Lào Cai: Buôn lậu có dấu hiệu gia tăng dịp cuối năm
(Tài chính) Thời gian gần đây tại địa bàn biên giới Lào Cai, tình trạng các đối tượng buôn lậu sử dụng thuyền nan, mảng vận chuyển hàng lậu qua sông, suối biên giới, sau đó tập kết, vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ hoặc xuất lậu hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp.
Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu như gạch men, đồ điện tử gia dụng, thực phẩm qua chế biến, gia cầm và sản phẩm gia cầm, kim loại phế liệu, các loại khoáng sản, hàng đông lạnh, hàng nông thổ sản... Hàng nhập lậu sau khi được đưa vào nội địa, sẽ được các đối tượng xé lẻ rồi đưa vào các khu vực chợ biên giới, trà trộn với các hàng hóa được sản xuất ở trong nước hoặc núp bóng hàng liên doanh... để bán cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan để khai khống đúng khối lượng, chủng loại, gian lận doanh số, trị giá hàng hóa nhằm gian lận thuế, sử dụng hóa đơn quay vòng để hợp thức hóa hàng lậu hoặc gian lận trong khai báo về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế... cũng diễn ra phổ biến.
Mặt khác, sau một thời gian dài “tạm lắng”, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy trên địa bàn tỉnh Lào Cai và khu vực biên giới đặc biệt là khu vực cửa khẩu Lào Cai, Mường Khương, khu vực Phố Tèo thuộc phường Lào Cai lại có nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp.
Đội Kiểm soát Hải quan-Cục Hải quan Lào Cai đã phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng triệt phá một số đường dây buôn lậu ma túy từ các tỉnh Điện Biên, Lai Châu về Lào Cai, bắt giữ và xử lí một số đối tượng, tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vực biên giới giáp Trung Quốc thuộc địa bàn kiểm soát hải quan, Đội trưởng Nguyễn Văn Lâm cho biết, địa bàn quản lí của đơn vị hiện nay khá rộng, gồm 180 km đường biên giới và các cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành, cửa khẩu phụ Bát Xát, cửa khẩu Mường Khương và khu vực Thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Địa bàn rộng, chủ yếu là địa hình rừng núi, sông, suối, nhiều ngõ ngách, đường mòn, lối tắt, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng cư dân biên giới thông thạo địa bàn để vận chuyển hàng lậu qua biên giới.
Có đêm phát hiện các đối tượng mang vác hàng lậu đang “cõng” hàng qua biên giới, lực lượng tuần tra kiểm soát phát tín hiệu dừng lại để kiểm tra nhưng các đối tượng sẵn sàng vứt lại hàng để tháo thân hoặc cũng có trường hợp “cõng” theo hàng, lội sông chạy ngược sang Trung Quốc.
Trong khi đó, hiện nay Đội Kiểm soát Hải quan chỉ có 24 CBCC, hầu hết là CBCC mới, trẻ được luân chuyển từ các đơn vị khác thuộc Cục về, chưa qua đào tạo chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm nên công tác đấu tranh, chống buôn lậu của đơn vị gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết thêm, đặc thù về địa bàn hoạt động của Hải quan Lào Cai hiện nay có cả biên giới đường bộ, đường sông và đường suối, trong khi đó các phương tiện như ca nô, công cụ hỗ trợ... phục vụ cho công tác kiểm soát đều đã được trang bị từ rất lâu, đã cũ, hỏng hóc... không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn. Chân vịt của ca nô chạy ở đường sông, suối nhiều đá ngầm thường hay bị mắc, do đó đơn vị không thể tuần tra, kiểm soát thường xuyên được.
Theo Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Lào Cai, thời điểm cuối năm 2013, hoạt động XNK qua các khu vực cửa khẩu tiếp tục gia tăng, hoạt động buôn lậu, trốn thuế đặc biệt là đối với các mặt hàng cấm NK, mặt hàng có thuế suất cao, hàng XNK có điều kiện vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chống buôn lậu cần tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của đối tượng buôn lậu.
Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Lào Cai đã và đang có các biện pháp nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nhằm đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lí nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Áp dụng triển khai quy trình QLRR vào các khâu công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan, xây dựng phương án đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả.
Phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương trong trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức đấu tranh nhằm ngăn chặn, bắt giữ, xử lí nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các chất ma túy.