Minh bạch tài chính: Chậm bước vì kinh tế khó khăn

Theo VEF

Đề xuất cấm trả tiền mặt khi mua nhà, ôtô đã được bỏ ra khỏi dự thảo thảo sửa đổi lần 2 Nghị định Thanh toán tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này cho thấy, việc thực thi minh bạch tài chính không phải muốn là được và dường như nó càng bế tắc hơn khi kinh tế rơi vào khó khăn.

Minh bạch tài chính: Chậm bước vì kinh tế khó khăn
Việc thanh toán qua thẻ khi hệ thống ngân hàng đang thu phí rất cao chẳng khác nào đeo thêm gánh nặng cho người dân và mang lại lợi ích lớn cho hệ thống ngân hàng. Nguồn: Internet
Chưa hợp thời điểm?

Trong bản dự thảo sửa đổi lần 2 Nghị định Thanh toán tiền mặt vừa được NHNN công bố, quy định cấm người dân thanh toán tiền mặt khi mua nhà ở, đất đai, ôtô hay các phương tiện khác đã không được đề cập.

Trước đó, dự thảo lần 1 quy định cấm mua chứng khoán, xe cộ, nhà bằng tiền mặt và dự kiến được NHNN trình Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/6 để kịp ban hành trong năm 2013. Tuy nhiên, nội dung này đã được nhiều chuyên gia cũng như người dân đánh giá chưa khả thi ở thời điểm này.

Lý do được các chuyên gia và nhiều người dân đưa ra là thói quen và hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa phát triển. Số lượng thẻ ngân hàng mới tập trung chủ yếu ở dân cư thành thị; số lượng máy ATM mới chỉ hơn chục ngàn chiếc, cũng chủ yếu ở các thành phố lớn; hệ thống các thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ còn rất ít so với dân số.

Theo đó, rất nhiều người thậm chí còn chưa biết để thẻ tín dụng là gì thì việc thanh toán qua thẻ đem áp dụng vào những giao dịch như mua bán nhà đất, xe cộ vốn phổ biến ở cả nông thông và thành thị được cho là chưa hợp lý ở Việt Nam, thậm chí ở nhiều nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều người e ngại, ở thời điểm hiện nay, quy định nói trên sẽ khiến cho việc mua bán trên thị trường bị cản trở bởi thủ tục và chi phí phát sinh khá nhiều. Nhiều ngân hàng, siêu thị, cửa hàng thu phí thanh toán qua thẻ không hề thấp, lên tới cả một vài phần trăm, ngăn cản ý định thanh toán bằng thẻ của người tiêu dùng.

Gần đây, một số ngân hàng thực hiện việc thu phí khi rút tiền, chuyển tiền, xem sao kê tài khoản tại các máy ATM. Số tiền tưởng chừng không nhiều cho mỗi lần giao dịch, khoảng 1.100 đồng cho một lần rút tiền nội mạng, 3.300 đồng ngoại mạng... nhưng xét theo tỷ lệ và giá trị số tiền rút, tần số rút tiền của một bộ phận lớn người dân lao động, làm công ăn lương là rất lớn.

Việc thanh toán qua thẻ trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang thu phí rất cao (một vài phần trăm) như hiện nay chẳng khác nào đeo thêm gánh nặng cho người dân và mang lại lợi ích lớn cho hệ thống ngân hàng.

Trong dự thảo mới, cho dù bỏ nhiều quy định liên quan đến hạn chế thanh toán tiền mặt của các cá nhân nhưng NHNN cũng đã mở ra hướng cho các ngân hàng có quyền ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà băng chủ động thu phí với khách hàng. Không những thế, khi rút số tiền mặt có giá trị lớn, khách hàng phải thỏa thuận và thông báo trước với ngân hàng.

Thách thức lớn

Thực tế cho thấy việc thanh toán ngân hàng, qua thẻ tín dụng vẫn là một thách thức lớn không chỉ đối với Việt Nam.

Ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Cá nhân khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng ANZ ngày 5/6 cho biết, ở những nền kinh tế mới nối có hai điểm quan trọng cần xác định là: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng là bao nhiêu, chiếm tỷ trong lớn hay nhỏ? Thứ 2 là: Tỷ lệ người giàu có thu nhập cao hiện đang trả thuế thu nhập cá nhân cho chính phủ như thế nào và trong tổng thu nhập của họ, bao nhiêu phần trăm đang được ghi nhận để trả thuế thu nhập? Với việc thanh toán bằng tiền mặt, chính phủ chắc chắn thu không đủ thuế và như vậy là không công bằng cho người dân.

Theo ông Sanjoy, ở thị trường mới nổi như Việt Nam, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ có thể học những bài học từ các nước đã phát triển.

Ở Singapore, nước này đã có bước tiến lớn trong minh bạch tài chính và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mua bất động sản (BĐS) ở Singapore, mọi thứ đều rõ ràng trên mạng. Khoảng 20 giao dịch gần đây nhất được hiển thị rõ ràng cũng như lịch sử giao dịch trong 2 năm gần đây, khách hàng đều có thể tra cứu trên mạng.

Chính phủ cần phải ban hành quy định tạo ra sự minh bạch, cần có biện pháp để giảm chi tiêu tiền mặt, mà trước hết là việc thanh toán tiền thuế, các loại tiền khác không nộp trực tiếp tại thuế. Chính phủ cần ban hành các quy định và các dịch vụ này phải thực hiện qua ngân hàng.

Có một thực tế ở nhiều nước là, có quá nhiều tiền đầu tư vào BĐS, một kênh đầu tư không thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Việc không quản lý giám sát được các giao dịch BĐS có thể dẫn tới sự không công bằng rất lớn, nhiều người giàu không phải đóng thuế cho những khoản thu lớn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề chọn lựa thời điểm, đối tượng có lẽ cần chính xác hơn. Một số người cho rằng, thanh toán qua tài khoản hiện tại có thể chỉ hợp lý với các doanh nghiệp, công ty và các đối tượng có thu nhập cao, mua bán các vật có giá trị lớn. Còn với người lao động có thu nhấp thấp, người lao động tự do, công nhân, đặc biệt là nông dân thì chưa hẳn đã phù hợp. Thanh toán qua thẻ, qua tài khoản xem ra vẫn xa lạ với các đối tượng này.

Với các giao dịch BĐS, việc quản lý hành chính đối với đất đai cũng chưa làm tốt. Việc xét duyệt cấp sổ đỏ, hợp thức hóa đất đai cho người dân chưa thực hiện được thì việc quản lý các giao dịch qua tài khoản rõ ràng là khó khăn.

Một điều quan trọng là, nếu việc thanh toán bằng thẻ an toàn, tiện lợi, chi phí thuế thấp, hạ tầng công nghệ đảm bảo... thì chắc chắn một bộ phận không nhỏ người dân sẽ tham gia. Đây là xu hướng chung, không cần cấm đoán, ép buộc cũng sẽ có nhiều người thực hiện.