Lý do nhà khối hộp ở Sài Gòn đoạt giải nhất Kiến trúc thế giới
Công trình có diện tích vườn lớn hơn không gian để ở của công ty Võ Trọng Nghĩa Architects được vinh danh tại Berlin (Đức).
Chủ ngôi nhà ở quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) muốn xây nơi ở có sự gắn kết giữa các thành viên, luôn mát mẻ, có vườn trồng cây cảnh, rau trái.
Festival năm nay có sự tham gia của 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh giải ở 30 hạng mục chính. Rất nhiều công ty kiến trúc danh tiếng góp mặt như BIG, Heatherwick Studio, Zaha Hadid Architects, Vinoly Architects...
Trong chương trình diễn ra tại Berlin, các kiến trúc sư trình bày bản thuyết minh của mình từ ngày 15 tới 17/11. Hội đồng giám khảo quốc tế chọn ra công trình xuất sắc ở từng hạng mục. Sau đó, các tác phẩm chiến thắng sẽ được tham gia vào chung khảo để chọn ra Công trình của năm.
Vườn đặt xen kẽ giữa các không gian, lệch nhau theo phương thẳng đứng. Nhiều phòng có hai mặt là cửa kính trượt giúp tận dụng tối đa tầm nhìn ra các khoảng cây xanh.
Trong ngày đầu tiên, Việt Nam đã có 2 công trình giành chiến thắng. Ở hạng mục Nhà ở, giải nhất thuộc về ngôi nhà có 7 mảnh vườn (Binh House) thiết kế bởi KTS. Võ Trọng Nghĩa cùng nhóm thiết kế Masaaki Iwamoto, Hsing-O Chiang, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Duy Phước, Takahito Yamada.
Lý do chính giúp cho ngôi nhà có dạng khối hộp đoạt giải thưởng lớn là ý nghĩa xã hội và môi trường của công trình. Đây là một trong những ngôi nhà nằm trong dự án “Nhà cho cây” giúp tăng thêm màu xanh cho các thành phố có mật độ dân cư cao.
Các kiến trúc sư đã đưa cây vào trong các ngôi nhà hiện đại mà không ảnh hưởng tới diện tích sinh hoạt của gia chủ. Vườn được trồng chủ yếu trên mái nhà hoặc trên tường. Nhờ vậy, tổng diện tích vườn còn lớn hơn không gian để ở, có đủ loại cây lấy bóng mát, rau mọc khắp các tầng.
Ở hạng mục Dự án Văn phòng tương lai, một công trình ở Hà Nội cũng do công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế đã được vinh danh.
Một số công trình giành giải ngày đầu Festival Kiến trúc Thế giới:
Văn phòng: Tòa nhà công sở nằm ở ngoại thành Hà Nội có 6 khối nhà bên cạnh hồ nước với nhiều cây xanh.
Công trình Văn hóa: Bảo tàng Palestine ở thành phố Birzeit được bao bọc bởi những khu vườn. Nằm trên đỉnh đồi, bảo tàng có tầm nhìn ra biển Địa Trung Hải.
Công trình Trưng bày: KTS người Anh Alison Brooks tạo ra cấu trúc gỗ mang tên Nụ cười đặt ở London (Anh). Tác phẩm có tạo hình giống miệng đang mỉm cười có không gian vui chơi ở bên trong.
Công trình Dân dụng và Cộng đồng: Ba sinh viên kiến trúc đã kết hợp với tổ chức Streetlight để xây dựng một trung tâm học tập và nhà cho trẻ mồ côi ở Philippines. Họ lựa chọn các vật liệu trong vùng kết hợp với kỹ thuật của dân địa phương để xây những ngôi nhà tường bê tông, mái gỗ nhẹ.
Công trình kết hợp truyền thống và hiện đại: Dự án tái thiết sau động đất ở Chiêu Thông (Trung Quốc) xây dựng ngôi nhà mẫu với vật liệu chính là đất cho một đôi vợ chồng già.
Trường học: Ngôi nhà xây từ những năm 1920 ở Sydney (Australia) được cải tạo thành trường mầm non cho trẻ nhỏ. Các bé có thể chạy nhảy ngoài trời, nghịch cát thoải mái để gần gũi với thiên nhiên hơn.