Loay hoay với trần lãi suất

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng hệ thống ngân hàng chưa ổn định, nên chưa thể bỏ trần lãi suất và thừa nhận trần lãi suất hiện nay chỉ như tấm "barie" trong hoạt động huy động vốn vay của ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, có lẽ cơ quan này đang loay hoay với việc làm thế nào để bỏ trần lãi suất.

 Loay hoay với trần lãi suất
NHNN đang loay hoay với việc làm thế nào để bỏ trần lãi suất. Nguồn: internet

"Duy trì lâu dài các công cụ hành chính sẽ làm méo mó thị trường, nhưng để dỡ bỏ các biện pháp này sẽ "rất gian nan", bởi khi áp đặt, nhà điều hành chưa tính đến chiến lược và điều kiện để rút lui. Do vậy, NHNN đang chọn cách rút lui từ từ.

Cụ thể, từ giữa năm 2012, khi lạm phát dần được kiểm soát, NHNN đã dỡ bỏ trần lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Sau đó 1 năm, kỳ hạn 6 - 12 tháng cũng để cho các ngân hàng tự quyết lãi suất phụ thuộc vào cung cầu thị trường", TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, nhận định.

Chê "ỉ ôi" trần lãi suất

Gần đây, nhất là sau động thái giảm đồng loạt các lãi suất chủ chốt của NHNN ngày 18/3, nhiều chuyên gia lại lên tiếng về việc bỏ trần lãi suất. Thậm chí, đến cả các ngân hàng thương mại cũng nhận thấy sự thừa thãi của "tấm barie" lãi suất này trong hoạt động huy động vốn của mình.

Theo lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội, việc áp trần lãi suất chẳng còn ý nghĩa gì đối với hoạt động huy động vốn của ngân hàng ông. Thậm chí, khi ngân hàng ông muốn giảm lãi suất huy động thêm nữa cũng gặp nhiều khó khăn từ tấm "barie" này. "Với thanh khoản quá dồi dào hiện nay, ngân hàng chỉ muốn giảm lãi suất kỳ dưới 6 tháng xuống mức thấp nhất có thể để khách hàng gửi sang kỳ dài hạn, nhưng lại e ngại sự giảm quá thấp khiến khách hàng chạy sang ngân hàng bạn. Có lẽ, nhiều ngân hàng cũng e ngại như vậy mà không dám giảm sâu", vị này cho biết.

Theo vị này, hiện ngân hàng đang hướng khách hàng gửi tiền kỳ dài hạn hơn, thay vì kỳ 1 - 2 tháng như hiện nay. Do vậy, việc tính toán mức lãi suất hợp lý cho các kỳ là cần thiết và điều này phải dựa trên nguồn thanh khoản của từng ngân hàng để cân đối, chứ không thể đưa ra một mặt bằng chung cho tất cả các ngân hàng với điều kiện sức khỏe khác nhau.

"Tất nhiên là việc huy động thì phải nhìn vào mặt bằng giá trên thị trường, tuy nhiên, giá cả có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút tùy theo "điều kiện mỗi nhà", vị này phân tích.

Từ một góc nhìn khác, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), nhìn nhận dường như trần lãi suất huy động không còn cần thiết nữa, khi hệ thống tài chính giờ đã ổn định. "Việc bỏ trần lãi suất sẽ không giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, nhưng giúp định giá tiền tệ tốt hơn. Nhờ vậy, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng lớn, được quản lý tốt, có thể huy động thêm tiền gửi, trong khi các ngân hàng nhỏ sẽ phải trả chi phí vốn cao hơn. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng", ông Mac Cana nhận định.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc bỏ trần lãi suất là hợp lý. Bởi theo nguyên tắc cạnh tranh, các ngân hàng nhỏ phải chào lãi suất tiền gửi cao hơn các ngân hàng lớn, một nguyên tắc cơ bản trong kinh tế thị trường.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, lãi suất không chỉ là "thủ đoạn" của các ngân hàng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn, khi thiếu vốn họ cũng nâng lãi suất huy động để hút vốn trên thị trường. Do vậy, cần sớm bỏ trần lãi suất để loại bỏ những ngân hàng yếu (buộc phải sáp nhập, hợp nhất để lớn mạnh trong cuộc chơi này, bởi nếu huy động lãi suất cao sẽ phải cho vay cao và doanh nghiệp sẽ không đến vay) để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

NHNN vẫn lo ngại

Trước nhiều ý kiến cho rằng hiện đã hội tụ đủ các yếu tố để bỏ hoàn toàn công cụ hành chính này, lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định cần phải chọn lộ trình và thời điểm thích hợp. Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND trong năm 2014. Khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản vững chắc, cơ quan này sẽ xem xét dỡ bỏ.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, cũng cho rằng thời điểm này NHNN chưa nên bỏ trần lãi suất, vì hiện nay thị trường tài chính - tiền tệ chưa thật sự ổn định. Một số ngân hàng thương mại nhỏ vẫn có nhu cầu vốn rất cao, dẫn đến đẩy lãi suất huy động lên cao hơn mặt bằng chung của thị trường.

Thực tế, theo TS. Võ Trí Thành, sở dĩ NHNN chưa bỏ trần là vì lo ngại rủi ro, vì lý thuyết mới chỉ cách áp trần thế nào chứ chưa nói về cách gỡ trần. Và, một bài học kinh điển ở Mỹ vào những năm 1980, cho thấy nếu không quản lý cẩn thận, có thể dẫn đến những rủi ro lớn hậu dỡ bỏ trần lãi suất.
Vào năm 1980, Mỹ quyết định dỡ bỏ trần lãi suất huy động và kết quả là sự tăng trưởng nhảy vọt, rồi sụp đổ của nhiều công ty tiết kiệm và cho vay. Lý do là khi lãi suất huy động được tự do hóa, các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút tiền gửi, đẩy chi phí huy động lên cao.

Với chi phí cao như thế, nhiều ngân hàng chấp nhận thực hiện các khoản cho vay rủi ro để bù đắp lại chi phí. Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay các dự án bất động sản với kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn. Cuối cùng, khi các chủ dự án bất động sản không thể trả nợ, hơn 1.600 ngân hàng đã bị phá sản.

Đối với Việt Nam, nhiều khả năng đây cũng sẽ là những đối tượng chịu áp lực lớn nhất khi trần lãi suất huy động được dỡ bỏ. Xem ra ván bài áp trần lãi suất NHNN đang sử dụng muốn kết thúc cũng không đơn giản tí nào.