn bản pháp quy cụ thể, rõ ràng, không quá phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đủ chặt chẽ để loại bỏ các kẽ hở cho buôn bán bất hợp pháp; Cần có một hệ thống cấp phép và hạn ngạch xuất nhập khẩu đầy đủ đối với các loại hàng hóa làm tổn hại môi trường bị hạn chế nhập khẩu và sử dụng; Thiết lập kênh thông tin trao đổi giữa các quốc gia xuất nhập khẩu giữa các cơ quan trong và ngoài nước liên quan đến điều tra tội phạm môi trường. Chương trình Liên hợp quốc có thể đóng vai trò trung gian trong việc kết nối các nước và các tổ chức với nhau; Tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Hải quan và các cơ quan hữu quan trong nước, các cơ quan đầu mối thực thi các điều ước về môi trường trong việc kiểm soát xuất nhập khẩu; Cơ quan Hải quan cũng như các cán bộ trong ngành cần được cập nhật thông tin đầy đủ, đồng thời huấn luyện chuyên môn và tăng cường năng lực thường xuyên.
Ông Lương Đức Khoa – Văn phòng Ozone Việt Nam, Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu – cho rằng một số chất phục vụ trong công nghiệp nhưng gây nguy hại cho tầng ozone phải được sự cấp phép hạn ngạch của Bộ Công thương và xác nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường mới được nhập khẩu. Tuy nhiên, không phải các cán bộ hải quan nào cũng có thể nhận biết được các danh mục mặt hàng đó nên doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu mà không cần giấy phép. Bên cạnh đó, một số tờ khai hải quan có sự “lệch pha” giữa ý kiến của cơ quan chuyên môn với bộ phận hải quan.
“Thông thường, trong giấy phép nhập khẩu của Bộ Công thương và xác nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường có ghi mã hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, một số trường hợp hải quan yêu cầu doanh nghiệp ghi lại mã hàng hóa hoặc cũng có trường hợp doanh nghiệp ghi sai mã nhưng cán bội hải quan cũng không hề yêu cầu sửa lại cho đúng.”
Liên quan đến việc nhập khẩu một số gas lạnh trong bảo quản thủy hải sản đông lạnh, ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định ngành hải quan đã làm rất nghiêm, tuy nhiên cái khó ở chỗ vẫn có một số đơn vị nhập khẩu được miễn kiểm tra nên có thể doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để nhập khẩu.
“Vấn đề ở đây là các bộ ngành liên quan cần phải có sự quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp thủy sản cũng như các kho chứa gas lạnh, phải đủ điều kiện mới được cấp phép.” – ông Nguyễn Văn Cẩn đề xuất.