Làn sóng gom cổ phần công ty niêm yết tăng cao
(Tài chính) Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài đã liên tiếp công bố những khoản đầu tư "khủng" vào các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Sự kiện nóng nhất trong tuần là việc Tập đoàn bánh kẹo Mondelèz International (Mỹ) công bố chi 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD) để thâu tóm 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô (KDC). Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Mondelèz International tại Việt Nam nhằm mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á. Dự kiến thương vụ này sẽ hoàn tất vào quý II/2015 và có thể sau đó một năm, Mondelèz International sẽ tiếp tục mua 20% còn lại từ KDC.
Trước đó một tuần, Quỹ Global Emerging Markets (GEM) của Mỹ đã ký cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (80 triệu USD) vào cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). GEM sẽ mua 10% cổ phiếu HAG, chủ yếu mua lại cổ phiếu từ các cổ đông và nhà đầu tư hiện hữu. Dự kiến giao dịch này sẽ được hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.
Theo cam kết, GEM được quyền mua cổ phiếu HAG, nếu đủ 10% thì đại diện của Quỹ được phép tham gia vào Hội đồng quản trị HAG. Đồng thời, quỹ đầu tư này sẽ hỗ trợ HAG niêm yết ở thị trường quốc tế, cụ thể là Mỹ.
Cách đây khoảng một tháng, HAGL còn lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 30% cổ phần Công ty HAGL Land dự kiến chốt vào cuối năm nay và hứa hẹn sẽ có sự tham gia của khối ngoại.
Chuỗi những thương vụ săn cổ phần các công ty niêm yết của khối ngoại chưa dừng lại ở đó. Ngày 10/11, Mutual Fund Elite (Non-Ucits) cũng công bố mua thêm 3,19 triệu cổ phần MWG, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 4,5 triệu cổ phiếu lên thành 7,7 triệu, tuơng đương 7,23% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động.
Ngày13/11, Amersham Industies Limited cùng với các nhà đầu tư nước ngoài có liên quan đã tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật từ 6,96% lên thành 9,45%. Từ đầu năm đến nay, tổ chức này liên tục đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán và phần mềm trên sàn TP HCM.
Một doanh nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư Nhật ngấp nghé trong thời gian qua là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (Mã CK: HBC). Từ cuối năm ngoái, Hội đồng quản trị HBC đã ra Nghị quyết bán 15 triệu cổ phần cho các đối tác chiến lược. 4 nhà đầu tư mà Hòa Bình hướng tới là Chip Eng Seng Corporation Ltd, PT. Nikklo Securites Indonesia, Japan Asia Investment Co., Ltd., Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ).
Dù làn sóng đầu tư của khối ngoại vào các công ty niêm yết có xu hướng tăng lên và doanh nghiệp tỏ ra chủ động chào mời đối tác nước ngoài song không phải lúc nào cổ đông cũng ủng hộ. Tại nhiều cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên diễn ra giữa cuối quý II/2014, không ít nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại sự thâu tóm của khối ngoại có thể khiến doanh nghiệp Việt mất quyền tự quyết trên sân nhà.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc phân tích Quỹ đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF), nhận xét, sự gia nhập mạnh mẽ của khối ngoại biểu hiện qua làn sóng đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho thị trường. Nhờ dòng vốn ngoại này doanh nghiệp có thể đầu tư chuyên sâu để tìm kiếm lợi nhuận đột phá hoặc tìm cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn. "Điều này chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ. Nhiều khả năng xu hướng này tiếp tục mạnh dần trong tương lai", ông Đức đánh giá.
Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của khối ngoại có thể khiến hai nhóm cổ đông có quan điểm trái chiều nhau. Nhóm cổ đông đầu tư ngắn hạn hào hứng vì sự xuất hiện của khối ngoại có thể đẩy thị giá cổ phiếu tăng cao trong một thời gian ngắn, dễ lướt sóng, dễ chốt lời, giao dịch sôi động.
Nhóm cổ đông dài hạn băn khoăn lo ngại nếu mục đích của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là tìm kiếm lợi nhuận trước mắt có thể phá vỡ cấu trúc cũng như thay đổi toàn diện chiến lược phát triển của doanh nghiệp. "Tùy thuộc vào mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp niêm yết cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn đối tác ngoại", ông Đức nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích không nên quá lo ngại sự thâu tóm của khối ngoại vì xu thế hội nhập sớm muộn cũng dẫn đến kịch bản này. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp Việt cần phân biệt hai nhóm nhà đầu tư nước ngoài để có hành xử theo từng tình huống.
Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức chuyên đầu tư tài chính sẽ không đáng ngại vì các quỹ đầu tư này thường không can thiệp sâu vào quá trình điều hành doanh nghiệp. Họ chỉ giám sát công việc kinh doanh và hỗ trợ nếu được yêu cầu. Họ là những nhà đầu tư đi săn lợi nhuận thông qua chiến lược đầu tư đã được cam kết từ trước và thường chỉ rót vốn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm cổ phần doanh nghiệp với mục đích mở rộng sự hiện diện, giành thị phần ở thị trường mới và can thiệp sâu vào quá trình điều hành doanh nghiệp niêm yết. Nhóm nhà đầu tư này nếu là tổ chức uy tín, có chiến lược dài hạn sẽ tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp theo chiều hướng tích cực.
Trường hợp nhà đầu tư ngoại chỉ đi săn lợi nhuận ngắn hạn giành được quyền kiểm soát doanh nghiệp thì có thể xảy ra kịch bản chuyển giá khiến doanh nghiệp thua lỗ triền miên, bán tài sản của doanh nghiệp để thu lợi càng nhanh càng tốt, vắt kiệt nguồn lực... "Chỉ cần lưu ý đừng để khối ngoại thâu tóm nhóm doanh nghiệp đang được nhiều ưu đãi hoặc có đặc quyền nắm giữ nguồn nguyên liệu, tài nguyên. Các nhóm doanh nghiệp còn lại đều không ngại sự gia nhập của khối ngoại", ông Hiển bình luận.
Theo ông Hiển, dù vẫn tồn tại một số hạn chế khi khối ngoại thâu tóm nhưng xét toàn cục sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài mang lại nhiều tích cực cho doanh nghiệp niêm yết. Đó là cải thiện thanh khoản, tăng vốn, tạo thêm cơ hội, hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, điều hành, cộng hưởng thương hiệu...