Mẹo mua sắm trực tuyến sao cho “hời” nhất
(Tài chính) Dưới đây là một số lời khuyên của Mark Ellwood, tác giả cuốn sách “Bargain Fever: How to Shop in a Discounted World” (Tạm dịch: Cơn sốt mua sắm: Làm thế nào để săn hàng khuyến mãi), ứng dụng cho thị trường mua sắm trực tuyến ở Mỹ. Song người tiêu dùng các nước cũng có thể tham khảo để đưa ra cách thức mua sắm hợp lý cho bản thân.
Bỏ qua giỏ hàng mua sắm trực tuyến
Theo Mark Ellwood, mua món hàng đúng cách là quá trình hai giai đoạn. Đầu tiên, người mua sẽ truy cập vào trang web, tìm những thứ mình muốn và chọn cho vào giỏ hàng hóa. Sau đó, đóng cửa sổ trình duyệt và chờ đợi khoảng một, hai ngày trôi qua.
Cách làm này tạo cảm giác người mua không thực sự hứng thú với giỏ hàng, nhưng có dự định mua. Việc buộc hệ thống dữ liệu của cửa hàng trực tuyến lưu lại giỏ hàng, song chưa đi đến “bàn thanh toán” sẽ khuyến khích các cửa hàng lôi kéo, chào mời khách hàng giải phóng giỏ hàng bằng cách đưa ra phiếu giảm giá, các chương trình khuyến mại chuẩn bị được tung ra hay danh mục những thứ (hoặc cách nào đó) để họ có thể được chiết khấu. Tuy nhiên, điều này có rất ít khả năng xảy ra ở Việt Nam, khi người tiêu dùng còn quá dễ dãi, doanh nghiệp còn chưa thực sự coi khách hàng là “Thượng Đế” và hệ thống mua bán trực tuyến chưa được quản trị thấu đáo.
Tận dụng lợi thế mạng xã hộiThông thường, các đợt giảm giá, thanh lý, chiết khấu lớn không được báo trước quá nhiều. Nếu có cũng rất dễ lẫn trong vô số bài post khác. Ellwood khuyến cáo người mua hàng trực tuyến nên tạo Twitter riêng theo chân “các blogger có nghề”, những tài khoản hay có thông tin về chuyện mua hàng. Các bài tweet của họ sẽ giúp những người mua thông thường rất nhiều, đặc biệt là thông tin về những đợt khuyến mãi ít người biết đến. Tất nhiên, Twitter cũng chỉ có thể trở thành công cụ hữu ích nếu người tiêu dùng chăm chỉ vào kiểm tra hay để thông báo đến điện thoại, không thì cũng vô dụng.
Trao đổi với nhân viên/quản lý cửa hàngEllwood cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hàng trực tiếp từ điện thoại mà hãy trao đổi trực tuyến với nhân viên hoặc quản lý cửa hàng có trách nhiệm, hỏi họ về món hàng mình cần mua nhưng không nằm trong đợt giảm giá. Người đó có thể đưa ra những cách khác giúp bạn giảm chi phí mua hàng. Điều này hết sức cần thiết ở Việt Nam, bởi tính cập nhật rất chậm chạp “truyền thống”. Đôi khi, đặt mua rồi mới hay món hàng đã hết, khi nào có hàng, đã qua thời gian được giảm giá, hoặc đã có sản phẩm cùng dòng đời cao hơn với giá cũng hết sức phải chăng chưa được cập nhật trên trang web. Do đó, hỏi trước khi mua luôn không thừa.
Đừng bị lừa bởi “vận chuyển miễn phí”Ellwood cho hay từng có thử nghiệm vận chuyển hàng được Amazon chi nhánh Pháp thực hiện. Thử nghiệm đã không thúc đẩy lượng tiêu thụ. Nhưng sau khi Amazon treo biển miễn phí vận chuyển thì người mua lại nhảy xổ vào, dù rằng có thể Amazon đã “cắt” việc giảm giá món hàng đó, hoặc đẩy giá lên cao một chút. Ellwood chỉ ra rằng: Phí vận chuyển chỉ là một khía cạnh của chi phí mua hàng. Người tiêu dùng nên tính toán tổng chi phí mua có và không có phí vận chuyển hãy đưa ra quyết định. Nên tham khảo ở các trang web khác, có thể vừa có phí vận chuyển rẻ mà vừa có bán giá tốt hơn.
Đánh dấu các thương hiệu yêu thíchNếu trung thành với thương hiệu nào đó, người tiêu dùng nên đánh dấu, đăng ký nhận thông tin từ sản phẩm của công ty. Đó là cơ sở để các công ty gửi đi những lời mời chào mua hàng và cố nhiên sẽ không thiếu thông tin về các chương trình khuyến mãi.
Cẩn trọng khi cho người khác biết vị trí của mìnhKhông nên lầm tưởng rằng: Mọi người đều bình đẳng khi nhân viên bán hàng không thể nhìn thấy phục sức trên người bạn, cách bạn nói chuyện hay chiếc xe bạn đi. Các doanh nghiệp có vô số cách để thu thập thông tin người dùng. Sự dễ dãi trong việc đăng tải các thông tin cá nhân có thể giúp họ lọc tách được đối tượng khách hàng “sẵn sàng chi” mà không quá quan tâm đến giá bán. “Bạn có thể bị tính thêm phí ‘giàu có’ nếu nhà bán hàng biết bạn đủ khả năng trả tiền cho thứ đó”, Ellwood nói.
Xóa lịch sử trình duyệtThông thường, các nhà bán hàng hay vồn vã với những khách hàng mới và sơ sẩy với khách hàng cũ. Điều này đặc biệt rõ nét ở Việt Nam. Tìm cách để mình luôn trở thành “khách hàng mới” là điều cần thiết của người tiêu dùng thông minh. Cách đơn giản nhất là xóa lịch sử duyệt tin. Điều này bất kỳ ai cũng có thể làm được nếu chịu khó tìm kiếm trên Internet.