Thành tích hoạt động nổi bật của Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2010-2015:
Lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính
(Taichinh) - Dự kiến trong tháng 7/2015, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ chính thức khai mạc. Trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015 theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 là một sự kiện chính trị quan trọng, quyết định sự phát triển của Bộ Tài chính trong thời gian tới. Tapchitaichinh.vn điểm lại những kết quả và thành tích hoạt động nổi bật của Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2010-2015. Nguồn tư liệu của bài viết được tổng hợp từ các báo cáo và tư liệu của Đảng ủy Bộ Tài chính.
Đảng bộ Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ XXIII (2010-2015) trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến thuận lợi và khó khăn đan xen. Những thành tựu đạt được sau gần 30 năm đổi mới đã góp phần đáng kể trong việc mở rộng và tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà kinh tế thế giới xuất hiện thêm nhiều bất ổn mới, khủng hoảng nợ công lan rộng ở nhiều quốc gia. Trong nước, những yếu kém vốn có của nền kinh tế từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, đã bộc lộ ra một cách rõ ràng, gay gắt. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, gây bất bình, tâm trạng băn khoăn lo lắng trong nhân dân có tác động đến tình hình kinh tế - tài chính trong nước.
Trong bối cảnh này, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ XXIII (2010-2015) đã đề ra, Đảng ủy Bộ nói chung, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc nói riêng đã tích cực, chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Bộ Tài chính có nhiều đổi mới, luôn xác định xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm; nâng cao chất lượng chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đảng viên là vấn đề quan trọng, nguyên tắc sinh hoạt đảng được đảm bảo giữ vững.
Một trong những kết quả hoạt động nổi bật của Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2010-2015 đó là đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị được giao, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ XXIII (2010-2015), bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Đảng ủy cấp trên, Đảng uỷ Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự và Lãnh đạo Bộ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng trực thuộc và đảng viên trong toàn Đảng Bộ xây dựng kế hoạch công tác nhiệm kỳ 2010-2015, kế hoạch hàng năm xây dựng các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.
Một số kết quả cụ thể như sau:
(1) Trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) nhiều cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên quan đến lĩnh vực ngân sách, thuế, dự trữ quốc gia, hải quan, tài sản công, tài chính đất đai, bảo hiểm, chứng khoán, y tế, xã hội,.... Hệ thống pháp luật, chính sách tài chính tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cơ chế điều hành giá tiếp tục được đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế.
Chính sách động viên ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được hoàn thiện, nhờ đó đã động viên hợp lý, kịp thời nguồn lực từ sản xuất và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai và tài sản công. Chính sách thuế, phí, lệ phí ban hành về cơ bản đã đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết hội nhập, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cơ chế chính sách về quản lý tài chính trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp được ban hành đã góp phần đẩy mạnh phát triển các hoạt động sự nghiệp công, hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hệ thống pháp luật của thị trường tài chính cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án tái cơ cấu DNNN, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm.
(2) Trong công tác thu NSNN đã lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu quyết liệt để đảm bảo hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dự toán thu - chi ngân sách. Tổng thu NSNN 5 năm 2011-2015 tăng gấp 1,9 lần so với giai đoạn 2006-2010; số thu thuế và phí tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 22-23% GDP (mục tiêu 23-24% GDP).
(3) Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 ước đạt khoảng 31% GDP, gấp 1,8 lần giai đoạn 2006-2010. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xoá đói, giảm nghèo bền vững...
(4) Thực hiện phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi NSNN. Tổng chi NSNN giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 27,78% GDP, cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tăng chi cho con người. Đã chủ động bố trí NSNN ưu tiên đầu tư thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi vùng sâu, vùng xa... Chi NSNN được điều hành theo hướng chặt chẽ, cắt giảm các khoản chi đã bố trí dự toán nhưng chưa triển khai hoặc phân bổ sai mục tiêu, đối tượng; công tác thanh tra tài chính - ngân sách được đẩy mạnh, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm. Cơ quan tài chính các cấp và Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Từ năm 2011 đến 2014, thông qua kiểm soát chi, KBNN đã từ chối thanh toán với số tiền trên 2.900 tỷ đồng.
(5) An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo; dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép; thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành (như chứng khoán, bảo hiểm...) cũng được củng cố, đồng thời nâng cao kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thất thoát các nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia.
(6) Quá trình sắp xếp, đổi mới các DNNN đạt được một số kết quả quan trọng, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN có nhiều cải thiện. Sau gần 03 năm triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt được 70 đề án của tổng công ty nhà nước. Giai đoạn năm 2011-2014 tiếp tục sắp xếp 347 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 232 doanh nghiệp; riêng năm 2014 (tính đến ngày 25/12/2014), đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 143 doanh nghiệp.
(7) Thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ tài chính tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra. Mức vốn hóa thị trường so với GDP tiếp tục xu thế tăng trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay và đạt khoảng 31,48% GDP năm 2014 (tương đương 57 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2010). Từ năm 2011 đến nay, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 806 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2010. Hệ thống tổ chức thị trường được nâng cấp và phát triển.
Quy mô và vai trò của thị trường bảo hiểm được nâng cao. Tính đến hết 2014, có 61 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với trên 800 sản phẩm bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong giai đoạn 2010-2014 tăng trung bình 15,6%/năm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trung bình 15,4%/năm.
(8) Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng; hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, trong đó đã xây dựng và vận hành có kết quả một số hệ thống công nghệ thông tin lớn (như TABMIS, VNACCS/VCIS). Chỉ số cải cách hành chính có sự cải thiện rõ rệt, từ vị trí thứ 8/19 bộ, ngành năm 2012 đã lên vị trí từ 4/19 bộ, ngành năm 2013. Hệ thống TABMIS đã được hoàn thành triển khai và vận hành tại 63 tỉnh, thành phố; vận hành hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN trên toàn quốc với 4 ngân hàng thương mại cho hơn 700 KBNN cấp huyện và sở giao dịch KBNN.
(9) Công tác hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đã tích cực rà soát việc triển khai thực thi cam kết về cắt giảm hàng rào thuế quan, các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đặc biệt là các cam kết trong WTO và 8 Hiệp định thương mại tự do, đảm bảo tính tuân thủ, thực hiện đúng lộ trình và có trách nhiệm các cam kết đã đưa ra.
(10) Bộ máy tổ chức quản lý tài chính và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được kiện toàn. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn; kết hợp phân định chức năng nhiệm vụ gắn với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; đã từng bước thực hiện chuẩn hoá cán bộ, tiến hành quy hoạch cán bộ lãnh đạo trong toàn Ngành; tổ chức hướng dẫn và thực hiện các quy định về phân cấp quản lý cán bộ; tiến hành rà soát lại và kịp thời có biện pháp tăng cường quản lý cán bộ của các đơn vị...
(11) Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, chủ trương đường lối của Đảng trong Đảng ủy Bộ được nâng cao, gắn xây dựng chính sách với phổ biến chính sách. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí trong Ngành và tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ngoài ngành nhằm nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài chính; góp phần quan trọng định hướng thông tin, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội đối với hoạt động của ngành. Phong trào thi đua của ngành Tài chính tiếp tục có những đổi mới thiết thực phù hợp với các quy định về thi đua khen thưởng; có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua.