Lấy tổ chức Đảng mạnh làm hạt nhân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
Nhiệm kỳ vừa qua , Đảng bộ Bộ Tài chính đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một trong những thành công quan trọng đó là Đảng bộ đã tập trung xây dựng tổ chức Đảng mạnh, lấy tổ chức Đảng làm hạt nhân tạo động lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Đinh Đức Xương, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tài chính trả lời phỏng vấn Thông tin công tác Đảng.
PV: Xin đồng chí cho biết những nét khái quát nhất về thành tích của Đảng bộ Bộ Tài chính trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2010-2015?
Đồng chí Đinh Đức Xương: Nắm vững quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ XXIII (2010-2015), bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng uỷ Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ triển khai tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Bộ. Ngay đầu nhiệm kỳ, Đảng uỷ Bộ đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ Bộ chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực công tác; lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách tài chính, chiến lược hiện đại hoá, phát triển ngành Tài chính và các lĩnh vực liên quan... đạt nhiều kết quả nổi bật, rất đáng ghi nhận.
Trước hết là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương. Trong 5 năm qua, tại Đảng bộ Bộ Tài chính, các đơn vị trong Bộ triển khai thực hiện và đánh giá tổng kết nhiều nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan đến tình hình tài chính ngân sách. Đồng thời, thực hiện tổng kết lý luận 30 năm đổi mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN và công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên quan đến lĩnh vực ngân sách, thuế, dự trữ quốc gia, hải quan, giá, tài sản công, tài chính đất đai, bảo hiểm, chứng khoán, y tế, xã hội... được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Hệ thống pháp luật, chính sách tài chính tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng...
Trong công tác thu NSNN, Đảng bộ Bộ Tài chính đã lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu quyết liệt để đảm bảo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dự toán thu-chi ngân sách. So với giai đoạn 2006- 2010, tổng thu NSNN 5 năm (2010-2015) tăng gấp 1,9 lần. Cơ cấu thu có chuyển biến tích cực, thu nội địa trong trong tổng thu NSNN đã tăng từ 58% giai đoạn 2006-2010 lên khoảng 67% giai đoạn 2010-2015. Chi NSNN được điều hành theo hướng chặt chẽ, cắt giảm các khoản chi đã bố trí dự toán nhưng chưa triển khai hoặc phân bổ sai mục tiêu, đối tượng; công tác thanh tra tài chính-ngân sách được đẩy mạnh...
Công tác quản lý dự trữ quốc gia được tăng cường; phát huy có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia trong công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo; dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép. Quá trình sắp xếp, đổi mới các DNNN đạt kết quả quan trọng. Sau gần 03 năm triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển ổn định, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm đảm bảo tiến độ đề ra.
Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Chỉ số cải cách hành chính có sự cải thiện rõ rệt, từ vị trí thứ 8/19 Bộ, ngành năm 2012 đã lên vị trí 4/19 Bộ, ngành năm 2013. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước... mạnh mẽ, đột phá và được dư luận xã hội đánh giá rất cao.
Công tác hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ máy tổ chức quản lý tài chính và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được kiện toàn.
Theo đồng chí, trong nhiệm kỳ vừa qua, thành công nổi bật nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ là gì?
Tôi cho rằng, ưu điểm lớn nhất đó là chuyển biến rõ nét về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhiệm kỳ qua đã có sự duy trì phối hợp tốt giữa Ban Cán sự Đảng với Đảng uỷ Bộ trong lãnh đạo các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn công tác xây dựng Đảng với công tác xây dựng đơn vị; công tác tổ chức cán bộ với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Chính vì vậy vai trò, vị thế của Đảng uỷ Bộ, các cấp uỷ Đảng ngày càng được khẳng định. Đảng uỷ Bộ Tài chính đã lãnh đạo các tổ chức Đảng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIII (2010-2015) đề ra.
Công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được coi trọng, tăng cường, đặc biệt là việc lãnh đạo duy trì đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03/CT-TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
So với giai đoạn 2006-2010, tổng thu NSNN 5 năm 2010-2015 tăng gấp 1,9 lần. Cơ cấu thu có chuyển biến tích cực, thu nội địa trong trong tổng thu NSNN đã tăng từ 58% giai đoạn 2006-2010 lên khoảng 67% giai đoạn 2010-2015.
Công tác xây dựng củng cố kiện toàn tổ chức Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện đúng quy định, duy trì thường xuyên, đạt được những kết quả tích cực, nhất là công tác phát triển đảng viên mới đã được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, tăng hơn 200% so với nhiệm kỳ trước, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nhất là chi bộ Đảng cơ sở và đội ngũ cán bộ đảng viên.
Các công tác khác như công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng...cũng được coi trọng và tăng cường tạo ra những chuyển biến mới, tích cực trong các tổ chức Đảng của Đảng bộ Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ qua.
Qua nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, theo đồng chí đâu là những bài học kinh nghiệm cần được rút ra?
Từ những kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức Đảng của Đảng bộ nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên chú trọng xây dựng Đảng bộ, tổ chức Đảng các cấp cả về chính trị, tư tưởng, về tổ chức cán bộ, duy trì đoàn kết thống nhất, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên, làm tốt công tác quản lý cán bộ đảng viên.
Hai là, phối hợp chặt chẽ công tác Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng cơ quan đơn vị, công tác chính trị tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ. Tăng cường đổi mới công tác dân vận, thực hiện dân vận khéo ngay trong cơ quan đơn vị.
Ba là, coi trọng việc học tập quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương phù hợp với đặc điểm của cơ quan đơn vị. Tổ chức thực hiện quyết liệt, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra giám sát của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cuộc kiểm tra giám sát công tác Đảng. Bố trí đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách, bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cấp uỷ, đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng.
Bốn là, thường xuyên nâng cao chất lượng chi bộ; duy trì, cải tiến nội dung sinh hoạt chi bộ. Chăm lo xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng, đẩy mạnh các phong trào quần chúng thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, cũng như công tác xây dựng Đảng.
Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương thức, cách thức triển khai học tập nghị quyết, quán triệt sâu sắc đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, bức xúc, những vấn đề bất cập tồn đọng lâu dài để tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những khó khăn và vướng mắc đang diễn ra.
Xin cảm ơn đồng chí!