Mẹo quản lý chi tiêu của bà mẹ đơn thân
(Tài chính) Thời buổi kinh tế khó khăn, một mình vất vả nuôi con, nhiều bà mẹ đơn thân phải tìm cách chi tiêu hợp lý để đảm bảo tài chính.
Chị trích khoảng 2 triệu đồng để lo tiền học hành và ăn uống tại trường cho con gái. 3 triệu tiếp theo chị dùng chi tiêu trong gia đình. 2 triệu còn lại chị cất vào một cái hộp nhỏ để dành phòng trừ bất trắc.
“Nếu bạn không quản lý chi tiêu chặt chẽ, thấy gì vừa mắt cũng mua thì dù có 20 triệu một tháng cũng cạn túi. Do vậy, khi chi tiêu trong gia đình cần cân nhắc xem mình có thật sự cần mua món đồ này không. Nếu món đồ đó là cần thiết mới mang về nhà và tuyệt đối không để phát sinh những khoản chi khác ngoài những danh sách ưu tiên”, chị Lan nói.
Để chi tiêu hợp lý cho ăn uống cũng là một nghệ thuật, mà theo chị Lan đây là yếu tố chiếm một phần khá lớn trong ngân sách tài chính. Chị tự đi chợ và nấu nướng, bởi theo chị việc ăn uống bên ngoài tốn kém gấp đôi so với ăn ở nhà. Bên cạnh đó, chất lượng và tính an toàn của thực phẩm được đảm bảo.
Kinh nghiệm thực tế của chị Lan là mua thức ăn với lượng vừa đủ, dậy sớm đi chợ vào mỗi buổi sáng là có ngay những món ăn ngon, nếu muốn lạ miệng thường xuyên đổi món và đổi cách ướp gia vị. Như vậy, bữa cơm gia đình không quá dư thừa chất mà đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, chị rất hạn chế những thực phẩm không thật cần thiết như bia, cà phê, nước ngọt có gas hay đồ ăn vặt…
Chị Lan đưa ra dẫn chứng, thay vì buổi sáng dẫn con ra ngoài ăn phở, chị thường mua sẵn thịt bò, trứng… để có thể chế biến những món mà con thích với lượng vừa đủ. “Có những hôm nhà còn cơm nguội, thay vì đổ đi tôi cho vào tủ lạnh sáng chiên lên 2 mẹ con cùng ăn”, chị Lan chia sẻ.
Ngoài chi tiêu hợp lý về ăn uống, việc tiết kiệm điện nước cũng góp phần tiết giảm chi tiêu.
“Vì nhà có 2 mẹ con nên khi ra ngoài, tôi đều tắt và khóa hết các thiết bị điện và nước. Bình thường khi dùng nước tôi thường dùng thùng hứng sẵn vào buổi tối và vặn van chảy nhỏ, bởi lẽ nếu vặn van nước quá mạnh đồng hồ nước sẽ chạy rất nhanh khiến cho số tiền nước không đúng với thực tế. Do vậy, một tháng 2 mẹ con chỉ dùng hết 3 khối nước”, chị Lan tâm sự. Đối với các thiết bị trong nhà, đặc biệt là máy lạnh, chị Lan chỉ bật 2 tiếng buổi tối trước khi đi ngủ.
Có phần khác chị Lan đôi chút, chị Hương 45 tuổi ở quận 2 cho biết, con lớn nên các khoản chi tiêu tăng hơn so với thời điểm còn nhỏ. Thay vì những chi phí cơ bản như của chị Lan thì chị Hương còn phải chi tiêu cho những chi phí khác. Do vậy, cô thường lên danh sách chi tiêu theo tuần và liệt kê hạng mục chi tiêu cho con để có mức điều chỉnh phù hợp.
Chị Hương chia sẻ, một tuần chị trích khoảng 200.000 đồng để đưa con đi bơi hoặc xem phim. Chính những hành động này giúp 2 mẹ con sống vui vẻ, học hành và làm việc hiệu quả. Ngoài ra, cô trích 500.000 đồng một tháng cho các chi phí phát sinh như khám chữa bệnh hay sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong gia đình.
Một khoản chi phí khác không thể thiếu nữa là tiền biếu bố mẹ và đám cưới. Thông thường chị Hương trích ra khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Khoản này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình cụ thể của mỗi tháng. Nếu trường hợp tháng đó dư giả, chị Hương sẽ bỏ ống heo để tiết kiệm và sẽ rút ra khi gặp trường hợp cần thiết.
Ủng hộ về cách chi tiêu trên, một chuyên gia tài chính ở TP. Hồ Chí Minh khuyên các bà mẹ nên kiểm soát tiền bằng cách xây dựng chi tiết những khoản chi tiêu trong vòng nửa hoặc một tháng để có cách điều chuyển dòng tiền một cách hợp lý, nhằm tránh tình trạng chi tiêu quá tay.
Cụ thể, các bà mẹ nên phân chia thành nhiều hạng mục: chi phí hàng tháng, cố định và phát sinh có kiểm soát. Chi phí cố định có thể bao gồm: tiền nhà, hóa đơn hàng tháng, quỹ tiết kiệm. Chi phí phát sinh gồm khoản giải trí, mua sắm quần áo...
Ngoài ra, để tránh lãnh phí, các bà mẹ nên tận dụng và khai thác hết sản phẩm cũ trước khi mua mới. Việc làm này sẽ giúp cắt bớt chi tiêu và đồ thừa trong nhà. Thậm chí hiện nay có nhiều người còn tham gia vào một hội, nhóm chuyên trao đổi đồ cũ cho nhau.
Bên cạnh đó, bà mẹ đơn thân cũng nên xác định cho mình một khoản mục chi phí cho tương lai. Chẳng hạn như bao nhiêu năm có thể mua thêm nhà, đổi xe hay tiền dưỡng già... từ đó, đặt ra tiêu chí tiết kiệm cơ bản cho mỗi tháng.