Mặt bằng bán lẻ khởi sắc trong năm 2015
(Tài chính) Năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối diện với những khó khăn, song nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2015, mặt bằng thị trường bán lẻ vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Những năm trước, mặt bằng thị trường bán lẻ được nhiều chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài giành giật thị phần khi đổ xô xây dựng các trung tâm thương mại, bởi tin tưởng vào thị trường bán lẻ tiềm năng ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai. Theo thống kê của Công ty CBRE Việt Nam, trong năm 2014, tại TP. Hà Nội đã có 5 dự án mặt bằng bán lẻ gia nhập thị trường, cung cấp thêm 55.058m2 diện tích cho thuê, góp phần tăng tổng diện tích cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội lên 625.000m2. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, theo dự báo của Công ty nghiên cứu tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, đến đầu năm 2016, sẽ có thêm khoảng 375.000m2 mặt bằng bán lẻ.
Mặc dù diện tích tăng nhanh, song thời gian gần đây mặt bằng bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng cụ thể nhất là vừa qua, một số dự án mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa vì không có khách thuê. Thêm vào đó là sự ra đi của một số thương hiệu bán lẻ lớn quốc tế, cũng như trong nước tại các trung tâm thương mại do kết quả kinh doanh không mấy khả thi khiến cho diện tích thị trường mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm còn trống khá nhiều. Tính đến cuối năm 2014, diện tích cho thuê thêm trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ đạt khoảng 2.800m2, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ cũng đang giảm mạnh. Tại khu vực trung tâm giảm khoảng 15,5% so với năm 2013; khu vực ngoài trung tâm giảm 10,4%. Hơn thế nữa, dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, các năm 2015 và 2016, sẽ có thêm khoảng 800.000m2 mặt bằng bán lẻ từ 24 dự án sẽ gia nhập thị trường.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn có nhiều tiềm năng và đang trong quá trình điều chỉnh để phát triển. Bởi vì, thứ nhất, những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra những quyết định quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh và được kỳ vọng mang lại hiệu quả, cùng với đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang dần ổn định. Những điều này được trông đợi sẽ làm tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, khi đó, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ sẽ nhiều hơn. Thứ hai, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi từ các quán hàng rong hoặc chợ để tìm đến các trung tâm mua sắm hiện đại, nhiều loại mặt hàng hơn. Điều này cũng khiến cho nhu cầu về mặt bằng bán lẻ của các doanh nghiệp tăng cao hơn. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang khá tích cực mở rộng kinh doanh. Ví dụ như Hệ thống siêu thị Lotte Mart từ Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở 60 siêu thị tại nước ta, Tập đoàn Vingroup - một nhà bán lẻ nội địa cũng vừa lên kế hoạch xây dựng thêm 9 trung tâm thương mại trên phạm vi cả nước... Việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp được trông đợi sẽ là yếu tố chính giúp cho thị trường mặt bằng bán lẻ khởi sắc trong năm 2015.
Còn những khó khăn về giá thuê mặt bằng bán lẻ có giảm là để duy trì tỷ lệ lấp đầy, và mức giảm sẽ chỉ ở mức độ nhất định. Việc một số trung tâm mua sắm không hoạt động tốt phải đóng cửa hoặc cải tạo là xu hướng tất yếu của thị trường khi mà sự cạnh tranh trong kinh doanh đang ngày càng lớn.
Có cái nhìn khá lạc quan về thị trường mặt bằng bán lẻ trong năm 2015, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, các nhà bán lẻ hiện đang có xu hướng di chuyển ra khỏi các trung tâm thương mại để tìm đến những mặt bằng giá rẻ hơn. Loại hình cho thuê nhà thương mại vẫn chiếm lĩnh thị trường nhờ vào nguồn mặt bằng sẵn có và giá thuê thấp hơn. Do vậy, chìa khóa thành công trên thị trường mặt bằng bán lẻ hiện nay của chủ đầu tư phụ thuộc vào sự linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu của nhà bán lẻ.