Làm giàu bằng cách... đọc sách: Ảo tưởng?
Đánh vào tâm lý khởi nghiệp và mong muốn kiếm tiền nhanh của người trẻ. Hàng loạt đầu sách và các khóa học về làm giàu đua nhau ra đời. Việc làm giàu phải chăng chỉ đơn giản là đọc một quyển sách hay tham gia một khóa học?
Tràn lan sách dạy làm giàu
Được trưng bày ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất trong nhà sách và luôn nằm trong top “Best seller” của các trang mua bán sách trực tuyến, sách viết về những cách làm giàu, những bí quyết để thành công trong kinh doanh… luôn hấp dẫn thị giác người mua bởi bìa sách được thiết kế bắt mắt cùng những cái tựa rất mời gọi như: Dạy con làm giàu, Tại sao càng bận càng nghèo, càng nhàn càng giàu, Vì sao bạn chưa giàu…
Bên cạnh đó, luôn có chương trình giảm giá từ 10%-20% cho khách hàng khi mua những quyển sách này và tặng kèm đĩa CD. Thế nhưng hiệu quả thực tế mà những quyển sách này mang lại tới đâu, đó là vấn đề gần như không thể đo lường được.
P.H - sinh viên đại học năm cuối chuyên ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mình đọc qua khá nhiều sách dạy về làm giàu, và lời khuyên luôn được nhấn mạnh là chỉ cần bạn có mong muốn trở nên giàu có thật mạnh mẽ là được. Đọc sách xong cũng cảm thấy tự tin hơn nhiều lắm”.
Trong một cuốn sách dạy làm giàu được khá nhiều người trẻ tìm mua hiện nay, có đoạn yêu cầu người đọc viết số tài sản mà mình mong muốn lên một tờ giấy và đọc to mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và tối. Và thông điệp muốn gửi tới người đọc là chỉ cần làm theo phương pháp này sẽ giàu có, hay chỉ cần có “tư duy triệu phú” thì chắc chắn bạn sẽ trở thành triệu phú vào một ngày không xa.
Có thể thấy, những lời khuyên trên khá “ảo tưởng” và phi thực tế, khi mà cuộc sống hàng ngày rất nhiều người phải chăm chỉ làm việc để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi cũng như rèn giũa tài năng thì mới có thể thành công được.
Nở rộ khóa học làm giàu
Với chiêu thức tiếp thị khá tốt bằng cách quảng cáo liên tục trên internet, mạng xã hội, gửi e-mail cá nhân với những lời chào mới hấp dẫn như: “Làm giàu không khó”, “kiếm 100 triệu đồng/tháng”, “kiếm tiền khi đang ngủ”…, phần lớn, những lớp học này chỉ vỏn vẹn từ 1 - 3 ngày hoặc một tuần, với mức học phí từ 1 - 3 triệu đồng, thậm chí có lớp học gần cả chục triệu đồng, nhưng vẫn thu hút đông đảo người tìm đến học, đặc biệt là những người trẻ mới tốt nghiệp với mong muốn khởi nghiệp và làm giàu nhanh.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tế mà những lớp học này mang lại là câu chuyện cười ra nước mắt. Bạn H.Q, 22 tuổi, sinh viên một trường đại học trong thành phố, sau khi tham gia khóa học làm giàu và được giới thiệu vào một công ty đa cấp, cùng lời hứa hẹn kiếm được 500 triệu đồng/tháng mà số vốn ban đầu chỉ cần 5 triệu đồng. Sau khi vay mượn bạn bè để có đủ 5 triệu, H.Q tham gia vào đường dây đa cấp, kết quả là không những không kiếm được 500 triệu mà còn mất luôn số tiền 5 triệu ban đầu, và việc học ở trường cũng sa sút đáng kể.
Có thể thấy, các lớp học làm giàu hiện nay chủ yếu dùng hình thức quảng cáo phóng đại về những công thức làm giàu, và những lời hứa hẹn “có cánh” sau khi tham gia lớp học. Người học khi tham gia vào các lớp này không chỉ mất tiền học phí, mà còn mất thêm một khoản không nhỏ để mua tài liệu, đĩa CD của khóa học… Mà theo những người đứng lớp đó là những tài liệu nội bộ, rất có giá trị mà chỉ những ai tham gia lớp học mới có thể hiểu và áp dụng được.
Không thể phủ nhận những cuốn sách dạy làm giàu hay những lớp học làm giàu rất có tác dụng trong việc cổ vũ tinh thần cho mỗi người rất nhiều. Nhưng câu chuyện lý thuyết và thực tế muôn hình vạn trạng rất khác nhau. Việc khởi nghiệp, mong muốn làm giàu hoàn toàn là mong ước chính đáng.
Tuy nhiên, có câu nói “Muốn nhanh thì phải từ từ” có lẽ đúng trong trường hợp này, mọi thứ đều cần phải có thời gian, quá trình cố gắng, lao động và tích lũy mỗi ngày thì mới có thể thành công được. Việc khởi nghiệp hay làm giàu không thể đơn giản là đọc một cuốn sách hay tham gia một khóa học là đủ.
Theo các chuyên gia, đọc sách dạy làm giàu cũng chỉ nên mang tính tham khảo, vì phần lớn những quyển sách này chỉ dạy cho người đọc đam mê giàu sang một cách mù quáng, chạy theo vật chất mà bỏ quên mất những giá trị đạo đức, nhân văn của cuộc sống quanh mình.