Long An: Đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn

PV.

Sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu trồng trọt, phong trào xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa ở Long An đang diễn ra rất sôi nổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn là cách thức tổ chức sản xuất dựa trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, có quy mô ruộng đất lớn với mục đích tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tượng tham gia.

Với 11 cánh đồng lớn năm 2011, năm 2015, Long An đã có 40 cánh đồng lớn. Diện tích cánh đồng lớn từ 2.477 ha năm 2011 đã lên 13.287 ha năm 2015 (gấp hơn 5 lần). Số hộ dân tham gia từ 1.115 hộ năm 2011 tăng lên 5.572 hộ năm 2015.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình cả về năng suất, chất lượng nông sản và giá trị gia tăng. Đây được xem là các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất hiện nay cần được nhân rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Sở NN-PTNT Long An, đến tháng 10/2015, trên 6.610 ha diện tích lúa trong cánh đồng lớn đã thu hoạch, năng suất (khô) ước đạt 68 tạ/ha, sản lượng 44.962 tấn. Tỷ lệ thu mua lúa của DN trong cánh đồng lớn đạt 97% sản lượng.

DN tổ chức thu mua với giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/ha, cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài.

Để nhân rộng mô hình sản xuất lớn có hiệu quả, nhất là mô hình liên kết “4 nhà”, tỉnh Long An đã củng cố và đẩy mạnh việc thành lập HTX, tổ hợp tác, CLB sản xuất nông nghiệp, tăng cường hoạt động khuyến nông …

Ngày 06/10/2015, UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lĩnh vực trồng trọt tỉnh Long An giai đoạn 2015 - 2030.​

Mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2020 và 2030 được xác định: Xây dựng và phát triển các cánh đồng lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Long An phấn đấu đến năm 2020: Tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 110.180 ha đạt 19,34% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 100.000 ha đạt 20% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây bắp 1.500 ha đạt 20%; cây mè 4.500 ha đạt 30%; cây đậu phộng 640 ha đạt 10%; rau các loại 380 ha đạt 5%; cây thanh long 900 ha đạt 10%; cây chanh 1.100 ha đạt 10% và các cây trồng khác 1.160 ha đạt 10%.

Phấn đấu đến năm 2030: Tổng diện tích xây dựng cánh đồng lớn trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 228.800 ha đạt 40,96% so với tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, đối với cây lúa là 200.000 ha đạt 41,4% diện tích quy hoạch gieo trồng; cây bắp 4.000 ha đạt 46,3%; cây mè 8.300 ha đạt 50%; cây đậu phộng 1.300 ha đạt 20%; rau các loại 1.500 ha đạt 16,4%; cây thanh long 3.000 ha đạt 30,8%; cây chanh 4.000 ha đạt 29,3% và các cây trồng khác 2.200 ha đạt 20%.

Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lĩnh vực trồng trọt tỉnh Long An giai đoạn 2015 - 2030 xác định các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện bao gồm: (1) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; (2) Xây dựng, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp; (3) Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; (4) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch; (5) Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; (6) Thiết lập cơ chế quản lý, điều hành thực hiện; (7) Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, thực hiện các dự án, phương án cánh đồng lớn; (8) Chính sách hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn.

Về tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lĩnh vực trồng trọt tỉnh Long An giai đoạn 2015 - 2030, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức đại diện nông dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Công Thương chịu trách nhiệm: Phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn; tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá nông sản nói chung và ưu tiên các cánh đồng lớn; chủ trì, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân xây dựng lộ trình nhu cầu nguyên liệu.