M&A bất động sản, dòng chảy ngầm mạnh mẽ
(Tài chính) Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh gần đây chứng kiến khá nhiều dự án khởi động trở lại. Đáng chú ý, phần lớn các dự án này đã từng xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm trước, nhưng do gặp khó khăn về tài chính đã phải “trùm mền” và giờ bắt đầu “sống lại” nhờ những thương vụ liên doanh, liên kết hoặc bán đứt cho những ông chủ mới có tiềm lực tài chính mạnh
Những dự án sống lại nhờ
Cuối tuần qua, CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp) đã chính thức công bố bắt tay với hai đối tác là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực (PIST) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (WASECO) để triển khai 2 dự án là Khu cao ốc chung cư - văn phòng - dịch vụ thương mại tọa lạc tại số 16 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và Khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư tại số 10 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình.
Trong cái bắt tay với PIST, Hưng Thịnh sẽ chính thức bơm vốn và tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Khu cao ốc chung cư – văn phòng – dịch vụ thương mại 16 đường Âu Cơ. Hưng Thịnh sẽ xây dựng dự án này thành một khu căn hộ, bao gồm 2 block tòa nhà 18 tầng với trên 500 căn hộ. Đây là dự án trước đây do PIST làm chủ đầu tư, nhưng do chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện nên đã bị “trùm mền” khá lâu.
Tương tự, trong cú bắt tay với WASECO, Hưng Thịnh tiết lộ đã chi số tiền khá lớn để triển khai Dự án Khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư số 10 đường Phổ Quang. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 1.600 tỷ đồng, bao gồm 4 block tòa nhà 16 tầng (3 block chung cư, 1 block văn phòng), dự án đã chính thức khởi công trở lại, dự kiến đưa ra thị trường vào đầu năm 2015. Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, dự án này đã từng được WASECO khởi công từ nhiều năm trước, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng sau khi xây móng thì nằm bất động cho đến nay.
Ngoài những dự án kể trên, khá nhiều dự án khác ở TP. HCM gần đây cũng được khởi động trở lại. Nhiều năm trước đây, khu đất có vị trí khá đắc địa tại số 39 Bến Vân Đồn, quận 4 được biết đến thuộc sở hữu của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, bảng hiệu giới thiệu dự án mới xuất hiện trên khu đất này cho thấy tên chủ đầu là Tập đoàn Novaland và dự án có tên The Tresor. Theo nguồn tin riêng của của Đầu tư Bất động sản, Novaland đã mua lại khu đất này từ Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 830 tỷ đồng và đang khẩn trương xây dựng dự án khu căn hộ, thương mại, văn phòng trên đó.
Một dự án khác là Khu dân cư Phước Kiểng Nhà Bè, có quy mô 93 héc-ta tại huyện Nhà Bè, do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, gần đây cũng đang khởi động mạnh trở lại. Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, dù chưa chính thức đặt bút ký kết hợp tác, nhưng Công ty Phú Mỹ Hưng là đơn vị có khả năng sẽ bắt tay với Quốc Cường Gia Lai triển khai dự án này. Theo kế hoạch, Phú Mỹ Hưng sẽ góp 51% vốn, hiện đối tác này đang hỗ trợ Quốc Cường Gia Lai trong việc tư vấn làm bờ kè và các hạng mục hạ tầng.
Ngoài những cái bắt tay kể trên, thời gian qua, trong xu hướng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, khá nhiều dự án bất động sản đã được hồi sinh.
M&A đang góp phần lập lại trật tự thị trường
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, không phải bây giờ mà vài năm qua, Hưng Thịnh đã hợp tác với khá nhiều chủ đầu tư để vực dậy nhiều dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, có thể xem những doanh nghiệp như Novanland, Hưng Thịnh… là những “người hùng” của thị trường bất động sản thời gian qua. Bởi không có những doanh nghiệp này, chưa hẳn thị trường đã sôi động và còn có nhiều dự án khác còn đang phải “trùm mền”.
Liên doanh, liên kết, thậm chí mua đứt các dự án giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau như một dòng chảy ngầm mạnh mẽ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án “chết" là một xu hướng tích cực, là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường bất động sản.