“Đại gia” lãikhủng

Trong những ngày giữa tháng 10/2012, thị trường chứng khoán (TTCK) dồn dập đón nhận thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Trong bối cảnh các lĩnh vực “hot” một thời trên thị trường như chứng khoán, bất động sản còn bao trùm khó khăn, vẫn nổi lên những DN lãi “khủng” với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận ấn tượng nhất trong các DNNY thuộc về một thương hiệu không xa lạ - Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Với tổng doanh thu 9 tháng đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, VNM có mức lợi nhuận trước thuế đạt 5.001 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 76% kế hoạch cả năm 2012. Nếu như năm 2011, VNM là một trong số hiếm hoi các DNNY đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD thì chỉ tính 9 tháng đầu năm 2012, “đại gia” này đã cán mốc 1 tỷ USD doanh thu, tuy nhiên chặng đường lợi nhuận vẫn còn tới 24% để VNM phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

Thấp hơn VNM về giá trị tuyệt đối khi chỉ đạt 2.610 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm, nhưng kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng ấn tượng không kém. Tính đến thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 3 quý đều được DPM hoàn thành vượt mức như sản lượng sản xuất đạm đạt 636 nghìn tấn, tương đương 79% kế hoạch năm, tăng 9% so cùng kỳ 2011; tổng sản lượng kinh doanh phân bón nội địa đạt 955 nghìn tấn… Dự kiến cả năm, DPM sẽ vượt mức lợi nhuận trước thuế của năm 2011 (3.510 tỷ đồng).

Dù gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đảm bảo doanh thu cũng như chuyển giao thế hệ điều hành, nhưng Tập đoàn FPT vẫn có mức lợi nhuận 9 tháng trụ vững trong Top nghìn tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của FPT đạt 17.616 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.755 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch đề ra. Việc FPT có kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên là nhờ doanh thu từ các mảng dịch vụ viễn thông, dịch vụ online, dịch vụ tin học… có mức tăng trưởng trên 26%, trong đó doanh thu từ hoạt động xuất khẩu phần mềm tăng trưởng trên 31%.

Tính đến đầu tháng 10, Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) là DNNY duy nhất thuộc Top lợi nhuận nghìn tỷ đã kịp thời hoàn thành kế hoạch cả năm 2012 trước thời hạn. Ba quý đầu năm, doanh thu hợp nhất của PVD ước đạt 8.000 tỷ đồng, lãi ròng gần 1.100 tỷ đồng, vượt con số lợi nhuận 1.076 tỷ đồng của năm 2011.

Dù không nằm trong nhóm lợi nhuận ngàn tỷ, nhưng 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vẫn đáng mơ ước. Trong quý III, doanh thu của SSI đạt 193,33 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt gần 611 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 347 tỷ đồng. Đây là điểm sáng hiếm hoi của các công ty chứng khoán, trong bối cảnh doanh thu môi giới và mảng tự doanh vẫn không đủ đảm bảo các chi phí hoạt động.

Lựa chọn cổ phiếu nào?

Căn cứ vào lợi nhuận 9 tháng đầu năm của DNNY cũng như triển vọng ngày một sáng hơn của nền kinh tế, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra danh sách khuyến nghị đầu tư với một số mã cổ phiếu gồm nhiều ngành khác nhau. Ngoại trừ cổ phiếu VNM, FPT, PVD thuốc Top lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đứng đầu bảng khuyến nghị mua còn có SBT của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh; DRC của Cao su Đà Nẵng, HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, MBB của Ngân hàng Quân đội, HCM của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh và DIG của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng. VDSC cũng khuyến nghị nếu nhà đầu tư chọn xu hướng dài hạn, các mã VNM, HPG, PVD, PVS, FPT là thích hợp trong giai đoạn này; đầu tư trung lẫn dài hạn là HSG, MBB, DIG; trung hạn là SBT, DRC và ngắn hạn là HCM.

Theo VDSC, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên thiên về xu hướng lựa chọn đầu tư dài hạn, kỳ vọng lợi nhuận không cao, nhưng an toàn vốn cao và điển hình cho xu hướng này là mã cổ phiếu VNM. Năm 2012, VNM có thể đạt mức lãi ròng 5.264 tỷ đồng, tăng 12,2% so với kế hoạch đề ra. Các mã cổ phiếu khác cũng phù hợp với chiến lược đầu tư này như HPG, PVD, PVS, FPT và lý do được VDSC đưa ra không hẳn là mức lợi nhuận cụ thể của năm mà căn cứ vào vị trí, thế mạnh của DNNY ở những ngành then chốt. Đây là do cổ phiếu thuộc các DN lớn, các mảng hoạt động chính đều có sự tăng trưởng ổn định và ít bị phân tán nguồn lực bởi đầu tư ngoài ngành…

Các nhóm cổ phiếu khuyến nghị khác (trung - dài hạn hoặc trung hạn), lý do đầu tư là đều thuộc DN có tiềm năng tăng trưởng và hoạt động ổn định, có thị phần lớn, dự án đầu tư khả thi, tình hình tài chính tốt, dự kiến đem lại nguồn thu ổn định trong các năm tiếp theo. Riêng mã HCM, năm 2012 dự kiến có thể đạt doanh thu 638 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 297 tỷ đồng, EPS quy đổi đạt 2.970 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu tốt nhất ngành chứng khoán, nhưng do thuộc nhóm cổ phiếu “nóng”, độ rủi ro cao nên phù hợp hơn với chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” khi thị trường bước vào “sóng tăng”.

Từ “bức tranh” lợi nhuận của một số DNNY, có thể thấy dù TTCK chưa thực sự khởi sắc nhưng nhà đầu tư vẫn có thể tìm “cửa” gửi vốn với kỳ vọng sinh lời cao hơn từ các kênh vàng, tiết kiệm, bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Đây chính là điểm tựa vững chắc để TTCK từng bước phục hồi bền vững.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

Lợi nhuận quý III vẫn nhiều điểm sáng

Ngô Ngọc Thủy

(Tài chính) Tháng 10 hàng năm là thời điểm các công ty niêm yết công bố lợi nhuận quý III. Dù bối cảnh kinh tế năm nay có nhiều khó khăn, song không ít do­anh nghiệp niêm yết vẫn có kết quả kinh doanh khởi sắc. Đây là điểm tựa để nhà đầu tư lựa chọn giải ngân vào những mã cổ phiếu tiềm năng…

Xem thêm

Video nổi bật