M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị"

Theo baodautu.vn

Thương vụ Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp Trung tâm Thương mại - Khách sạn Vincom Center A TP. Hồ Chí Minh với giá 470 triệu USD mới đây đang lấy lại thế trận cân bằng giữa hai khối nội - ngoại trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A).

M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị"
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phương thức đầu tư qua M&A tăng trưởng kỷ lục về số lượng và giá trị thương vụ cùng với nhiều thương vụ khủng và hình thức đa dạng đang cho thấy, M&A là kênh đầu tư “hot” nhất giai đoạn 2009 - 2013.

Bắt đầu từ năm 2009, khi Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức, hoạt động M&A tăng trưởng vô cùng ấn tượng.

Điều này thể hiện qua giá trị các thương vụ từ 1,1 tỷ USD năm 2009, vọt lên 5,1 tỷ USD năm 2013. Các hoạt động M&A cũng phát triển theo chiều hướng tích cực và lan rộng sang nhiều lĩnh vực.

Giai đoạn 2008 - 2013, được các chuyên gia của các tổ chức nghiên cứu M&A như MergerMarket, IMAA và AVM Vietnam đánh giá là giai đoạn hình thành thị trường, với những thương vụ đơn lẻ để trở thành thị trường có quy mô khổng lồ, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý nhất trong giai đoạn 2009 - 2013 là cuộc “so kè” nắm thế chủ động trên thị trường của hai chủ thể tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam là khối ngoại (gồm các nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp) và khối nội (là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Việt Nam).

Khối ngoại chiếm thế thượng phong

Giai đoạn đầu, hoạt động M&A và chuyển nhượng diễn ra sôi động tại Việt Nam, dù giá trị các thương vụ này không lớn.

Thống kê cho thấy, các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thường ở quy mô 2 - 5 triệu USD/thương vụ, một số ít ở mức 10 - 30 triệu USD/thương vụ. Giai đoạn 2008 - 2010, thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số (77%). Nhưng bắt đầu từ năm 2011 đến nay, thị trường M&A bắt đầu xuất hiện những thương vụ lớn có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 66% giá trị các giao dịch M&A.

Năm 2012, hầu như các thương vụ trị giá 7 con số đều mang dấu ấn khối ngoại, từ vụ Bank of Tokyo - Mitshubishi mua 20% cổ phần của VietinBank, trị giá 743 triệu USD đến 3 thương vụ của Tập đoàn Conoco Phillips (Pháp) thoái đầu tư khỏi hai khu dàn khoan dầu khí và Dự án Đường ống Nam Côn Sơn cho Tập đoàn Parenco (Pháp) với tổng giá trị gần 1,3 tỷ USD, hay như Sumimoto Life Insurance trả Ngân hàng HSBC 430 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn Siam Cement Group đã mua 85% cổ phần của Prime với giá 240 triệu USD; Semen Gresik mua lại 70% của Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD…

Trong đó, đáng chú ý nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Đã xuất hiện cái gọi là “Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản” qua hình thức M&A. Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank, hay thương vụ Unicharm mua 95% cổ phần của Diana, Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt và UFJ Mitsubishi mua cổ phần của VietinBank… đều là những thương vụ rất lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chỉ tính riêng trong hai năm 2011 - 2012, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỷ USD. Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và cũng là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.

Chỉ tính riêng ngành hàng tiêu dùng, tổng giá trị thương vụ đã lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Các thương vụ nổi bật và mua tỷ lệ cổ phần chi phối cho thấy, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường thông qua M&A. Có thể kể đến các thương vụ như Unicharm mua lại 95% cổ phần của Diana với giá trị ước khoảng 129 triệu USD; Kirin Holding mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế - Interfood (IFS); Daio Paper mua cổ phần của Giấy Sài Gòn, Glico mua 10,5% vốn điều lệ của Kinh Đô, Marico - ICP, Carlsberg - Bia Huế…

Tài chính - ngân hàng cũng là ngành “hot” thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các thương vụ Mizuho - Vietcombank, IFC - VietinBank, PVI - Talant... cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hoá.

Riêng với bất động sản, chính những khó khăn trong năm 2011 khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động. Nhiều giao dịch liên quan đến bất động sản đã diễn ra, nhưng không được công bố, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp nội lấy lại thế trận

Theo nghiên cứu của Công ty AVM Vietnam, trong 5 năm qua, thị trường M&A đã chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ trong việc chủ động tiếp cận và làm chủ M&A của giới doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò là người đi mua ngày càng tăng, từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012.

Thực ra, bắt đầu từ năm 2009, động thái các doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò người mua đã bắt đầu được thực hiện bằng việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua lại một ngân hàng tại Campuchia. Một cái tên khá nổi bật khác là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng âm thầm tiến hành hàng loạt giao dịch M&A trong vai trò “ông chủ”, khi mua lại cổ phần của Ngân hàng TMCP Quân đội, mua 18,9% cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); hay việc Vinamilk mua lại 3 công ty khác...

Một doanh nghiệp khác cũng có tốc độ tăng trưởng M&A ấn tượng là Tập đoàn Masan. Trong 2 năm qua, Masan đã tăng cường hoạt động M&A, mà điển hình là việc mua lại Nuphaovica và thâu tóm nhiều nhãn hiệu tiêu dùng khác.

Trong các điển hình khác, phải nhắc đến các công ty, như Kinh Đô, Thủy sản Hùng Vương, Viettel, Vingroup… Các thương vụ nổi bật gần đây giữa các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự quan tâm nhiều của giới quan sát và doanh nhân, như Masan - Vinacafe Biên Hòa, Dược Viễn Đông - Dược Hà Tây, Thủy sản Hùng Vương - Thủy sản An Giang…

Thị trường M&A không còn là sân chơi một chiều của “đại gia” khối ngoại thâu tóm doanh nghiệp Việt, mà đã xuất hiện những thương vụ nội có giá trị khủng.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2013, cả thị trường xôn xao với thương vụ Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp Trung tâm Thương mại - Khách sạn Vincom Center A TP.HCM cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), với trị giá 470 triệu USD.

Như vậy, với việc tăng trưởng cả về số lượng và giá trị của các thương vụ mua lại trong 5 năm qua, cùng “hiện tượng” Vingroup, rất có thể, thời gian tới, thế trận trên thị trường M&A sẽ lấy lại sự cân bằng giữa hai khối nội - ngoại.

Đọ sức những thương vụ “khủng”

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, năm 2013, giá trị M&A có thể không đạt mốc kỷ lục đã xác lập năm 2012, khi dự báo chỉ đạt hơn 4 tỷ USD. Nhưng dù có nhiều khó khăn trong năm nay, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này từ nay đến năm 2017 tiếp tục đạt mức 25 - 30%.

Do đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, đa số các thương vụ có quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2017, thị trường có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thương vụ “bom tấn” M&A có thể diễn ra trong tương lai sẽ đến từ nỗ lực cổ phần hóa và tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty lớn. Đối với lĩnh vực ngân hàng, BIDV sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, cũng đang tìm kiếm và lựa chọn đối tác nước ngoài.

Trong lĩnh vực viễn thông, việc sáp nhập hoặc cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone chắc chắn sẽ tạo những thương vụ lớn. Hay như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines, cũng sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại gia quốc tế…

Với sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường M&A thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã thu được nhiều bài học vô cùng sâu sắc trong vai trò kẻ bị thâu tóm và cả vai trò người đi thâu tóm. Đến thời điểm này có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam đã tương đối “thuộc bài” và như đã nói ở trên, thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ khủng để hai khối nội - ngoại “thử sức” nhau. Trong cuộc “so găng” đầy thú vị này, với lợi thế “sân nhà”, rất có thể lợi thế sẽ nghiêng về doanh nghiệp nội.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Dược phẩm, y tế, giáo dục, khai thác khoáng sản là những lĩnh vực tiềm năng về M&A.

M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị" - Ảnh 1
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (VBSC)

Trong 5 năm qua, hoạt động M&A diễn ra hết sức mạnh mẽ và sâu rộng tại Việt Nam về cả quy mô, hình thức, lĩnh vực và chủ thể tham gia. Trong thời gian tới, hình thức M&A tiếp tục được thực hiện, phổ biến nhất là thâu tóm, mua bán cổ phần chi phối, hoặc tham gia làm đối tác chiến lược.

Về lĩnh vực diễn ra M&A, bên cạnh các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng, những lĩnh vực như dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, khai thác khoáng sản cũng sẽ là những lĩnh vực hết sức tiềm năng về M&A.

M&A nói chung và tái cấu trúc nói riêng là quá trình gồm nhiều giai đoạn, thành công của thương vụ M&A là tổng hòa thành công của các giai đoạn kết nối với nhau, từ việc hoạch định chiến lược phát triển công ty đúng đắn, tìm kiếm đối tác mua/bán phù hợp, thiện chí của các bên trong quá trình đàm phán, có được sự đồng thuận của HĐQT cho đến các cổ đông và cán bộ, công nhân viên, thời điểm thực hiện được lựa chọn hợp lý, có sự tham gia tư vấn hiệu quả của các đơn vị tư vấn luật, tư vấn tài chính, cơ sở pháp lý đầy đủ và hoàn thiện…

Thương vụ M&A chủ yếu phát triển theo chiều ngang.

M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị" - Ảnh 2
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus

Mặc dù khủng hoảng từ năm 2008, nhưng đến nay, doanh nghiệp trong nước mới thực sự “ngấm đòn”, do những những khó khăn của kinh tế vĩ mô và cạn kiệt nguồn vốn từ ngân hàng. Nhiều công ty đã có chiến lược rõ ràng, hoặc công khai danh mục tài sản, hoặc mảng kinh doanh mà họ sẽ thoái vốn. Đây là điểm rất mới trong lịch sử thị trường M&A của Việt Nam vốn rất “ngại” công khai việc cắt giảm, hoặc chuyển nhượng một phần trong doanh nghiệp của mình.

Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước bớt “kiêu” trong các cuộc tiếp xúc với đối tác đến từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh quốc, Đài Loan và Hồng Kông.

Hoạt động M&A đều phục vụ hai mục đích chính của bên mua, đó là phát triển kinh doanh theo chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, M&A theo chiều dọc là sự bổ sung chuỗi giá trị trong mô hình kinh doanh, trong khi M&A theo chiều ngang là sự mở rộng thị phần, hoặc năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thương vụ M&A chủ yếu phát triển theo chiều ngang, đặc biệt là việc các tập đoàn nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam dựa trên các mảng kinh doanh cốt lõi của họ.

M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ bùng nổ.

M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị" - Ảnh 3
Ông Yoshimitsu Onji, CEO Tổ chức Nghiên cứu và Quản trị tài chính doanh nghiệp Nhật Bản – RECOF

Trước năm 2011, các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu dưới dạng hợp tác chiến lược (cổ đông thiểu số). Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, họ muốn mua lại với tỷ lệ sở hữu trên 51%. Những doanh nghiệp muốn mua tỷ lệ chi phối này do họ có đội ngũ quản lý dồi dào và chất lượng.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp Nhật đang chịu sức cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp đến từ phương Tây, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chính yếu tố cạnh tranh này sẽ là động lực thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ sở chắc chắn khiến hoạt động M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để hoạt động M&A phát triển, Việt Nam nhất thiết phải có sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng pháp lý.

Cơ hội sở hữu chuỗi giá trị có thương hiệu toàn cầu.

M&A: Doanh nghiệp ngoại hết thời "múa gậy trong bị" - Ảnh 4
TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế

Việt Nam hiện có nhiều tập đoàn lớn với số vốn hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, những chuỗi giá trị do các tập đoàn này sở hữu, quản lý, điều hành mới đang bó hẹp trong phạm vi quốc gia và thương hiệu chuỗi giá trị của các tập đoàn này trên thị trường thế giới còn khá khiêm tốn.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia đang rẻ hơn bao giờ hết.

Do vậy, các tập đoàn của Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến cơ hội sở hữu các chuỗi giá trị có thương hiệu toàn cầu mà các tập đoàn đa quốc gia phải mất hàng thế kỷ mới xây dựng được bằng hình thức M&A.