Lường đón xu thế mới của vốn ngoại
Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới. Vì vậy cần có sự tính toán và điều chỉnh chính sách để đón đầu cho phù hợp.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tâm điểm vốn lớn đã không rơi vào dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, 3 dự án đăng ký mới trong 10 tháng vừa qua đều thuộc lĩnh vực hạ tầng, năng lượng. Đó là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư 2,79 tỷ USD; nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD; dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD. Đây là điều đã được các chuyên gia về FDI dự báo từ hồi năm ngoái.
Điều đáng bàn sau sự dịch chuyển dự án lớn sang lĩnh vực hạ tầng, năng lượng chính là sức lan toả và khả năng tạo thành chuỗi đầu tư của các dự án này thấp hơn so với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Thực tế cho thấy, sau khi các dự án lớn “đổ bộ” vào Việt Nam trong nửa đầu năm, thì vốn đăng ký mới đã giảm tốc dần. Bằng chứng là sau khi tăng vọt trong quý II, lượng vốn đăng ký mới trong quý III đã giảm 25,8%, hầu hết dự án có quy mô nhỏ và chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Bình luận về xu hướng này, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG cho rằng thu hút FDI không nên coi nhẹ các DNNVV. Ông nhận xét hiện nay Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào các dự án dưới 1 triệu USD, song vẫn sử dụng công nghệ hiện đại, vì vậy mặc dù quy mô nhỏ nhưng dự án vẫn chất lượng. Bên cạnh đó, đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ và giáo dục dù quy mô nhỏ nhưng chất lượng vẫn tốt.
Theo vị này, không nên chỉ xem xét về số tiền, quy mô vốn đầu tư mà cần xem xét đóng góp của dự án đầu tư vào nền kinh tế. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may hiện nay bên cạnh các dự án dệt, nhuộm, cắt may, thì rất cần các dự án vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo, dù không có quy mô vốn lớn nhưng lại tạo thêm giá trị gia tăng đối với ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Ái lưu ý, ngoài các khía cạnh về mặt con số, cần đánh giá đầu tư nước ngoài về chất lượng, lan tỏa và ảnh hưởng tới các DNNVV. Hiện nay, đã có nhiều NĐT nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng chưa có nhiều NĐT từ Mỹ, châu Âu. Dân số vàng của Việt Nam chỉ còn kéo dài 5-7 năm nữa, do đó cơ hội để tận dụng lợi thế nguồn nhân lực, thị trường chỉ còn từ 7-10 năm nữa, sức hấp dẫn sẽ giảm đi.
Ở một góc nhìn khác, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài lại chia sẻ, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNC) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao. Như vậymới có thể tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Vì vậy, theo ông Mại, thời gian tới vẫn cần định hướng thu hút những NĐT lớn như Samsung vào Việt Nam để hình thành thêm ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Một số ngành tạo ra giá trị gia tăng lớn cần ưu tiên như công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...
Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bổ sung, xu hướng đặc biệt với sự gia tăng rất nhanh của góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,67 tỷ USD từ đầu năm và nhiều khả năng sẽ vượt 5 tỷ USD trong năm nay. Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Ông Quang nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới. Vì vậy cần có sự tính toán và điều chỉnh chính sách để đón đầu cho phù hợp.