“Mạch máu” nền kinh tế dần khơi thông

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Dù còn nhiều thử thách ở phía trước, nhưng ngay từ đầu năm 2014 nền kinh tế đang có những khởi sắc khả quan. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính - tín dụng được ví như "mạch máu” của nền kinh tế đang có những chuyển hướng tích cực và hữu dụng ….

“Mạch máu” nền kinh tế dần khơi thông
Nguồn tiền tại các ngân hàng đang dư dả. Nguồn: internet
Lãi suất cho vay chờ hạ nhiệt

Cú "làm bàn” đầu tiên của ngân hàng trong năm mới chính là đưa lãi suất huy động giảm nhẹ 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất huy động kỳ hạn dài hơn khá ổn định. Nhưng điểm thành công của ngành ngân hàng là đã thu hút được kênh gửi tiền tiết kiệm, thu hút được tiền nhàn rỗi từ người dân.

Đến ngày 20/2/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,94% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 0,83% so với cuối năm 2013; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào. Ngày 5/3, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp 1,62%.  Đây là dấu hiệu tích cực cho các TCTD cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn của mình, tạo tiền vững chắc để giảm lãi suất cho vay từ 1% đến 2%  trong năm nay.
Đến ngày 20/2, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,94% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 0,83% so với cuối năm 2013; thanh khoản của hệ thống Tổ chức tín dụng dồi dào. Ngày 5/3, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp 1,62%.  Đây là dấu hiệu tích cực cho các TCTD cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn của mình, tạo tiền đề vững chắc để giảm lãi suất cho vay từ 1% đến 2%  trong năm nay.

Còn nhớ vào thời điểm tháng 7/2012, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã phải chủ trì một cuộc tọa đàm, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Tại đây liên tiếp các thông tin "ngân hàng lãi suất cắt cổ”, doanh nghiệp chết vì lãi suất đã được tố đến người đứng đầu ngành ngân hàng. Thống đốc lúc bấy giờ đã phải đưa ra cam kết, lãi suất cho vay tối đa sẽ chỉ còn 15%/năm, ổn định trong vòng 1 năm, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, TCTD hạ dần lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Và từ tháng 6/2012 đến nay, quãng thời gian chưa đầy 02 năm mặt bằng lãi suất đã được giảm khá sâu.  Lãi suất cho vay tại các điểm vay vốn hỗ trợ người dân  và doanh nghiệp quay trở về mốc của 5-6 năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, khẳng định NHNN xác định nhiệm vụ ưu tiên là tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm hơn nữa nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh. Đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu….lãi suất chỉ còn ở mức 9- 11%. Trong khi đó, các khoản vay cũ tại nhiều ngành nghề khác tiếp tục đưa về dưới  mức 13%/năm.

Cùng thời điểm này, các ngân hàng thương mại, TCTD cũng nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế. Chẳng hạn ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPbank) chính thức triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với  lãi suất áp dụng từ 8.0%/năm đối với VNĐ hoặc 3.8%/năm đối với USD trong 03 tháng đầu tiên. BIDV cũng dành tới 5.000 tỉ đồng dành cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay sản xuất kinh doanh.

Đẩy tiền vào nông nghiệp, nông thôn

Trong năm 2014, NHNN tiếp tục nhất quán chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động. Với NHNN Việt Nam, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều trong các tháng, không để dồn vào cuối năm.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp với quy mô, đối tượng, thời hạn hợp lý và lãi suất thấp; Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả.

 Nông dân, nông nghiệp, nông thôn trở thành tâm điểm của kích cầu trong năm 2014. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN cũng khẳng định, cần đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng lòng tin. Nguồn cung tín dụng tại các lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản đang yếu, cơ chế bảo hiểm sản xuất cho nông dân cũng đang yếu. Cho vay chỉ dựa vào tài sản thế chấp đang làm cho doanh nghiệp trong khối này khó tiếp cận được vốn.

Vì vậy, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, vấn đề bây giờ là làm thế nào để cho nông dân an toàn, an tâm trong sản xuất nông nghiệp. Có vốn để đầu tư, tái cơ cấu nông nghiệp.

Lãnh đạo Ngân hàng Agribank cho biết sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tối thiểu 72 %/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, riêng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng tối thiểu 17% so với năm 2013.

Kỳ vọng

Dẫu biết rằng ngành ngân hàng trong năm 2014 tiếp tục có nhiều áp lực. Đơn giản như cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp cùng chìa bàn tay ra nhưng chưa gặp được nhau; tổng cầu nền kinh tế chưa thật vững… nhưng với những tín hiệu tích cực của ngành ngân hàng, nền kinh tế có thể chờ "quả ngọt”.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bình luận, nguồn tiền tại các ngân hàng đang dư dả, thể hiện năng lực tài chính của mình để tăng khả năng hấp dẫn khách hàng. Ông cho rằng khi chi phí giá vốn sản xuất được hạ, tiền được chảy đúng địa chỉ, các vấn đề của ngân hàng liên quan đến nợ xấu, sở hữu chéo đang được từng bước khắc phục. Song hành với đó bản thân nội tại các ngân hàng cũng đang tự tái cơ cấu, tạo sức đề kháng cho riêng mình. Cơ sở để làm ấm lại nền kinh tế là hoàn toàn có thật.

Chiều 5-3, trao đổi phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, công ty của ông vừa đàm phán thành công với ngân hàng ANZ để được vay một khoản vốn trị giá 60 tỷ.