M&A: Nâng tầm về chất

Theo Đầu tư Chứng khoán

Thay vì đi câu một con cá để hưởng lợi trước mắt, các nhà đầu tư đã tìm kiếm “cần câu cơm” lâu dài.

M&A: Nâng tầm về chất
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Sau thương vụ CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) mua lại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo với mức giá “khủng” là 85.000 đồng/CP khép lại, các bên còn lại có ý định “nhòm ngó” Vĩnh Hảo đành chấp nhận bỏ cuộc, bởi họ không định giá Vĩnh Hảo cũng như sẵn sàng chấp nhận mua lại Vĩnh Hảo với mức giá cao như thế. Tuy nhiên, như Masan trần tình, lý do họ trả giá cao cho Vĩnh Hảo là họ không quan tâm đến quy mô hiện tại của Công ty, mà dựa trên những đánh giá về khả năng tạo ra doanh thu, lợi nhuận của Công ty trong tương lai ra sao.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra khi nhóm cổ đông CTCK SSI mua cổ phiếu của CTCP Bibica (BBC). Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đánh giá cao tiềm năng phát triển của BBC, vì dù Công ty đang có mẫu thuận nội bộ mà vẫn kinh doanh có lãi… Bên cạnh đó, chiến lược đưa CTCP Xuyên Thái Bình Dương (PAN) trở thành công ty đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mà trước tiên là nuôi trồng thủy sản của Chủ tịch SSI cũng cho thấy mục tiêu liên kết các công ty trong ngành thủy sản với các thế mạnh khác nhau, để tạo thành một công ty có chuỗi quy trình nuôi trồng khép kín, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Những thương vụ M&A đình đám trên TTCK gần đây cho thấy, hoạt động M&A đã được nâng lên về chất. Nếu như trước đây, một doanh nghiệp bị mua lại thường là doanh nghiệp đang có giá cổ phiếu quá hời so với tài sản, hay đó là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, có tài sản bất động sản giá trị lớn chưa được khai thác, thì hiện nay, những thương vụ M&A thường được thực hiện bởi các nhà đầu tư chiến lược tìm kiếm một doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt, có tiềm năng sinh lời cao trong tương lai. Có thể nói, thay vì đi câu một con cá để hưởng lợi trước mắt, các nhà đầu tư đã tìm kiếm “cần câu cơm” lâu dài. Chính vì thế, họ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu được doanh nghiệp mục tiêu hoặc kiên trì mua gom cổ phiếu trong thời gian dài cho đến khi đủ số lượng cần thiết.

Nhìn lại một số thương vụ thâu tóm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán mấy năm trước, đến nay, có những doanh nghiệp mà bên mua đang phải chật vật để quản lý và tìm cách sinh lời. Rõ ràng, việc nhìn ra tiềm năng của doanh nghiệp trên góc độ nào đó dễ dàng hơn là việc biến tiềm năng đó thành hiện thực sau khi mua lại. Nhưng nếu bên mua có thể làm được phần việc quan trọng này thì giá trị của bên mua và doanh nghiệp được mua lại mới tăng cao và cổ đông sẽ được hưởng lợi.

Sự khan hiếm tiền mặt, xu hướng giảm giá của tài sản như bất động sản diễn ra trong 3 năm qua đã thúc đẩy các thương vụ M&A tôn vinh các giá trị như thương hiệu, bí quyết kinh doanh, chuỗi giá trị của quy trình sản xuất… xuất hiện ngày càng nhiều hơn và có vẻ đang là xu hướng độc tôn trong hoạt động M&A thời nay.