Linh hoạt các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ dự trữ quốc gia
Phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với nhiều điểm nhấn quan trọng trên các mặt công tác. Đây là tiền đề quan trọng để toàn Ngành hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Tích cực thực hiện nhiệm vụ nhập, xuất gạo dự trữ quốc gia
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Trong bối cảnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành đã chủ động phân bổ, giao chỉ tiêu và dự toán cho các đơn vị trực thuộc để có kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể. Đối với kế hoạch dự trữ quốc gia, năm 2024, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch mua 220.000 tấn gạo để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách xảy ra.
Xác định mua gạo nhập kho là một trong những nhiệmvu quan trọng, Tổng cục đã triển khai đồng bộ các quy trình đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia; chỉ đạo 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thống nhất việc lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Toàn bộ chỉ tiêu mua 220.000 tấn gạo nhập kho năm 2024 được phân chia thành 196 gói thầu. Kết quả tổ chức đấu thầu đợt 1 (mở thầu ngày 8/5/2024) có 31 nhà thầu tham dự thầu và đã có 22 nhà thầu trúng thầu cung cấp 114.700 tấn/220.000 tấn, đạt 52% kế hoạch. Số gạo còn lại, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tiếp tục tổ chức mua đợt 2 với tinh thần quyết tâm hoàn thành mua đủ số lượng gạo theo chỉ tiêu được giao.
Việc tổ chức mua gạo nhập kho được các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực công bố công khai thông tin trong lựa chọn nhà thầu trên mạng. Các nhà thầu tham dự, quan tâm đến các gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đều được tiếp cận thông tin như nhau trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ đó tất cả các nhà thầu có nhu cầu tham dự đều có cơ hội tiếp cận thông tin mời thầu nhanh chóng, chính xác như nhau, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu. Việc các nhà thầu tham gia dự thầu có giá chào cao hơn, thấp hơn hoặc bằng giá gói thầu hoàn toàn do tính toán của các nhà thầu để có thể cạnh tranh với các nhà thầu khác khi xác định tham dự các gói thầu.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao các đơn vị đẩy mạnh thực hiện mua vật tư thiết bị đảm bảo hoàn thành công tác đấu thầu trong năm nay; chủ động xây dựng phương án giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia gửi Cục Quản lý giá trình Bộ Tài chính ban hành quyết định giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia đảm bảo sát giá thị trường, qua đó giúp các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh các nhiệm vụ trên, trong những tháng đầu năm 2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện tốt công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/6/2024, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp 51.631 tấn gạo, trị giá khoảng 687 tỷ đồng gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 10.401 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt đầu năm 5.945 tấn gạo; hỗ trợ học sinh 32.559 tấn gạo và hỗ trợ trồng rừng 2.726 tấn gạo.
Nhìn chung, việc xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia đã được các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực xuất cấp nhanh chóng, kịp thời, góp phần hỗ trợ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; qua đó, tạo sự tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ dự trữ quốc gia
Bên cạnh kết quả đạt được ở trên, trong quá trình triển khai hoạt động dự trữ quốc gia, ngành Dự trữ Nhà nước cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Một số bộ, ngành, cơ quan đơn vị chưa kịp thời phối hợp gửi báo cáo công tác quản lý, xuất cấp hàng dự trữ quốc gia; Hồ sơ cấp phát, thẩm định vốn phí mua hàng dự trữ quốc gia dẫn đến thời gian thực hiện nhiệm vụ còn kéo dài; Việc mua gạo dự trữ quốc gia nhập kho cũng gặp phải một số khó khăn như một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo tăng cao...
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các đề án, cơ chế chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia, phục vụ quản lý dự trữ quốc gia; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 theo quy định; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cấp phát vốn, phí, thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán và lập báo cáo tài chính vốn, phí mua hàng dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
Thứ ba, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực dự trữ quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng dự trữ quốc gia và chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh; thường xuyên, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024. Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 theo quy định...