Lựa chọn kênh đầu tư nào vào thời điểm này?
(Tài chính) Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa, năm 2013 sẽ kết thúc. Với những diễn biến của thị trường tài chính thời gian qua, các nhà đầu tư cá nhân đang đứng trước nhiều cánh cửa lựa chọn kênh đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khi các quỹ ETF đã hoàn thành việc cơ cấu lại danh mục đầu tư thì thị trường sẽ bớt sóng. Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thông qua thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được kỳ vọng là sẽ đem đến cho thị trường một số lượng không nhỏ hàng hóa là cổ phiếu của các lĩnh vực đã từng thu hút rất nhiều vốn của các doanh nghiệp nhà nước như ngân hàng, bất động sản…
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, TS. Lê Thẩm Dương phân tích: việc các doanh nghiệp tích cực thực hiện thoái vốn sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tích cực là thị trường có thêm một lượng hàng hóa dồi dào. Nhưng nếu đưa ra không đúng thời điểm, thoái vốn ồ ạt thì sẽ tạo sức ép lên thị trường vốn đang có thanh khoản yếu. Ngoài ra cần xác định không phải thoái vốn bằng mọi giá mà phải bảo toàn được vốn nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, đã tới thời điểm người mua nhà quan tâm hơn đến thị trường bất động sản vì thị trường này đang bắt đầu những cuộc giảm giá các căn hộ chung cư, nhà liền kề… Giảm giá mạnh nhất là hai dự án chung cư cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh với mức giảm lên tới 50%.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn có mức giảm giá thấp và người mua vẫn không dễ tiếp cận với các căn hộ giảm giá. Giải thích cho sự khác biệt này, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam TS. Phạm Sĩ Liêm phân tích, việc giảm giá với doanh nghiệp bất động sản Hà Nội không có gì khó, nhưng vì những doanh nghiệp này không phải chịu sức ép lãi suất ngân hàng như các doanh nghiệp phía Nam nên họ chưa giảm giá. Bất động sản ở miền Bắc xây bằng tiền của những người góp vốn, còn ở miền Nam chủ yếu xây bằng vốn vay ngân hàng nên không thể không giảm giá
Tuy nhiên, có lẽ kênh giữ vốn chắc chắn nhất cho tới thời điểm này vẫn là gửi tiết kiệm. Trong điều kiện các kênh đầu tư đều tắc, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động đang rất thấp, điều này cũng dễ hiểu. Thực tế huy động vốn của các ngân hàng đang có mức tăng cao dù trần lãi suất huy động đã được được điều chỉnh giảm từ nửa năm nay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố năm nay tăng tỉ giá tối đa 3%, nếu điều chỉnh hết biên độ thì lợi nhuận gửi USD chỉ là 4,25% (1,25% lãi suất + 3% tăng tỉ giá = 4,25%). Như vậy, lợi nhuận từ gửi USD vẫn thấp hơn so với mức lãi suất 6,7 - 7% của tiết kiệm bằng đồng Việt Nam. Chưa kể, nhiều khả năng lợi nhuận gửi USD còn thấp hơn mức này vì có thể tỷ giá chỉ tăng thêm khoảng 1% nữa do NH Nhà nước đang rất kiên định với tỷ giá.