Lạm phát thấp tác động tích cực cho nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng thấp trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua là dấu hiệu đáng mừng. CPI thấp sẽ tác động tích cực vào sản xuất kinh doanh cũng như an sinh xã hội. Đây là nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố chỉ số giá sáng 24/12.

CPI năm 2015 tăng thấp trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Nguồn: internet
CPI năm 2015 tăng thấp trong khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Nguồn: internet

CPI năm 2015 tăng thấp do chi phí đẩy giảm

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, CPI năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05% và bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà QH đặt ra đầu năm. Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Vũ Thị Thu Thủy lý giải, CPI năm 2015 tăng thấp chủ yếu do chi phí đẩy giảm. Cụ thể, giá lương thực, thực phẩm năm 2015 giảm so với năm 2014 do nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, ngoài ra sản lượng lương thực của thế giới tăng dẫn tới cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, đồng thời tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm theo. Chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm 1,24% so với cuối năm trước.

Cùng với giá lương thực, giá nhiên liệu trên thị trường, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh. Trong đó, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, bình quân giá dầu Brent năm 2015 giảm khoảng 45,6% so với năm 2014, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng và Giao thông năm 2015 giảm so với cùng kỳ. Cùng với đó, giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng giảm mạnh như giá chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu của các mặt hàng này năm 2015 so năm 2014 đã giảm 5,82%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,79%.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, CPI tăng thấp còn do mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước. Cùng với đó là nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là chương trình bình ổn giá của Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Chưa kể, trong hai năm trở lại đây, người tiêu dùng khôn ngoan hơn trong chi tiêu, không tập trung mua hàng vào một thời điểm khiến giá tăng đột biến.

Bà Vũ Thị Thu Thủy dự báo, CPI năm 2016 có thể tăng rất cao, vượt mục tiêu dưới 5% mà QH đã đưa ra nếu như chính sách điều hành không linh hoạt, chủ động. Các yếu tố có thể làm tăng CPI năm 2016 bao gồm việc điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý giá nhưmứcđóng học phí, giá dịch vụ y tế có thể tăng vào quý I.2016, giá điện năm 2016 có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng. Một yếu tố nữa, lương cơ bản tiếp tục tăng thêm 5% từ ngày 1.5.2016 cũngsẽ tác động làm tăng CPI năm 2016.

Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI, năm 2016 cũng sẽ có một số yếu tố tác động làm CPI tăngkhông cao. Ví dụ, giá dầu thô giảm làm giảm một số mặt hàng trong rổ hàng hóa CPI. Sản lượng dầu thô đang tăng cao và vượt cầu, dự kiến năm 2016 nguồn cungsẽ tiếp tục tăngkéo theo giá dầu thô tiếp tục giảm. Tiếp theo, giá nông sản trên thị trường thế giới đang cạnh tranh gay gắt, nguồn cung gia tăng, có khả năng tác động làm giảm tăng CPI năm 2016.

CPI thấp có đáng lo ngại?

Sau giai đoạn lạm phát ở mức 2 con số, vài năm trở lại đây, chúng ta đã kiềm chế, tiến đến kiểm soát được lạm phát ở mức 1 con số. Câu hỏi được đặt ra, lạm phát tăng thấp có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế? Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, lạm phát thấp năm vừa qua chủ yếu cho chi phí đẩy giảm, qua đó làm cho sản xuất, kinh doanh có lợi hơn, điều này có lợi cho người tiêu dùng. Thực tế, doanh nghiệp luôn kỳ vọng giá cả thị trường tăng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giá cả, một yếu tố nữa kích thích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là sức mua của nền kinh tế. Khi giá thấp thì thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng, lúc đó, người dân dành nhiều khoản thu nhập cho chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu, giúp tăng trưởng kinh tế tăng lên. Yếu tố giá thấp thúc tăng tổng cầu là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, lạm phát và tăng trưởng có mối quan hệ phi tuyến tính. Ở mức độ nhất định, thì lạm phát thúc đẩy tăng trưởng, nhưng khi lạm phát quá cao thì sẽ hạn chế tăng trưởng, gây hại cho nền kinh tế. Việc chỉ số CPI thấp trong khi tăng trưởng GDP năm 2015 lại cao nhất trong 5 năm trở lại đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế nước ta rơi vào thiểu phát bởi CPI của chúng ta thấp chứ chưa âm, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, tỷ lệ huy động tiết kiệm đang có xu hướng tăng từ đầu năm. Nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển, lạm phát được kiểm soát có mục tiêu.

Đáng chú ý, trong khi lạm phát chung năm 2015 chỉ tăng 0,63% thì lạm phát cơ bản tăng 2,05% so năm trước. Có ý kiến lo ngại, lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản là biểu hiện của việc sức mua kiệt quệ. Theo Tổng cục Thống kê, con số giảm này không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm. Thực tế, chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2% - 3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 12 năm 2015 tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính tăng giá với mức tăng không đáng kể. Bao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc mũ nón giầy dép tăng 0,32%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%; giáo dục tăng 0,04%... Có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm, gồm bưu chính viễn thông giảm 0,03%; giao thông giảm 1,57%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.