Mẹo tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng
Gần đây, nhiều người phản ánh họ bỗng dưng bị trừ tiền trong thẻ tín dụngdù không sử dụng hay mua sắm gì. Chuyện này một lần nữa làm cho tâm lýngười ưa dùng thẻ thêm lo lắng.
Một khách hàng lên diễn đàn kể rằng, chị ấy vừa bị hack mất 2 triệu trong tài khoản thẻ visa debit dù không sử dụng đến thẻ. Dù đã liên lạc với tổng đài khóa thẻ, nhưng chị lo lắng rằng số tiền mất kia không biết có được NH xoá hay chị phải chịu. “Nếu làm mất thẻ mà bị mất tiền thì hãy nói, đằng này thẻ còn cầm trong tay mà nhận được tin nhắn trừ tiền mới hoang mang”, chị này chia sẻ.
Thực ra, câu chuyện của vị khách nêu trên không nhiều, nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh báo cho rất nhiều người dùng thẻ. Đó là chuyện gì cũng có thể xảy ra, cho dù thẻ có cầm chắc trong tay. Và trong câu chuyện đi tìm công lý, đòi lại tiền thì không phải ai cũng được như ý muốn. Thế nên, trong xu hướng tội phạm công nghệ phát triển không kiểm soát hiện nay, vai trò của người chủ thẻ quan trọng hơn cả.
Theo đó, một trong những cách bảo toàn số tiền là khách hàng có thể sử dụng hai tài khoản khác nhau, trong đó chỉ để một thẻ tín dụng có chức năng thanh toán online với hạn mức thấp. Khi đó, nếu thẻ này có bị hack thì cũng không thiệt hại nhiều vì trong thẻ không có nhiều tiền.
Một nguyên tắc cần nhắc đi nhắc lại trong đầu là để tiêu xài thẻ tín dụng an toàn là bằng mọi giá không để lộ thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ nên tuyệt đối không cho mượn thẻ hay chụp ảnh lại. Trên thực tế, khác với thẻ ghi nợ nội địa (ATM), khi thanh toán online bằng thẻ tín dụng, không nhiều NH và trang web tại Việt Nam hỗ trợ phương thức hỏi thêm mật khẩu dùng một lần (one time password - OTP).
Khác với thẻ nội địa ATM, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ tín dụng. Do đó, một trong những mẹo hay được sử dụng là chủ thẻ ghi nhớ mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) rồi dán kín chúng lại (hoặc cạo trực tiếp trên thẻ cho mờ hẳn).
Hiện tại, người dùng phải xác định được các nguyên nhân dẫn đến mất tiền trong thẻ để hạn chế tuyệt đối không mắc phải lỗi đó. Cụ thể, bị lộ thông tin cá nhân và bị kẻ xấu làm thẻ giả để rút tiền; khi quẹt thẻ ở các máy POS bị nhiễm mã độc hay rút tiền tại các trạm ATM bị gắn camera quay lén. Hay khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn, khi đó có thể thẻ đã bị chụp hình 2 mặt và người trộm thông tin sẽ dùng đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới.
Hơn nữa, việc giao dịch thanh toán online qua các trang web mang tính rủi ro khá cao trong thời buổi có nhiều vi rút cũng như tràn ngập các trang web giả mạo.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ debit (là thẻ tín dụng chỉ sử dụng khi bạn có đủ tiền) cần lưu ý không làm thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản NH của mình. Vì nếu có kết nối thì khi tài khoản có tiền đồng nghĩa là thẻ có tiền. Một vấn đề khác là chủ thẻ cũng lưu ý khi làm thẻ debit, một số NH cấp thẻ dập sẵn nên rủi ro cao hơn. Cuối cùng, ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ thẻ tín dụng bị sao chụp hoặc thông tin thẻ bị lộ, khách hàng phải thông báo ngay cho NH để yêu cầu khóa tài khoản và phát hành lại thẻ.